Trồng hoa, thả cá trên đầm trũng
4 năm trước, xứ vùng Đồng Ghè và Liên Nhật (thuộc thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chỉ là một vùng đầm trũng, nhiều diện tích trồng lúa phải bỏ hoang, không thể canh tác.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983) với niềm đam mê nông nghiệp vẫn luôn ấp ủ “trồng hoa trên đất này”. Niềm mơ ước đó đã trở thành hiện thực khi vào năm 2020, anh Quyền bỏ công ty xây dựng để quay về làm nông nghiệp, quyết làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Dám nghĩ, dám làm, với số tiền 600 triệu vay ngân hàng, cùng sự đồng hành của chính quyền các cấp, anh Quyền thành lập Hợp tác xã (HTX) Liên Nhật, bắt tay vào cải tạo vùng đất trũng. Anh thuê 20 ha đất ruộng bỏ hoang của 40 hộ dân, đầu tư, thuê máy móc, phá bờ vùng, bờ thửa để quy hoạch vùng sản xuất tập trung hữu cơ, nuôi cá và bắt đầu thả trồng những cây hoa súng đầu tiên.
Song song, anh thả nuôi thử nghiệm giống tôm càng xanh, cá rô phi, ốc bầu đen và gieo trồng 03 giống lúa: Lai Thơm, Hương Cốm và ST25 với tổng diện tích 14ha.
Không ngừng tìm tòi, học hỏi, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, gần một năm sau, trên cánh đồng, những diện tích lúa đầu tiên nói không với thuốc, phân hóa học bắt đầu trổ bông. Những bông hoa súng cũng bắt đầu bén đất, nở rộ sắc màu. Không chỉ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, anh Quyền cùng bà con xã viên còn trồng hoa, xây dựng các loại hình dịch vụ để sẵn sàng phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, câu cá và thưởng thức các món ăn “đặc sản” hữu cơ mang thương hiệu Liên Nhật.
Không phụ lòng người, năm 2022, mô hình “3 trong 1” đã cho hiệu quả rõ nét, Hợp tác xã của anh thu hoạch 5 tạ tôm càng xanh, 5 tấn cá rô phi/2 vụ, năng suất lúa đạt khoảng gần 5 tấn/ha; doanh thu khoảng trên 400 triệu đồng.
Anh Quyền cho hay, mô hình HTX Liên Nhật còn giúp các thành viên thay đổi tư duy sản xuất từ canh tác theo lối truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Các hộ dân có trách nhiệm hơn trong sản xuất; tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kĩ thuật chăm sóc, tạo công an việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
“Tổng toàn bộ HTX gần 20ha. Trong đó, trồng lúa 14ha, còn lại diện tích mặt nước nuôi thủy sản gần 4ha ở 2 xứ vùng Đồng Ghè và Liên Nhật. Sau thời gian nuôi, tôi nhận thấy giống tôm càng xanh thật sự không quá kén, chỉ cần đảm bảo nước nuôi sạch, hạn chế các loại “thiên địch” thì tôm phát triển tốt, cho sản lượng thu hoạch rất cao”, anh Quyền hào hứng.
Dịch vụ sinh thái khép kín
Sau quá trình trồng lúa, thả cá, nuôi tôm theo hướng hữu cơ cho hiệu quả, với sự hỗ trợ về mặt chính sách của UBND TP. Hà Tĩnh, anh Quyền bắt đầu kêu gọi nhiều người dân địa phương tham gia HTX để phát triển mô hình sản xuất kết hợp dịch vụ. Đến nay, HTX của anh có tổng 20 thành viên.
Chỉ tay vào dàn bù, dàn mướp trĩu quả ngay ở cổng vào HTX, anh Quyền cho hay “hạng mục” này là do gia đình ông Võ Tá Tam - một thành viên thuộc HTX phụ trách. Sản lượng thu hoạch bù, mướp của hộ ông Tam sau khi tính toán trừ chi phí sản xuất sẽ được HTX thu mua lại. Đây cũng là cách thức vận hành chung tại HTX này.
