Nông nghiệp hiện đại tiêu diệt thế giới loài người

Nông nghiệp hiện đại tiêu diệt thế giới loài người

Thứ 4, 15/05/2013 16:08

Ngày nay, các nhà nông nghiệp hiện đại không cần phá rừng nữa. Để giải quyết nhu cầu lương thực, họ đã áp dụng các biện pháp thâm canh, như trồng cây thuần loại, cơ giới hóa, phun tưới, dẫn nước, bón phân, dùng thuốc diệt sâu rầy và diệt cỏ dại, lai tạo giống mới v. v….

Nhưng, những gì xảy ra cho môi trường và con người với những phương pháp canh tác hiện đại ấy? Nó có đưa lại một chuỗi hệ quả tiêu cực có hai cho con người không?

Đôi ví dụ sau đây trả lời cho câu hỏi ấy.

1. Sự trồng cây thuần loại, một mặt đã đẩy lùi hoặc tiêu diệt những loài “không hữu ích”. Mặt khác, nó đòi hỏi phải sử dụng thuốc diệt họa chống sâu rầy và nấm bệnh. Những thuốc này sát hại luôn những loài côn trùng và chim chóc hữu ích khác. Các cặn thuốc có chứa những chất độc như thủy ngân và arsenic, theo mưa thâm nhập và đầu độc ao hồ, suối sông và thủy sinh vật. Với diện tích rộng lớn của mình nông nghiệp là nguyên nhân quan trọng làm nghèo sự đa dạng sinh học, đem lại sự mất cân bằng cho nhiều thế hệ sinh thái, và qua chuỗi thức ăn, làm hại cả sức khoẻ con người. Hiện tượng bị dị ứng và ngộ độc do thức ăn còn chứa thuốc diệt sâu rầy, đã xảy ra tại nhiều nơi và tại Việt Nam.

Việt Nam Xanh - Nông nghiệp hiện đại tiêu diệt thế giới loài người

Chăn nuôi công nghiệp. Công nghiệp hóa nông nghiệp.

2. Sự cơ giới hóa, đặc biệt trên lãnh vực thủy lợi với các máy công cụ năng dùng để đào xới, đã phá hủy trú quán và tiêu diệt các loài động và thực vật hoang dã. Hơn nữa, nó tạo hiện tượng xì phèn, hóa sình và hóa mặn, giết hại cỏ cây. Riêng năm 1986, sự hóa mặn đã làm tổn hại khắp thế giới khoảng 60 triệu ha đất nông nghiệp. Nước ngọt luôn luôn chứa một lượng muối nhỏ. Nồng độ muối này tăng dần sau mỗi lần tưới và một ngày nào đó hóa mặn đất đai. Sự hoang mạc hóa, sự hóa mặn, hóa sình cũng là những nguyên nhân quan trọng gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng cho 800 triệu người trên qua đất hiện nay. Ngoài ra, sự dẫn nước vào ruộng, cũng làm bành trướng các khuẩn gây bệnh đường ruột và sốt rét rừng.

3. Chất phosphate và nitrat của phân bón làm tăng độ phú dưỡng của thủy vực, kích thích sự phát triển nhanh của rong rêu. Rong rêu cướp mất dưỡng khí và giết hại tôm cá và thủy sinh vật khác tại ao hồ. Qua đó, khả năng làm sạch nước tự nhiên và sự sống của ao hồ cũng bị diệt theo.

Nói tóm lại, việc thâm canh để tăng sản lượng lương thực và sự đốn rừng nhằm thỏa mãn nhu cầu nhảy vọt về củi, gỗ, về diện tích trồng trọt và định cư, đều là những hoạt động chính đáng nhằm phục vụ cho cuộc mưu sinh. Trong rất nhiều trường hợp, hệ quả dị thời của những hoạt động chính đáng này từ 10 hoặc 20 năm trước, lại trở thành sự tàn phá những điều kiện mưu sinh!

Trước những bằng chứng nêu trên, người Phật tử không thể không suy nghĩ, thế nào là “chánh nghiệp”?, thế nào là nông nghiệp trong sáng theo quan niệm “ngũ minh”? Phật tử phải hành động và kinh doanh ra sao để thiên nhiên không bị mang hại tương tự như “ong hút phấn hoa mà không làm hại hoa”, như Đức Phật đã nhắn nhủ (Pháp Cú, kệ 49)?

