Gửi bà con ở vùng nông sản… rớt giá,
Mỗi lần nghe tin bà con chán nản tới mức không muốn ra đồng thu hoạch cây mình trồng, tôi như thấy lại hình ảnh của chính mình vài năm trước: Cũng từng lao đao vì thương lái nói không với lượng nông sản "dư thừa".
Năm ấy, tuy vừa chân ướt chân ráo bước vào nghề làm nông nhưng tôi luôn tin tưởng rằng mình sẽ trở thành người trẻ Việt đầu tiên trở thành tỷ phú nhờ nông nghiệp. Sau bài diễn thuyết hùng hồn trước mặt nhị vị phụ huynh về quy luật cung cầu, về tư tưởng "Nghĩ lớn - Làm lớn – Thành công lớn", tôi đã nhận được đủ số vốn cần thiết để đầu tư cho chuối tiêu hồng - mặt hàng nông sản được thương lái tranh nhau thu mua với mức giá rất cao vào thời điểm đó. Hằng đêm, cứ nghĩ đến những đoàn xe tải chở chuối nườm nượp nối đuôi nhau trên con đường làng quen, tôi lại cười không khép nổi miệng.
Đáng tiếc là cuối cùng, tôi nhận ra mình đã tính sai lượng cung và quá ảo tưởng về lượng cầu. Bước vào vụ thu hoạch nhưng cả thương lái trong và ngoài nước đều trả giá rất thấp hoặc thậm chí, không thèm ngó ngàng đến. Bởi không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả các hộ dân trong làng đều nô nức đua nhau chặt bỏ cây trồng khác để mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng. Chính quyền xã đã nhiều lần khuyến cáo dân làng không nên trồng chuối ồ ạt, dẫn tới phá vỡ quy hoạch của xã nhưng chẳng ai chịu nghe...
Hồi đó, vì không có các hiệp sĩ nông sản hiện lên rồi hỏi: "Vì sao cậu khóc?", nên số phận của chuối làng tôi khi ấy không may mắn như chuối Đồng Nai hay dưa hấu Quảng Ngãi bây giờ. Có thể nói, đây là thất bại và cũng là bài học vô cùng đau đớn đối với một cậu sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Nông nghiệp như tôi.
Tuy vậy, tôi không trách cứ hay chửi rủa thương lái như những người khác. Không ai có thể bắt ép một đứa trẻ phải nạp đủ năng lượng theo nhu cầu của một người trưởng thành. Do đó, tôi trách bản thân mình không nhìn rõ đối tượng cần được cho ăn là trẻ con hay người lớn; trách mình nghĩ ngắn, vì cái lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả sau này.
Bà con thân mến,
Giờ đây, khi đã thực sự làm giàu từ nông nghiệp, tôi vẫn thường xuyên chia sẻ câu chuyện này với những người đàn em của mình, đặc biệt là những người luôn coi nghề nông là nghề thụ động, phải trông chờ "mưa nắng phải thì". Hơn ai hết, tôi hiểu được sự cơ cực của bà con, tôi cũng chưa quên câu ca dao:
“Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.”
Nhưng tôi muốn gửi đến bà con một lời khuyên thành thật: Hãy chủ động hơn, hãy biết liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Còn nếu không chịu bỏ suy nghĩ “làm tất ăn cả” thì bà con hãy chuẩn bị tinh thần... lao đao khi cây mình trồng rớt giá thảm hại vào năm sau và những năm sau nữa!
Thân ái!
Một người làm nông