Theo anh Quyền, điều làm anh tự hào và hạnh phúc nhất đó là HTX đã tạo được công ăn việc làm cho con em địa phương với mức thu nhập tốt. “Bây giờ, rất nhiều người dân ở thôn Liên Nhật làm việc tại HTX. Ngoài lao động thường xuyên, dịp nghỉ hè, các em học sinh cũng vào đây làm việc, tạo công ăn việc làm, thu nhập để các em có tiền chuẩn bị vào năm học mới”, anh Quyền phấn khởi.
Hiện, HTX đã xây dựng được tổng 15 chòi, lán, phục vụ dịch vụ ăn uống, với “đặc sản” cá, tôm, lúa, rau hữu cơ được nuôi tại chính HTX. Quy mô HTX với lượng đón, phục vụ được tầm 300 khách. Để phục vụ tốt hơn nhiều đối tượng khách hàng, HTX đang cho thi công một khu lán rộng với sức chứa khoảng 100 người để phục vụ tiệc, đón các đoàn khách.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp với chuyên ngành công nghệ sinh học, anh Võ Tá Quỳnh (SN 1993) cũng quyết “bỏ phố về quê” lập nghiệp. Sau khi gia đình anh tham gia HTX Liên Nhật, anh từ Hà Nội khăn gói về quê, quyết theo niềm đam mê làm nông nghiệp sạch. Anh Quỳnh hiện là một thành viên chủ chốt trong HTX, phụ trách quản lý, vận hành tại đây.
"Về HTX làm việc, tôi có công việc ổn định không phải đi bôn ba ở ngoài, được ở gần cha mẹ, quê hương. Với mức thu nhập cả sản xuất, cả kinh doanh trên 15 triệu/tháng, với tôi, đây là mức thu nhập khá cao tại Hà Tĩnh giúp tôi đảm bảo được cuộc sống", anh Quỳnh nói.
Tại HTX Liên Nhật, ngoài anh Quỳnh còn có rất nhiều thanh niên bỏ việc để về đây xây dựng kinh tế nông nghiệp xanh trên mảnh đất quê hương. Đơn cử như anh Trương Bá Duy (SN 1991), trước làm nghề lái xe taxi giờ về tham gia HTX, cho mức thu nhập tốt.
“Dự kiến, trong tương lai gần, chúng tôi tiếp tục thi công các khu vực trải nghiệm, cắm trại, bắt cá và khu vui chơi dân gian cho trẻ em; sân khấu nhạc ngoài trời… để phục vụ nhu cầu khách hàng. Chúng tôi cũng kêu gọi một số thanh niên trẻ đầu tư, phối hợp với HTX để sản xuất bánh đa vừng, bánh đa nem thương hiệu Liên Nhật”, ánh mắt anh Quyền sáng lên khi nói về những dự định sắp tới.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế UBND TP.Hà Tĩnh cho biết, trước đây, xứ vùng Đồng Ghè và Liên Nhật là vùng đầm trũng, chỉ sản xuất được một vụ lúa hoặc bỏ hoang. Để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng mới, UBND TP. đã cho đầu tư hệ thống mương tách nước, tách thải, vận động người dân tích tụ ruộng đất, thành lập hợp tác xã. Lãnh đạo TP. cũng đã cùng với HTX lên phương án quy hoạch, định hướng cơ cấu cây trồng, nuôi trồng lúa tôm. Sau môt năm cho hiệu quả sản lượng lúa, tôm rất tốt, từ đó nhân rộng diện tích.
“Hiện, trên địa bàn TP. có rất nhiều mô hình kinh tế xanh tương tự như HTX Liên Nhật, điển hình như khu công viên nông nghiệp Đồng Ghè (xã Thạch Hạ), Công ty Ngọc Trai (xã Đồng Môn)... Từ những chính sách của Trung Ương, tỉnh, đặc biệt chính sách tích tụ ruộng đất, UBND TP. đã hướng dẫn người dân thay đổi cách làm nông nghiệp theo hướng lối mòn, thay vào đó phải làm nông nghiệp kết hợp, làm dịch vụ, gắn thương hiệu, để nâng cao hiệu quả giá trị sản phẩm nông nghiệp tạo ra”, ông Hưng chia sẻ.