Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 2.950 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp vào mức lợi nhuận trên là doanh thu thuần và doanh thu hoạt động tài chính cùng tăng gấp đôi cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 2.010 tỷ đồng và 3.897 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu chủ yếu của Novaland đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản và lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư.
Bên cạnh đó, khoản doanh thu tài chính bán niên mà đơn vị kiểm toán đã điều chỉnh giảm trong báo cáo soát xét hơn 3.045 tỷ đã được Novaland thực thu trong quý này nên được ghi nhận vào báo cáo kỳ này.
Trước đó vào hồi đầu quý III/2024, chia sẻ với cổ đông, phía Novaland cho biết tính đến 30/06/2024, tổng dư nợ phải trả cho các bên cho vay của Novaland giảm 8.122 tỷ đồng, tương đương 13%, so với 31/12/2022; trong đó dư nợ trái phiếu bán lẻ giảm gần 3.600 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng dư nợ giảm được.
Ngoài ra, gần 20.500 tỷ tổng dư nợ từ vay nợ nước ngoài, trái phiếu phát hành riêng lẻ của Novaland cũng đã đạt đồng thuận gia hạn và có phương án xử lý.
Do đó trong quý này, công ty tiết giảm được triệt để chi phí tài chính do chi phí lãi vay hơn một nửa xuống chỉ còn chưa tới 83 tỷ đồng, kéo theo tổng chi phí tài chính giảm đi 4 lần xuống 319 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể so với các khoản thu về cũng góp phần đưa lợi nhuận của công ty lên cao.
Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Novaland đạt hơn 3.666 tỷ đồng, sau khi trừ đi thuế vẫn đem về cho doanh nghiệp 3.577 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2024.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.294 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 4.376 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng ở kỳ báo cáo bán niên.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Novaland ghi nhận 232.029 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Lượng tiền mặt của doanh nghiệp giảm mạnh từ hơn 18 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 443 triệu đồng tại cuối quý III/2024. Ngược lại, lượng tiền gửi ngân hàng lại tăng lên hơn 3.848 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chiếm phần lớn khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Novaland là tiền sử dụng đất với hơn 5.103 tỷ đồng, trong khi đầu năm khoản này chưa đầy 34 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế khác cũng tăng vọt từ hơn 51 tỷ đồng lên 1.613 tỷ đồng.
Khoản này chủ yếu do liên quan đến tiền thuê, sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án Lakeview City (Tp. Thủ Đức).
Hàng tồn kho của Novaland chiếm tới 145.006 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm và chiếm tới 62% tổng tài sản. Trong đó, cới hơn 136.811 tỷ đồng là bất động sản để bán đang xây dựng và chỉ có 8.495 tỷ đồng là bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành.
Công ty còn đang đem giá trị hàng tồn kho đi để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay hơn 57.972 tỷ đồng tại ngày 30/9/2024.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Novaland đạt 191.405 tỷ đồng với hơn 59.836 tỷ đồng vay nợ tài chính.
Lớn nhất trong các khoản nợ của Novaland là trái phiếu doanh nghiệp với 38.881 tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng dư nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn vay 11.837 tỷ đồng từ các ngân hàng cũng như hơn 9.292 tỷ đồng từ bên thứ ba, chủ yếu là các chủ nợ nước ngoài.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy trong 9 tháng đầu năm công ty đã phải trả hơn 1.174 tỷ đồng nợ gốc vay và hơn 1.206 tỷ đồng tiền lãi vay.
Ở trong nước, VPBank là đơn vị cấp vốn tín dụng lớn nhất cho Novaland trong số các ngân hàng với dư nợ tại ngày 30/9/2024 là 3.006 tỷ đồng.
Xếp sau VPBank là MB Bank khi cho Novaland vay tổng cộng 2.650 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là các khoản vay dài hạn.
Từ đầu năm 2024 tới nay, Novaland đã liên tục phát đi thông báo đang trong quá trình đàm phán việc thanh toán một số khoản nợ của mình. Báo cáo kiểm toán bán niên của Novaland cho biết tập đoàn đã đạt được thỏa thuận tái cấu trúc ban đầu với chủ nợ và trái chủ với tổng số tiền là 17.336 tỷ đồng.