Trong lãnh vực công nghiệp hóa thì thế nào? Với những thành tựu huy hoàng của nó, nó có đạt được tiêu chuẩn “minh” theo quan niệm “công xảo minh” chăng? Có lẽ là không! Nền công nghiệp từ hai thế kỷ qua cũng gây ra hàng ngàn hiện tượng tiêu cực cho môi trường và con người.

Sự ô nhiễm không khí và nước, rác rến, dơ bẩn, tiếng ồn ào nhức óc v. v…. là những mối nguy hại thường trực và phổ biến. Đất nước chúng ta đang đi trên đà công nghiệp hóa, không thể không đối diện với những tiêu cực có tính phổ quát này.

Sau đây xin nêu vài ví dụ cụ thể:

1. Công nghiệp – và sự đô thị hóa – đã trực tiếp phá hủy thiên nhiên để lấy mặt bằng xây dựng và phát triển. Công nghiệp đã biến đổi cảnh quan và các hệ sinh thái một cách sâu rộng, đã làm đảo lộn những chu trình vật chất và dòng năng lượng trong sinh quyển, gây khó khăn cho quá trình phục hồi và thanh lọc tự nhiên. Về mặt khí hậu, trong vòng 40 năm qua, từ 1949-1989, mặt nước biển vùng nhiệt đới đã nóng hơn 0,5 độ C và ẩm hơn 16%. Mưa lục địa tăng 5% (Riêng khu vực Sahel tại Phi Châu thì ngược lại. Nơi đây, mưa giảm xuống và hạn hán tăng lên).

So với 20 năm trước, tốc độ gió toàn cầu hiện nay thổi nhanh hơn 5-10% tại nhiều nơi thuộc khu vực nhiệt đới, thậm chí đến 20%. Điều này cắt nghĩ vì sao cường độ tàn phá của bão tố đã trở nên dữ dội khác thường.

2. Các nhà máy, trong quá trình sản xuất, đã không ngừng thải những chất ô nhiễm và độc hại vào không khí, vào đất và nước. Những khu công nghiệp lớn, ví dụ nhưng vùng Ruhr nước Đức, đã thải ra hơn 300 chất. Trong số đó, nhiều chất gay nên bệnh tật và ung thư. SO2 và NO2 chẳng hạn, chúng là nguyên nhân gây ra sương mù nguy hiểm (London-smog), từng làm thiệt mạng hàng ngàn người trong quá khứ (hơn 4. 000 người chết tại Luân Đôn năm 1952). Với nồng độ cao, SO2 và NO2 phá hủy chất diệp lục và ngăn chận sự quang hợp, cũng như sự hấp thụ khí CO2.

Dưới dạng mưa acit, chúng làm chua đất và thủy vực, giết hại tôm cá và những sinh thể khác. Chúng ăn mòn các công trình kiến trúc và xây dựng, gây ra những thiệt hại phi thường. Tại Đức, sự thiệt hại này được ước tính từ 2 đến 3. 5 tỷ Đức Mã mỗi năm. Khí CO2 làm giảm năng suất lao động và gây chứng nhức đầu, chóng mặt. Các kim loại cũng nguy hiểm không kém. Chì làm yếu bắp cơ, có thể đưa đến liệt bại và biến đổi chức năng của gan, thận và não. Cadmium gây bệnh Itai-Itai làm méo mó thể dạng của xương v. v…. . Để lọc sạch những chất độc trong nước, Tây Đức phải bỏ ra 780 triệu Đức mã hàng năm.

Để giải độc cho đất, cần phải có một kinh phí khổng lồ khoảng 60 tỷ Đức mã. Tại thành phố Hồ Chí Minh nước và không khí cũng chứa nhiều chất độc và hàm lượng đã vượt lên tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Hàm lượng bụi và chì đã vượt quá từ 3 đến 11 lần.

