Chiều 25/11, Viện Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) kết hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Viện Pháp tại Việt Nam (IFV) tổ chức hội thảo "Nông nghiệp thông minh: tiềm năng và hiện thực".
Nông nghiệp thông minh là việc ứng dụng khoa học công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, chuyển giao, phân phối và sử dụng năng lượng một cách bền vững.
Dưới tác động của cách mạng công nghiệp, xu thế chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh tại Việt Nam là tất yếu.
Biến đổi khí hậu, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi nông nghiệp thông minh
PGS-TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, HTX nông nghiệp số Việt Nam nhận định, nguyên nhân lớn nhất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay đó là biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng lũ lụt, hạn hán trở lên nghiêm trọng. Gần 1 triệu ha đất nông nghiệp biến mất do nhiễm mặn khiến sản lượng lương thực hàng năm giảm đi khoảng 10 triệu tấn. Kéo theo đó là tình trạng bất ổn định sinh học, phát sinh từ việc di cư dân số do mất sinh kế.
Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, ông Paul Jansen cho biết, biến đổi khí hậu không phải vấn nạn của riêng quốc gia nào mà đây là vấn đề của cả thế giới. Vài thập niên trở lại đây, những thách thức về biến đổi khí hậu mà ngành nông nghiệp toàn cầu đang phải đối mặt có xu hướng gia tăng và ngày càng khốc liệt.
Tình trạng mưa lớn bất thường kèm theo lũ lụt gây xói mòn diện tích canh tác, các cơn bão, lốc xoáy với cường độ mạnh trở lên phổ biến. Ở một số khu vực lại phải hứng chịu các đợt hạn hán kéo dài kèm theo cháy rừng, nước biển dâng… đó đều là những hậu quả của biến đổi khí hậu đem lại
Trước thực trạng đó, nông nghiệp toàn cầu cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện một hệ thống nông nghiệp thông minh, đảm bảo cùng lúc 2 nhiệm vụ, cung cấp lương thực cho toàn thế giới và bảo tồn tài nguyên, môi trường sống.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), nói riêng tại Việt Nam, những ảnh hưởng rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu là sự giảm dần cường độ lạnh trong mùa đông, thời gian nắng nóng kéo dài hơn, dẫn đến tình trạng mất dần hoặc triệt tiêu tính phù hợp giữa các tập đoàn cây, con trên các vùng sinh thái. Làm chậm đi quá trình phát triển của nền nông nghiệp hiện đại cũng như gây biến dạng nền nông nghiệp cổ truyền.
Nông nghiệp thông minh , giải pháp đa mục tiêu
Trong phần tham luận sau đó, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc VAAS nhấn mạnh, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, thành công chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế, đưa công tác quản lý tài nguyên phát triển bền vững, hạn chế phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.
Khi đó, sản phẩm nông nghiệp Việt không chỉ đơn thuần là một mặt hàng mua bán, trao đổi mà còn tích hợp đa giá trị, tạo lên một bản sắc riêng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Oye Akinsemoyin, Chủ tịch Hiệp hội thương mại và công nghiệp Nigeria- Việt Nam (NVCCI) cho biết, 75% người nghèo trên thế giới sống ở các vùng nông thôn và chủ yếu dựa vào nông nghiệp để kiếm sống. Hệ thống nông nghiệp thông minh sẽ giúp cải thiện năng suất, sản lượng nông nghiệp, qua đó giải phóng sức lao động, gia tăng thu nhập cho tầng lớp này.
Nông nghiệp thông minh cũng sẽ làm tăng khả năng phục hồi, giảm tổn thương trước các vấn đề như hạn hán, sâu bệnh, dịch bệnh, giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học.
Chuyên gia chương trình phụ trách hợp tác và giám sát dự án Tổ chức Pháp ngữ quốc tế, Kaloyan Kolev nhấn mạnh về tác dụng của nông nghiệp thông minh trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông cho biết, các phương pháp quản lý sản xuất tiên tiến sẽ ưu tiên lựa chọn những quy trình phù hợp nhất nhằm hạn chế tối đa khả năng sản sinh dioxide cacbon và mêtan, 2 nguyên tố chính gây ra hiệu ứng nhà kính cho Trái Đất. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo tồn hệ sinh thái và cảnh quan trở lên hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm từ nền nông nghiệp của Maroc
Phát biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, ông Salaheddine Lalaouinajth, Bí thư thứ nhất phụ trách về kinh tế, Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam cho biết:
Nhận thức được các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, xác định mục tiêu phát triển bền vững là trọng tâm, ngay từ năm 2008, Maroc đã quyết định khởi xướng Kế hoạch Xanh, thay đổi cách tiếp cận trong quản lý nông nghiệp, các biện pháp can thiệp thích ứng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông mới (ICT) hay còn gọi là internet vạn vật.
Nền nông nghiệp thông minh tại Maroc tập trung vào 3 nội dung chính là hệ thống quản lý trang trại (FMIS), nông nghiệp chính xác (PA) và công nghệ tự động hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc ứng dụng các thành tựu khoa học kết hợp công nghệ tự động hóa và một hệ thống dữ liệu đồng bộ đã đem đến sự phát triển nhảy vọt cho ngành nông nghiệp nước này. Chỉ sau một thời gian ngắn, nông nghiệp trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Maroc khi đóng góp gần 14% tổng sản phẩm trong nước, thu hút lực lượng lao động lên đến 38% dân số và đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm ổn định cho gần 37 triệu dân.
Đóng góp cho kinh nghiệm phát triển, Chuyên gia dự án của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ ông Kaloyan Kolev cho rằng, mục tiêu chính của nông nghiệp hiện nay là nhằm tăng năng suất, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, đầu tư công bằng. Các công nghệ mới Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) cần phải được áp dụng một cách phù hợp nhằm tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Chuyên gia của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cũng cho rằng, Kỹ thuật số là chìa khóa để đạt được các mục tiêu, hình thành lên một nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.