Nóng tranh luận 'người tố nhân bản xét nghiệm bị khởi tố'

Nóng tranh luận 'người tố nhân bản xét nghiệm bị khởi tố'

Thứ 5, 22/08/2013 07:36

Xét về mặt pháp lý, chị Oanh “Hoài Đức” bị khởi tố vì có chữ ký trong 18 bản xét nghiệm khống là không sai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chị Oanh là người đứng lên tố cáo mà vẫn bị truy tội thì sau này còn ai dám tố cáo.

Người tố cáo mà cũng bị khởi tố, còn ai dám tố cáo?

Liên quan đến vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội, sáng 20/8, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố ông Nguyễn Trí Liêm (giám đốc), bà Nguyễn Thị Nhiên (phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 8 cán bộ dưới quyền của hai người này bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có "động cơ lập khống xét nghiệm để đưa vào hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm y tế của bệnh viện". Trong đó có cả kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh – người cung cấp nhiều thông tin cho báo chí những ngày đầu khi vụ nhân bản kết quả xét nghiệm được đưa ra ánh sáng. 

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Nguyệt cho biết, bà Oanh là người dũng cảm, dám nói lên sự thật, giúp bà thu thập tài liệu tố cáo việc làm sai trái của ban giám đốc.

“Lúc đầu mọi việc có phơi ra đâu, phòng lúc nào cũng đóng cửa kín, chỉ có Oanh ở cùng tầng mới biết được nội tình thế nào nên mới bức xúc. Sau này khi thấy ban lãnh đạo cùng một số cấp dưới có biểu hiện làm bậy hang loạt, Oanh mới thu thập bằng chứng và là người đầu tiên viết đơn tố cáo. Khi biết vụ việc sắp vỡ lở, ông Lâm (giám đốc bệnh viện Hoài Đức – PV) cho người đến gia đình Oanh gây áp lực. Chồng Oanh đã đánh Oanh tím người để ép Oanh rút đơn tố cáo”, bà Nguyệt kể. 

Pháp luật - Nóng tranh luận 'người tố nhân bản xét nghiệm bị khởi tố'Bà Phan Thị Oanh.

Bà Nguyệt cũng cho biết, bà và một số người trong bệnh viện đang làm đơn xin miễn, giảm tội cho kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh.

Thông tin này cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều. Nhiều độc giả bày tỏ sự bức xúc và cho rằng “người tố cáo mà cũng bị khởi tố thì lần sau chả ai dám tố cao nữa”.

“Nếu chị Oanh không ở trong chăn thì làm sao biết chăn có rận. Điều quan trọng là chị ấy đã nhận ra cái xấu, theo dõi và tố cáo những người trong cuộc. Việc chị ấy có chữ ký trong 18 bản xét nghiệm cũng là điều bình thường bởi chị ấy là cấp dưới, khi có chỉ đạo của cấp trên mà lại là cấp to nhất thì sao có thể “bật” khi mọi việc vẫn đang trong bóng tối”, độc giả Nguyễn Huy Hùng bức xúc. 

Cùng quan điểm, độc giả Đỗ Minh Tuân viết: “Chị Oanh âm thầm thu thập bằng chứng và nói với mốt số đồng nghiệp khác là quá dũng cảm rồi. Trong trường hợp, những người chị tiết lộ thong tin cũng đứng về phía lãnh đạo thì không biết số phận của chị sẽ thế nào? Nếu để kẻ có tội cũng ngang người có công thì sẽ chẳng còn có ai dám đưa các vụ việc tiêu cực tương tự ra công luận nữa”. 

Tình ngay lý gian?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Chu Khang, văn phòng luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, người có hành vi vi phạm pháp luật có đơn tố cáo sẽ được xem xét miến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một luật sư khác cũng cho rằng, nếu bà Oanh ký 18 phiếu xét nghiệm khống mà do người khác ép buộc hoặc xúi giục thì sẽ xem xét giảm nhẹ tình tiết cấu thành tội phạm đối với trường hợp này. Hoặc trong trường hợp ký 18 phiếu xét nghiệm khống mà bà Oanh không vì mục đích phân chia tiền thì cũng có thể xem đó là một tình tiết giảm nhẹ hoặc miễn tội danh.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Trung Tập, giảng viên ĐH Luật Hà Nội, xét về pháp lý, cơ quan công an khởi tố bà Oanh vì có chữ ký trong 18 bản xét nghiệm khống là đúng luật. 

“Một người thi hành công vụ, nghề nghiệp phải đủ chứng cứ. Mọi lời nói bằng miệng không thể chứng minh được. Trong trường hợp của chị Oanh, chữ ký ở 1 bản xét nghiệm khống có thể đúng là do cấp trên can thiệp, chỉ đạo nhưng chị có bằng chứng bằng văn bản không? Nếu chỉ bằng lời nói mà những người lien quan phủ nhận thì không có giá trị trước pháp luật và khi đó chị cũng bị quy là đồng phạm với những người làm sai”, ông Tập nói. 

Cũng theo ông Tập, trong trường hợp của bà Oanh, nếu không có giấy tờ chứng minh việc ký tên trong 18 phiếu xét nghiệm khống hoàn toàn do cấp trên chỉ đạo thì không thể thoát tội. Việc chị từng viết đơn tố cáo hoặc có đơn xin giảm tội của đồng nghiệp chỉ là những tình tiết để giảm nhẹ tội trước tòa án. 

“Chỉ bảo lãnh được khi liên quan đến tài sản còn liên quan đến tinh thần, chuyên môn thì không thể được. Việc chị Oanh từng là người viết đơn tố cáo việc làm vi phạm pháp luật, đạo đức của ban lãnh đạo và việc chị ký trong các bản xét nghiệm do bị xúi dục, ra lệnh chỉ là tình tiết giảm nhẹ, không mắc tội giấu diếm, bao che tội phạm thôi”, ông Tập phân tích. 

H.Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.