3. Công nghiệp đông lạnh, điện tử và cả những bình xịt thuốc cho tóc, đã sử dụng rộng rãi khí CFCI. Khí này làm mỏng tầng khí Ozon và đục thủng nhiều nơi. Tầng Ozon được xem như là cái màn lọc tia cực tím có hại cho sức khỏe và mùa màng. Tầng Ozon bị mỏng hoặc bị đục thủng đã để lọt nhiều tia cực tím tấn công vào con người và sinh vật, làm tăng bệnh ung thư da.

4. Trong vòng 200 năm nay, than, dầu được sử dụng thật rộng rãi. Qua quá trình đốt cháy, chúng ta thải môt lượng khí cacbonic CO2 làm tăng vọt hàm lượng CO2 trong khí quyển, tạo ra hiệu ứng nhà kính, hâm nóng quả đất. Các khu công nghiệp thế giới thải hàng năm 24 tỷ tấn CO2 – 80% xuất phát từ những nước công nghiệp.

Trong tương lai, số lượng này còn cao hơn nữa. Theo ước tính của các nhà khoa học, trong vòng 50 năm tới, nhiệt độ trung bình thế giới sẽ tăng thêm 1,5 độ C. Trong khi tại Úc Châu và Tây Phi Châu giảm bớt 1 độ C, tại Việt Nam, Ấn Độ và Âu Châu tăng thêm 3 độ C và Bắc cực tăng thêm 5-7 độ C.

Sự tăng thêm nhiệt độ này trước hết đã mang đến sự biến đổi thời tiết, quan trọng hơn nữa là làm băng tan và khiến mực nước biển dâng cao. Từ năm 1973 đến nay, lớp băng tại Bắc cực mất đi 8% và trên núi Alpe chỉ còn ½. Đến năm 2050, mực nước biển có thể năng lên từ 0,2-0,4m. Điều ấy có nghĩa là nước mặn sẽ phủ ngập các vùng duyên hải thấp và sẽ phá hủy đồng bằng phì nhiêu và sự sống tại đó. Nó sẽ đưa đến một cuộc di dân ồ ạt lên những vùng cao, nơi mà diện tích khả canh bị thu lại vì xói mòn và hoang mạc hóa.

Nếu con người không sớm tìm biện pháp đối phó, có lẽ khó tránh khỏi một cuộc cạnh tranh sinh tồn gay gắt giữa người và người và một cuộc phá hủy tàn bạo vốn tài nguyên thiên nhiên còn sót lại!

Những ví dụ tiêu cực nêu trên, đã phơi bày nhược điểm và hiểm họa của sự phát triển vừa qua. Tính tham dục “ngày càng nhanh, ngày càng nhiều và ngày càng mới” đã cổ võ và thúc đẩy sự phát triển lòng tham ái, khiến con người xa rời nếp sống tĩnh thức, xa rời và đối nghịch với thiên nhiên, đã xô con người vào sự phá hoại những nhân tố mà mình dựa vào để sinh tồn và phát triển. Sự say mê quyền lợi vật chất đã khiến cho nhiều người quên đi những lợi ích lâu dài của nhân loại. Những kẻ tiếp tục bảo vệ cho sự phát triển này sẽ nhún vai lãnh đạm trước những tiêu cực và hiểm họa. Song một ngày nào đó, biết đâu chính họ và con cháu của họ sẽ trở thành nạn nhân của nghiệp báo đau thương.

Chúng ta có cảm tưởng rằng họ đi giữa cuộc đời với thái độ khá phổ biến của kẻ lái xe trên đường. Kẻ lái xe thường không nghĩ rằng mình là người có thể gây ra tai nạn hoặc chịu tai nạn. Trong tiềm thức họ, vấn đề tai nạn là vấn đề của người khác. Chỉ có người khác mới gây ra tai nạn hoặc thọ nạn. Đến khi lâm cảnh tai bay họa gởi thì đã muộn rồi.

Lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú thấm thía làm sao!: “Kẻ ngu vì tham giàu, hại mình và hại người” (kệ 355) và ’’Ác nghiệp chưa chín muồi, người ngu nghĩ là ngọt. Khi ác nghiệp chín muồi, người ngu chịu khổ đau” (kệ 69).
(Còn tiếp).

Tiến sỹ Lê Văn Tâm

Đại học Gottinggen, Cộng hòa Liên bang Đức

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.