Nhạc sĩ Phú Quang qua đời lúc 8h45 ngày 8/12, sau gần hai năm nằm viện. Sáng 13/12, rất đông người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã tới Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông để tiễn đưa người nhạc sĩ tài hoa về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Vào đầu năm 2020, bệnh của ông trở nặng. Ông phải dùng máy thở, nằm trong phòng vô trùng. Con gái ông - nghệ sĩ Trinh Hương - cho biết trước khi mất, nghệ sĩ phải ăn qua ống xông, yếu sức nhưng ông vẫn nhận ra người thân. Hồi tháng 7/2021, gia đình tổ chức tiệc sinng tốt, ông vẫn miệt mài làm việc. Nhạc sĩ đôi lúc đãng trí những việc thường nhật, nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông vốn không thích ai hát sai lời, nhạc của mình.
Nhạc sĩ Phú Quang quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường, lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Nhạc sĩ Dương Cầm chào nhạc sĩ Phú Quang lần cuối.
Ca sĩ Tuấn Hưng chia buồn cùng gia đình nhạc sĩ Phú Quang.
NSND Quang Thọ nghẹn ngào trong đám tang người nhạc sĩ tài hoa.
Ca sĩ Thanh Lam từng thể hiện nhiều bài của Phú Quang thành công. Chị đau buồn xuất hiện trong đám tang người nhạc sĩ của Hà Nội.
Ca sĩ Tùng Dương an ủi với vợ cố nhạc sĩ.
Ca sĩ Minh Chuyên bay từ Nha Trang ra Hà Nội để tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi hay tin nhạc sĩ qua đời, nữ ca sĩ đau xót: "Tôi thương chú quá! Chú mất mà chưa được nhìn thấy chú. Tôi ngồi lỳ trong phòng, nghe nhạc của chú mà buồn đau quá, muốn ra chơi với con mà bước ra đến cửa, nước mắt lại trào ra. Tôi không muốn con trai nhìn thấy mẹ trong tình cảnh ấy".
NSND Trung Hiếu nuối tiếc khi đàn anh ra đi để lại những ước mơ và cuộc hẹn còn dang dở. NSND Trung Hiếu nhớ về nhạc sĩ: “Có anh, người Hà Nội đẹp, hào hoa hơn. Mất anh, Hà Nội như mất đi một phần linh hồn. Chia tay anh, anh nhé”.
Nghệ sĩ piano Trinh Hương - con gái cả của cố nhạc sĩ - cùng chồng là nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. Trong lễ tang, nghệ sĩ cho biết chị chưa làm quen được với việc thiếu vắng cha. Những ngày qua, vợ chồng nghệ sĩ lo liệu cho tang lễ. Chị Trinh Hương cho biết cha là người nhẹ nhàng, tình cảm, chưa khi nào to tiếng với các con.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn trong phút truy điệu vị nhạc sĩ đáng kính.
Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang là sự mất mát lớn đối với nền nghệ thuật nước nhà.
Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như: Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)...
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hòa tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà)…