“Quái thú” Mangkhut càn quét biển Đông, đe dọa Việt Nam
Siêu bão Mangkhut với gió giật mạnh 260 km/h hoành hành 20 tiếng trên đảo Luzon đã phá hủy nghiêm trọng tỉnh Cagayan, miền Bắc Philippines.
Như dự báo trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía nam bão số 6, trong ngày mai (17/9), phía Bắc Quảng Ninh gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang có gió giật cấp 6-7. Các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6.
Về phương án đối phó siêu bão Mangkhut, vào ngày 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cần phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, đặc biệt là vai trò của lực lượng vũ trang để xây dựng ngay phương án ứng phó hiệu quả nhất, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, lưu ý từ ngày 17-18/9, thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2 đến 5 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Thao và thượng lưu sông Lô ở mức báo động 2-3; sông Kỳ Cùng và sông Bằng Giang ở mức báo động 1-2; thượng lưu sông Thái Bình ở mức báo động 1.
Các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là 9 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc 4 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang cần đề phòng ngập úng.
Xe bồn chạy 109km/h mất lái khiến 13 người thiệt mạng tại Lai Châu
Vào khoảng 9h30 ngày 15/9, tại Km 57+561 trên tuyến QL4D qua thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, giữ xe bồn BKS 24C – 063.76 và ô tô khách 16 chỗ BKS 25B - 000.88.
Thông tin điều tra ban đầu, do xe bồn chạy quá tốc độ quy định (thiết bị giám sát hành trình của tổng cục Đường bộ thông báo tốc độ xe bồn lúc 9h10 là 109km/h) đã đâm vào xe khách di chuyển phía trước, khiến hai xe lao xuống suối sâu có nhiều đá tảng.
Hậu quả làm 13 người chết và 3 người bị thương nặng đang cấp cứu tại bệnh viện.
Nhận được tin, Phó Thủ tướng đã phân công Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo đơn vị chức năng bộ Giao thông vận tải trực tiếp xuống hiện trường phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn; thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này.
Trường tiểu học áp lực vì quá tải học sinh
Năm học 2018 – 2019 mới bắt đầu, vấn đề tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội khiến phụ huynh, nhà trường lo lắng.
Toàn thành phố có gần 680.000 học sinh theo học tại 745 trường tiểu học, tăng hơn 38.000 học sinh so với năm học 2016-2017. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 học sinh, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 học sinh/lớp. Trong khi đó, Điều lệ trường tiểu học do bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mỗi lớp có không quá 35 học sinh khiến nhiều trường học áp lực về sĩ số.
Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), có lớp sĩ số lên tới 68 học sinh. Trường Tiểu học Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), sĩ số 60 học sinh. Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), sĩ số 69 học sinh. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là 64-66 học sinh.
Một số trường tiểu học tại khu vực quận Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân năm nay sĩ số các lớp 1 cũng đều tăng so với mọi năm. Một số trường có sĩ số 64-65 học sinh. Hiện “điểm nóng” là trường tiểu học Chu Văn An đang có sĩ số 55 học sinh/lớp/ 26 bàn. Như vậy, 3 học sinh phải ngồi 1 bàn mới đủ chỗ.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc quá tải tại Hà Nội là nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng giáo dục. “Bây giờ việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Họ đã để phá vỡ quy hoạch đô thị, dân số cơ học tăng quá nhanh mà không đi kèm theo trường lớp mới dẫn đến vi phạm quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định đó là quy định của pháp luật, việc Hà Nội không thực hiện đúng là vi phạm pháp luật”, giáo sư nhấn mạnh.
Phụ huynh trường tiểu học đông nhất Thủ đô than trời vì lịch học
Theo như báo Người Đưa Tin đã đưa trước đó, vừa qua, phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa ra quyết định cho học sinh lớp 1 và 2 của trường tiểu học Chu Văn An học theo mô hình một 1 buổi/ngày. Điều này gây ra không ít khó khăn cho phụ huynh cũng như dấu hỏi về chất lượng dạy học.
Trường tiểu học Chu Văn An trong năm học 2018-2019 được biết đến là trường có số lượng học sinh lớp 1 đông nhất Hà Nội. Bước vào năm học mới, trường đã phải sử dụng phương án học luân phiên vì không đủ lớp.
Cụ thể, với mô hình học mới này, học sinh trưởng tiểu học Chu Văn An sẽ học 1 buổi/ngày. Đối với khối 1 và khối 2, các em sẽ chỉ phải học vào các buổi sáng, học sinh khối 3, 4, 5 sẽ học vào các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6 bắt đầu từ ngày 17/9.
Bởi vậy mới xảy ra tình trạng ngày học phải nghỉ, ngày nghỉ phải học vì trường quá tải khiến các vị phụ huynh lao đao vì không kịp phân bổ thời gian đưa đón, trông nom con cái.
Theo lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội, tại các khu vực nội thành, khu chung cư, đô thị ở Hà Nội, số lượng người dân đến sinh sống rất đông, số lượng trường học không đáp ứng kịp dẫn đến sĩ số ở các trường tiểu học rất cao. Vì sĩ số lớp học quá đông nên nhiều trường tiểu học không còn phòng cho học sinh học và buộc phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên.
Đối với các trường tiểu học phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên, sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD&ĐT các quận, huyện và nhà trường bố trí việc giảng dạy, học tập luân phiên một cách khoa học, hợp lý giữa các khối lớp. Ngoài ra, việc nhà trường sắp xếp học luân phiên phải đảm bảo chất lượng giảng dạy và an toàn cho học sinh.
Ngoài ra, sở GD&ĐT Hà Nội cũng tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện nhanh chóng tìm quỹ đất, xây dựng thêm trường lớp mới cũng như có những giải pháp hữu hiệu để nhanh chóng chấm dứt tình trạng học tập, nghỉ học luân phiên ở các trường.
Ủng hộ chủ trương văn minh không ăn thịt chó mèo ở Thủ đô
Ngành thú y đang xây dựng lộ trình để hạn chế thói quen ăn thịt chó ở Thủ đô, trong đó có việc cấm kinh doanh tại khu vực trung tâm.
Được biết ngày 10/9, UBND TP. Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Việc làm này của chính quyền Thủ đô đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân. Đa phần đều ủng hộ việc làm này, tuy nhiên bên cạnh đó cũng không ít ý kiến cho rằng, đề xuất này là không hợp lý.
Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội; làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng chi cục Thú y Hà Nội cho biết Hà Nội hiện có khoảng 493.000 con chó và mèo. Mục đích nuôi chó để giữ nhà chiếm khoảng 87,5%, còn lại là nuôi với mục đích khác như: làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm.
"Chúng tôi dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng 2021 sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội", ông Sơn chia sẻ.
Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu văn hóa truyền thống cho rằng, việc ăn thịt chó của người dân là việc làm phản cảm, có nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh tật. Việc Hà Nội mong muốn người dân hạn chế ăn thịt chó là việc làm đúng đắn.
Người dân Thủ đô cần phải là những người đi tiên phong trong việc này.
M.A (tổng hợp)