Nóng: Syria điều trực thăng tới gần Idlib, Mỹ lo lắng tìm cách đối phó

Nóng: Syria điều trực thăng tới gần Idlib, Mỹ lo lắng tìm cách đối phó

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 5, 30/08/2018 16:20

Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã di chuyển các máy bay trực thăng có vũ trang tới gần hơn “thành trì” của các nhóm phiến quân nổi dậy tại Idlib trong vài tuần qua, theo hai quan chức quốc phòng Mỹ.

Căng như dây đàn

Theo CNN, hành động này khiến Washington lo ngại rằng có thể dẫn tới một cuộc tấn công bằng “vũ khí hóa học clo”.

Việc chính quyền Syria tích tụ quân sự quanh Idlib được Mỹ coi là dấu hiệu của một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào vùng đất này chỉ trong vài ngày tới, một số quan chức Mỹ nói với CNN.

Quân sự - Nóng: Syria điều trực thăng tới gần Idlib, Mỹ lo lắng tìm cách đối phó

(Ảnh minh họa).

Các quan chức cũng nhấn mạnh rằng họ lo lắng cuộc tấn công vào thành phố bằng vũ khí thông thường có thể khiến hàng ngàn người thiệt mạng và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo dọc biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ.

Họ tin rằng vũ khí hóa học có thể được sử dụng nếu các phiến quân có thể làm chậm tiến độ của quân Chính phủ.

“Khả năng tấn công hóa học” mà Mỹ suy luận đã khiến nước này lập tức kết nối ngoại giao với Nga.

“Tôi đảm bảo rằng bộ Ngoại giao Mỹ đang tích cực liên lạc với Nga để tranh thủ họ ngăn chặn khả năng này”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với các phóng viên hôm 28/8.

Bộ Ngoại giao nước này cũng chia sẻ với Chính phủ Nga những lo ngại về “bất kỳ hình thức leo thang nào” liên quan tới bạo lực tại Idlib, theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.

“Chúng tôi đã chia sẻ những mối quan tâm với Chính phủ Nga ở nhiều cấp độ”, bà Nauert nói hôm 29/8.

Theo CNN, Mỹ có cảm giác rằng Nga đang tìm cách gieo rắc nghi ngờ nếu một cuộc tấn công hóa học xảy ra.

Trên thực tế, về phần mình hôm 29/8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói rằng ông quan ngại về “những giai đoạn khiêu khích” do các nhóm phiến quân nổi dậy thực hiện nhằm đổ lỗi cho Chính phủ Syria. Ông cũng gọi các nhóm phiến quân đối lập ở Idlib là “khủng bố” và cho hay một cuộc tấn công toàn diện tại đây có khả năng sắp diễn ra.

Ở cấp độ quân sự trực tiếp hơn, Nga tuyên bố Mỹ đã gia tăng hiện diện quân sự, cụ thể là hải quân, ở Địa Trung Hải, nhằm chuẩn bị tấn công chính quyền Assad.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon cho hay: “Những gì tôi có thể nói với các anh là thông tin của Nga về việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải không gì khác hơn ngoài chiến dịch tuyên truyền. Nó không chính xác. Tuy  nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không chuẩn bị để phản ứng trong trường hợp Tổng thống trực tiếp cho lệnh hành động”.

Ngược lại, các quan chức Mỹ cũng nói, Nga đã gia tăng đáng kể sự hiện diện ở Đông Địa Trung Hải ngoài khơi Syria. Khối quân sự NATO cũng đang theo dõi diễn biến này.

“Hải quân Nga đã điều đáng kể lực lượng hải quân tới Địa Trung Hải, gồm một số tàu trang bị tên lửa hành trình hiện đại”, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho hay. “Chúng tôi sẽ không suy đoán về ý định của hạm đội Nga, nhưng điều quan trọng là tất cả các bên trong khu vực cần phải kiềm chế và tránh làm xấu đi tình trạng nhân đạo vốn đã rất tệ hại ở Syria”.

Và "đòn răn đe" của Nga

Trước đó, Nga đã triển khai nhóm tàu hải quân lớn nhất tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải kể từ khi bước vào cuộc xung đột Syria.

Quân sự - Nóng: Syria điều trực thăng tới gần Idlib, Mỹ lo lắng tìm cách đối phó (Hình 2).

Tàu chiến Nga.

Ít nhất 10 tàu chiến và 2 tàu ngầm của Nga đã được triển khai tới Địa Trung Hải, áp sát Syria, được truyền thông trong nước Nga mô tả là nhóm tàu hải quân lớn nhất được điều động kể từ khi Moscow đồng ý hỗ trợ Syria vào năm 2015.

Các nhà quan sát cho hay “13 tàu Nga đã đi từ Biển Đen tới Địa Trung Hải trong 10 ngày qua, hầu hết trong số đó được trang bị tên lửa hành trình Kalibr”, tờ The Times tiết lộ.

Ngoài ra, Moscow cũng được cho là đã huy động hai hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tại Syria.

Các lá chắn phòng không này đã được đặt ở mức độ cảnh giác cao trước khả năng tấn công từ Mỹ mà bộ Quốc phòng Nga dự đoán là Washington sẽ dùng cái cớ “là một cuộc tấn công vũ khí hóa học” được dàn dựng bởi phương Tây, sau đó đẩy cáo buộc cho Damascus.

Hiện tại, việc tập trung quá đông số lượng tàu chiến và phương tiện chiến tranh của Nga, Mỹ và các quốc gia đồng minh ở khu vực Trung Đông khiến giới quan sát tỏ ra quan ngại sâu sắc, đồng thời mong muốn hai bên hết sức kiềm chế để sự việc không vượt quá tầm kiểm soát.

Xem thêm: Hé lộ lý do Nga triển khai nhóm tàu hải quân lớn nhất tới Syria

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.