Thông tin được đăng tải trên báo điện tử VnExpress hôm nay (2/7). Theo đó, tại cuộc họp về "Giải pháp sử dụng vắcxin, chế phẩm sinh học trong phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 2/7, GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu mạnh về vắcxin của Học viện đã phân lập được tế bào PAM để sản xuất vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi, đang nghiên cứu nhân chủng virus lên số lượng lớn.
GS Lan cho biết, cách đây 4 tháng, Học viện bắt đầu nghiên cứu 4 loại vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi gồm (vắcxin vô hoạt (đã thử nghiệm trong phòng thí nghiệm), nhược độc truyền thống (đã làm các kỹ thuật tạo chủng virus, đang cấy chuyển thử nghiệm sinh học phân tử), vắcxin nhược độc tự nhiên (đang sàng lọc chọn chủng tự nhiên), vắcxin dùng công nghệ xóa gene (đang triển khai các nghiên cứu).
Với vắcxin vô hoạt, nhóm nghiên cứu thành công, phân lập, lựa chọn được một số chủng virus, lựa chọn môi trường sản xuất vắcxin và xác định được chủng virus cường độc để đánh giá chất lượng vắcxin. "Bước đầu đạt kết quả tốt quy mô phòng thí nghiệm trong diện hẹp", GS Lan nói.
Nhóm nghiên cứu thực hiện thí nghiệm trong khu nuôi động vật Học viện Nông nghiệp Việt Nam và cơ sở chăn nuôi ngoài thực địa của ông Trịnh Vũ Trình (Hưng Yên). Tiêm thí nghiệm đối với 14 heo nái từ ngày 18/4 và lặp lại mũi 2 vào ngày 12/5. Sau 8 tuần, 13 lợn nái sức khỏe vẫn bình thường, ăn uống tốt và đẻ con, có một con bị chết do dịch tả sau khi tiêm mũi 1.
Từ kết quả thí nghiệm, bà Lan khẳng định vắcxin an toàn và bảo hộ cao đối với lợn được tiêm phòng.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vắcxin dịch tả lợn châu Phi; tổ chức giúp Học viện đánh giá chất lượng vắcxin sản xuất ra để sớm đưa vào phục vụ sản xuất", GS Lan kiến nghị.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sớm xây dựng quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắcxin trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam. Bộ trưởng cũng chỉ đạo không chủ quan với các kết quả đạt được, cần tiếp cận theo các hướng sáng tạo nhất để đẩy nhanh các bước, sớm thương mại hóa vắcxin ra thị trường.
Vtv.vn thông tin thêm, hiện, các đơn vị nghiên cứu vẫn đang tiếp tục triển khai kiểm nghiệm trên diện rộng để có thể đánh giá được chính xác nhất về hiệu quả miễn dịch của vaccine. Ngoài ra, trong cuộc họp, đã có hai cơ sở chăn nuôi báo cáo về những thành công đạt được trong việc bảo vệ đàn lợn khỏi dịch tả châu Phi bằng các chế phẩm sinh học.
Ở một khía cạnh khác, báo điện tử The Leader có bài: "Dịch tả lợn châu Phi có thể khiến Việt Nam thua trên sân nhà trong EVFTA và CPTPP".
Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, sau khi tham gia EVFTA và CPTPP, thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu rộng vào thị trường nội địa. Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà nếu không tích cực vào cuộc phòng, chống và sớm khống chế dịch tả lợn.
Cụ thể, tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam tham gia 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA và CPTPP sẽ khiến thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà nếu không tích cực vào cuộc phòng, chống và sớm khống chế dịch tả lợn.
Liên quan đến hướng sản xuất vắc xin, Bộ trưởng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam đẩy nhanh nhất tiến độ thực hiện. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thành công trong quy mô phòng thí nghiệm chỉ là bước đầu, ra được vắc xin thương mại lại là vấn đề khác. Do đó, các đơn vị không được chủ quan”.
Bộ trưởng khuyến nghị, phương thức tiếp cận sản xuất vắc xin cần theo hướng sáng tạo nhất, không đi theo lối mòn. Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, chăn nuôi nói riêng định hướng đi theo phát triển nông sản đặc sản. Do đó, việc bảo tồn các nguồn lợi gien lợn khoẻ mạnh trong dịch bệnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Đối với giải pháp về sử dụng chế phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị tổng hợp các quy trình, đặc biệt là nhóm công nghệ Nhật Bản vì so với thế giới, Nhật Bản luôn đi đầu trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần rà soát hoàn thiện quy trình an toàn sinh học, tiến tới có hướng dẫn và phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi cả nước.
Trong suốt 100 năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu sản xuất được 7 dòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi (đã đánh giá tính hiệu lực) từ các chủng giống virus nhược độc.
Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vắc xin này gặp nhiều khó khăn, do chi phí sản xuất rất cao, vì vậy việc phòng bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn với dịch tả lợn châu Phi không được thực hiện. Mỗi khi mầm bệnh lây lan, biện pháp được áp dụng là tiêu hủy đàn lợn.
H.Y (tổng hợp)