Có lẽ, chưa bao giờ trường THPT Tạ Quang Bửu đã tạo ra một tiền lệ trong đợi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 – 2019 gây nhiều tranh cãi và bức xúc đến thế. Vào tối 29/6, ngay sau khi sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, trường này thông báo mức điểm chuẩn là 46 điểm. Trường cũng cho biết thêm thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn trên từ 8-11h ngày 30/6. Từ buổi chiều, mức điểm có thể thay đổi.
Đầu giờ chiều 30/6, trường này lại phát đi thông báo mới chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho học sinh đạt điểm thi từ 49 trở lên. Sáng 1/7, điểm chuẩn đã tăng lên thành 50,5 và trường công bố chỉ nhận thêm 10 hồ sơ nữa. Nhiều phụ huynh rất bức xúc khi điểm của con em họ từ đỗ thành trượt sau khi điểm chuẩn vào trường này liên tục thay đổi.
Không chỉ dừng lại đó, nhiều phụ huynh còn bức xúc khi con đủ điểm vào trường công đến rút hồ sơ thì bị hành đủ kiểu. Lệ phí ghi danh vào trường là 2.000.000 đồng không được hoàn trả. Học sinh trúng tuyển vào trường hoàn thiện hồ sơ nhập học theo quy định muộn nhất là ngày 1/7/2018. Lệ phí ghi danh không được chuyển sang để khấu trừ học phí hoặc các khoản thu đầu năm. Học sinh trúng tuyển vào trường nhưng không theo học, nhà trường không hoàn lại lệ phí ghi danh.
Phí ghi danh và việc không hoàn lại các khoản phí đã đóng là một cách để các trường dân lập giữ chân thí sinh. Trường THPT Lương Thế Vinh công bố điểm trúng tuyển và thu hồ sơ của các học sinh từ ngày 26/6, phụ huynh nộp hồ sơ vào đây sẽ phải nộp các khoản gồm: Học phí (2 triệu đồng/tháng), xây dựng trường (2 triệu đồng/năm), đồng phục (1,5 triệu đồng), lệ phí tuyển sinh (300.000 đồng), tiền vở (270.000 đồng), tổng cộng là 6.070.000 đồng. Nếu sau khi biết điểm chuẩn công lập, học sinh rút hồ sơ thì sẽ không được trả lại tiền mà khoản đó sẽ nộp về quỹ khuyến học của trường. Tuy nhiên, cách làm gây bức xức cho người dân đặc biệt ảnh hưởng tới danh tiếng ngành Giáo dục. Với số tiền hơn 6 triệu đồng đối với những gia đình khá giả không vấn đề gì những với những gia đình khó khăn, số tiền đó không phải là nhỏ. Thiết nghĩ, khi rút hồ sơ, số tiền về xây dựng trường, học phí, đồng phục, sách vở học sinh đã được sử dụng đâu. Vậy tại sao, trường lại không hoàn trả số tiền đó cho phụ huynh?
Sau khi nắm được vấn đề này, sở đã ra chỉ đạo hai ngôi trường trên hoàn trả phí ghi danh cho phụ huynh học sinh. Trường THPT Tạ Quang Bửu đã thực hiện đúng với chỉ đạo trên trong khi đó trường THPT Lương Thế Vinh chỉ trả lại phí ghi danh cho những phụ huynh nào rút hồ sơ sau ngày 3/7. Còn những phụ huynh rút hồ sơ trước đó bị mất trắng số tiền hơn 6 triệu đồng.
Đặc biết, lãnh đạo của ngôi trường này còn thể hiện sự bàng quan. Ông Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh nói: “Hiện chúng tôi đã tuyển đủ chỉ tiêu của mình, thậm chí thừa nhiều. Tôi không biết về việc tuyển sinh, thu tiền, trả hồ sơ như thế nào vì mấy ngày qua tôi không có ở trường”.
Ô hay! Ông là Hiệu trưởng của một trường, việc tuyển sinh của trường mình ông phải nắm rõ hơn ai hết. Là hiệu trưởng mà ông không biết việc tuyển sinh, việc trả hồ sơ, thu phí ghi danh như thế nào, hóa ra, người ta có thể nghĩ ông chỉ là bù nhìn!
Ông Hiệu trưởng đã vậy, bà Phó hiệu trưởng Văn Thùy Dương nói rằng: “Việc sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản yêu cầu chúng tôi trả các khoản tiền đã thu làm phụ huynh loạn lên”. Loạn là loạn thế nào, khi đồng tiền đó là mồ hôi, công sức lao động của phụ huynh. Loạn là loạn thế nào, khi phụ huynh muốn con được học tại một ngôi trường mà con mong ước, khi con đỗ mà vì không muốn “loạn” người ta phải để con mang tiếng là trượt sao?
Hãy là một người làm giáo dục nghĩ đến tương lai của giáo dục.
Phong Linh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.