Hơn 100 triệu cử tri Nhật Bản sẽ tham gia cuộc bầu cử vào ngày hôm nay (22/10), mà giới quan sát đánh giá, Thủ tướng Shinzo Abe đang có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất ở Nhật Bản.
Sau một thời gian ngắn đảm nhiệm vai trò Thủ tướng vào năm 2006, ông Abe trở lại nắm quyền từ tháng 12/2012 cho đến nay.
Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ kéo dài đến năm 2021.
Thủ tướng Abe giải thể Hạ viện và kêu gọi cuộc bầu cử sớm vào tháng trước với mục tiêu làm mới lại các nhiệm vụ ứng phó trước "các vấn đề mang tầm quốc gia", đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân với CHDCND Triều Tiên.
Vì sao Nhật Bản bầu cử sớm?
Nhiều cử tri, cũng như phe đối lập, đã đặt câu hỏi về việc thời gian bầu cử Hạ viện Nhật Bản diễn ra gấp rút ngay trong lúc Chính phủ của ông Abe đang đối mặt với khá nhiều bê bối.
Các đảng đối lập đã chỉ trích ông Abe muốn bầu cử sớm như một cách giảm sự tập trung vào những tranh cãi trong nội các của ông, trong đó có những cáo buộc về tham nhũng và bổ nhiệm người không đúng năng lực.
Các nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Nhật Bản đang muốn tận dụng lợi thế bản thân đang được đánh giá cao trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên để đi một nước cờ khiến “phe đối lập không kịp trở tay”, theo Al Jazeera.
"Đó là động thái khá lạ khi đảng của ông Abe đang chiếm đa số trong cả hai viện của Quốc hội. Tuy nhiên, vì uy tín nội các đang giảm khá mạnh từ hồi đầu hè, ông ấy nghĩ rằng nên nắm bắt cơ hội giữa lúc khủng hoảng Triều Tiên đang gia tăng", nhà khoa học chính trị Koichi Nakano từ đại học Sophia ở Tokyo nêu quan điểm.
"Khi mức độ ủng hộ đối với mình bắt đầu nhích dần lên, ông ấy muốn tấn công phe đối lập khi họ không chuẩn bị", chuyên gia này nói thêm.
Bên cạnh đó, có ý kiến khác lại cho rằng, Chính phủ của ông Abe tìm kiếm một cuộc bầu cử sớm như một giải pháp đầy tính toán khi lo ngại mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên có thể chuyển biến nghiêm trọng.
"Thủ tướng đã phải kêu gọi một cuộc bầu cử gấp rút, vì nếu chờ lâu hơn, vấn đề Triều Tiên có thể sẽ nóng hơn nữa", Tomohito Shinoda, chuyên gia chính trị thuộc đại học Quốc tế Nhật Bản ở Minamiuonuma cho hay.
Ông nói rằng đây là giải pháp tốt cho Nhật Bản hiện tại.
Đối thủ của ông Abe
Cuộc bầu cử là cuộc đối đầu giữa đảng Tự do Dân chủ cầm quyền (LDP) của ông Abe và đối tác liên minh Komeito chống lại đảng đối lập do Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike đứng đầu.
Nữ Thị trưởng Tokyo đã thành lập đảng Hy vọng (PH) vào tháng trước trong một nỗ lực giành lại ủng hộ của cử tri từ tay liên minh cầm quyền của ông Abe.
Ngoài ra còn có đảng Hiến pháp Dân chủ Nhật Bản (CDPJ) mới được thành lập trong tháng này bởi cựu Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano cùng một số thành viên rời đi từ đảng LDP.
Các vấn đề cử tri quan tâm
Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên chỉ là mối quan tâm thứ yếu trong suy nghĩ của cử tri Nhật Bản. Hiện tại, những người bỏ phiếu đang quan tâm đến những vấn đề cấp bách hơn mà quốc gia đang phải đối mặt.
Theo các cuộc thăm dò gần nhất, trì trệ kinh tế và an sinh xã hội là những lo ngại hàng đầu của cử tri Nhật Bản.
Nền kinh tế hùng mạnh Nhật Bản đã không phát triển trong những năm trở lại đây, trong khi các đời chính quyền thất bại trong việc giải quyết tình trạng giảm phát dai dẳng.
Cường quốc kinh tế châu Á này là một trong những quốc gia có nợ công lớn nhất trên thế giới khi vượt quá 250% GDP.
Thương hiệu "Abeconomics" theo cam kết phục hồi kinh tế của chính quyền Thủ tướng Abe cũng bị chỉ trích trong những năm qua.
"Tôi nghĩ mọi người quan tâm nhiều hơn về nền kinh tế, đời sống của họ thay vì vấn đề an ninh vốn rất chung chung", chuyên gia Nakano nói.
Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng giảm dân số khi bị thu hẹp chỉ còn lại 127 triệu người. Trong đó các chuyên gia dự kiến con số trên sẽ giảm mạnh xuống còn 88 triệu vào năm 2065.
Ngoài ra, các cuộc tranh luận về việc có nên thay đổi “Hiến pháp hòa bình” cũng trở thành chủ đề chính trong cuộc bầu cử năm nay.
Liên minh cầm quyền và đảng Hy vọng đang tìm kiếm cơ hội sửa lại Điều 9 trong Hiến pháp Nhật, để nước này có thể tự do phát triển lực lượng quân sự chính thức.
Ngược lại, đảng CDPJ lại bày tỏ sự phản đối trong việc sửa đổi Hiến pháp.
Ai sẽ thắng?
Các cuộc thăm dò trước bầu cử ở Nhật Bản đều dự báo một chiến thắng vang dội cho liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe, mà điều này cũng đồng nghĩa với việc liên minh của ông chiếm đa số ghế cần thiết để đề xuất sửa đổi Hiến pháp.
Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền và đối tác Komeito được dự đoán sẽ giành hơn 300 trong tổng số 465 ghế ở Hạ viện trong một cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, kết quả này chưa phải là tin vui đối với chính quyền Thủ tướng Abe khi có rất nhiều cử tri trong cuộc thăm dò nói rằng họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Bầu cử diễn ra như thế nào?
Bầu cử Hạ viện Nhật Bản diễn ra bốn năm một lần và có thể được tiến hành sớm hơn nếu Hạ viện bị giải thể.
Trong luật bầu cử sửa đổi có hiệu lực từ tháng Bảy, số ghế Hạ viện nước này giảm từ 475 xuống còn 465.
Cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu và từ 18 tuổi trở lên sẽ bỏ phiếu song song - một cho ứng cử viên cá nhân và một cho đại diện các khối bầu cử.
Trong số 465 ghế, 289 đại biểu được bầu theo hệ thống bầu cử đa số, 176 ghế còn lại dành cho đại diện trong khối bầu cử.
Đảng nào giành được tối thiểu 233 ghế (quá bán) là đủ điều kiện thành lập Chính phủ mới.