Cách đây hơn một năm, tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An xảy ra trường hợp những gia đình sinh có thứ 3 đến tuổi đi học không được nhận vào trường mầm non bởi cha mẹ chúng… vi phạm chính sách dân số.
Trong khi Nhà nước luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường thì ở đây, “phép vua thua lệ làng” khi chính quyền địa phương đặt ra quy định để hạn chế quyền được học tập của các em.
Những tưởng sự việc oái oăm đó sẽ chấm dứt nhưng sau một năm, “lịch sử” không những lặp lại mà mức độ còn “khủng” hơn khi đến cả quyền khai sinh của đứa trẻ cũng bị ngăn cản.
Để được làm giấy khai sinh cho con thứ 3, nhiều hộ gia đình ở TP.Vinh đã phải nộp một khoản phí “tự nguyện” 2 triệu đồng vào quỹ dân số của địa phương. Vấn đề này khiến không ít người dân hoang mang và bức xúc.
Vấn đề ở đây là cần phân biệt rõ giữa việc “ khuyến khích” và “cấm” hay 2 khái niệm “tự nguyện” và “bắt buộc”. Ai cũng biết theo chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, Nhà nước khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là cấm các gia đình sinh con thứ 3.
Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ 31/12/2013) thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP cũng không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ ba” nữa. Vậy mà ở tỉnh Nghệ An, việc sinh con thứ 3 như một hành vi vi phạm pháp luật và phải nộp phạt.
Bằng chứng là khoản phí “tự nguyện” 2 triệu đồng mà người dân phải nộp và việc ký vào bản cam kết với nội dung: “Tự nguyện đóng một khoản phí ít nhất 2 triệu đồng cho ban dân số kế hoạch hoá, để góp phần đầu tư cho lĩnh vực này của địa phương". Nếu không, con của họ sẽ không được đăng ký khai sinh.
Biên lai thu tiền xuất hiện trong tình huống này là “đúng quy trình” theo Nghị quyết số 170 của HĐND tỉnh Nghệ An ban hành tháng 7/2015. Một cán bộ kế hoạch hóa gia đình tại phường Vinh Tân giải thích với phóng viên là do thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết chứ không phải phạt, họ chỉ thực hiện chỉ đạo từ trên xuống.
Hơn nữa, theo bà, đây không phải khoản phí bắt ép người dân phải nộp, nghĩa là không phải gây khó dễ mà nhằm mục đích tuyên truyền , vận động mọi người dân hiểu được chính sách dân số của địa phương. Trong khi đó, có nhiều trường hợp cương quyết không nộp khoản tiền “tự nguyện” đó nên buộc phường phải cấp giấy khai sinh cho các trường hợp này.
Nó làm tôi liên tưởng đến thực trạng trong công tác quản lý xảy ra ở nhiều lĩnh vực hiện nay: “Không quản được thì cấm”. Mà rõ ràng trong việc này, “cấm” cũng không xong.
Việc trẻ em không được đến trường đã là một điều đáng buồn, ngay đến cả quyền được khai sinh cũng phải nộp tiền phạt nữa thì dư luận phản ứng gay gắt cũng không phải điều quá khó hiểu.
Hãy để “tự nguyện” mang đúng nghĩa nguyên bản của nó, đừng làm méo mó khái niệm và quan trọng hơn cả là tác động trực tiếp đến quyền lợi của đứa trẻ chỉ vì những điều vi hiến.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả