Tuy nhiên, khi câu chuyện đã "ngả màu tâm sự", ông lại vỗ vai tôi: "Cái này hay, bạn đưa lên báo được đấy".
Nhạc sỹ Nguyễn Cường
Một nghìn năm nay, Thị Màu đẹp nhất
Mào đầu câu chuyện tôi hỏi vui ông về những bóng hồng trong âm nhạc. Ông nhìn tôi rồi cười hóm hỉnh: "Ơ thế bạn không biết à. Tôi công khai trong bài hát hết rồi, có giấu gì đâu. Đó là cô gái với “Đôi mắt Pleiku” khiến nguời đối diện phải chơi vơi, đắm chìm. Đó là “H'Zen lên rẫy” và biết bao cô gái Tây Nguyên khác với vẻ đẹp hồn nhiên, khỏe khoắn. Nhưng người con gái đẹp nhất trong mắt tôi thì chỉ có một. Đó là Thị Màu. Một nghìn năm nay, Thị Màu là người đẹp nhất".
Trong mắt Nguyễn Cường, Thị Màu là người con gái "màu mỡ" để vạn đàn ông phải mê. Vì say Thị Màu, nhạc sĩ sinh năm 1943 đã viết liên khúc năm bài với những ngôn từ lúng liếng, đa tình, vừa ca ngợi, vừa minh oan cho cô nàng "chửa hoang". Yêu vẻ đẹp của nàng, ông liên tưởng ngực nàng như "ngực trăng mới nhú" khiến chàng thanh niên quê "Chân khuya ngập ngừng / Ngõ hẹp đường khuya/ Gai tre cào xước áo" mà vẫn liều "Giang tay ôm vầng trăng nõn nà". Lúc khác, ông lại để Thị Màu hiện đại, cởi áo yếm váy nâu mặc quần jean đi hội mà làm chao đảo cả cung đình Huế.
Nguyễn Cường nói: "Thị Màu trong nhạc của tôi khác xa với Thị Màu trong văn học dân gian. Vì nàng là tuyệt đỉnh của khát vọng sống. Và tôi tôn vinh người đàn bà ấy, tôi để cho nàng sống đúng nghĩa nhất trong âm nhạc của mình. Thị Màu là người tinh tế. Cứ nhìn những người mà nàng đem lòng yêu thì biết. Đó đều là những thư sinh hoặc tao nhân mặc khách. Nàng yêu chú tiểu, tức là yêu triết lí. Yêu anh Khóa tức là yêu sự nho nhã, yêu sách vở, yêu sự hiểu biết. Màu tinh tế là ở chỗ ấy".
Theo câu chuyện và tiếng hát rổn rảng của ông, tôi hỏi vui: "Ông đã gặp Thị Màu ngoài đời chưa?" - "Gặp rồi, gặp nhiều nữa là khác, thế mới có thể vẽ nàng đẹp đến thế bằng âm nhạc chứ?!" - Nguyễn Cường nháy mắt trả lời đầy tinh nghịch, dí dỏm.
Theo vị nhạc sỹ tài hoa này, Thị Màu không phải là người đàn bà dung tục. Nàng thậm chí là trong sáng, trong sáng theo kiểu đàn bà. "Tôi kể cho bạn nghe nhé, tôi lên Tây Nguyên. Một lần theo chân một ông chủ tịch xã rong chơi khắp các buôn. Đến xế chiều thì rẽ vào một ngôi nhà khá yên tĩnh nằm trên một quả đồi nhỏ. (ở Tây Nguyên, đặc biệt là trong các buôn làng, họ có thể đi làm rẫy cả ngày mà không cần đóng cửa).
Vào đến nhà, gọi mấy tiếng mà chẳng thấy ai trả lời, chúng tôi bèn chủ động ngồi vào chiếc bàn đặt ngoài sân. Một lúc sau thì thấy một cô bé tầm khoảng 7 - 8 tuổi, tụt xuống từ một cái cây sau vườn. Thấy khách, nó chả nói năng gì, cứ thế cầm ấm lên rót nước cho từng người. Rồi bưng ra một đĩa hoa quả đặt lên bàn ra ý mời khách nhưng vẫn không nói một lời nào. Một con bé tròn trịa, hồng hào, khỏe khoắn. Tôi thoáng giật mình: "Nó chính là Thị Màu. Là biểu tượng của một sức sống nơi vùng đất bazan nắng gió này”.
Cách tiếp khách kì lạ của nó là một thứ văn hóa đặc trưng của người Tây Nguyên. Hiền hòa, thân thiện và cởi mở. Khách đến nhà không bao giờ hỏi anh cần gặp ai và từ đâu đến. Ai bảo ở những vùng xa xôi là thiếu văn hóa. Văn hóa của họ cao hơn người thành phố là khác. Họ hồn nhiên lắm. Điều đó người thành phố đã đánh mất từ lâu rồi", Nguyễn Cường kể và nhận xét.
Những gì bắt nguồn từ dân gian đều là vàng ròng
Tôi chất vấn ông: "Có phải Nguyễn Cường đang sùng bái âm nhạc dân gian quá mà coi nhẹ các dòng nhạc khác?". Gã cao bồi Hàng Bạc đáp ngay: "Ấy chết, tôi nào có cực đoan đến thế! Tôi đố ai có thể viết nổi một câu hay như "Cả một trời yêu bao giờ trở lại" mà các bạn gọi là nhạc sến đó. Tôi mê Thị Màu, mê ca dao, dân ca là bởi tiếng Việt quá đẹp, quá hay rồi - thứ kho báu mẹ ta cho ta. Ta có sẵn vàng trong người rồi, tại sao lại không dùng? Tây xịn ngồi nghe nhạc Việt trẻ thì cười khẩy mũi nhưng nghe đến âm nhạc dân gian là "tái mặt", không dám đùa rồi. Vì đó là lịch sử của ta, tinh hoa hàng nghìn năm kết tinh mà thành.
Cách đây mấy năm, một nữ tiến sĩ âm nhạc người Đức chuyên nghiên cứu về ca trù đã cất giọng đầy kiêu hãnh hỏi tôi: "Ca trù là gì?". Tôi nói rằng, ca trù là cô đã sang Việt Nam 3 năm, nói tiếng Việt rất sõi nhưng cô phải ở thêm 30 năm nữa, phải ăn ở với một thằng đàn ông Việt Nam và nó phải làm cho cô sung sướng lẫn đau khổ, cô sinh con đẻ cái với nó, lúc đó cô mới "đủ tư cách" để hỏi ca trù là gì.
Tôi nói vậy bởi làm gì có khái niệm hội nhập văn hóa. Làm gì có cái được gọi là dân gian đương đại, thị trường thì có. Người Việt Nam làm nhạc và bán ra thế giới thì có nhưng đó không phải là hội nhập văn hóa. Chúng ta đang bị nhầm giữa hai cái đó. Chính tôi đây này, tôi đã gắn bó gần 30 năm với Tây Nguyên mà đâu dám khẳng định là hiểu được vùng đất này. Tôi mới chỉ cảm được nó để viết nhạc thôi. Vậy thì làm sao mà mơ tới chuyện người nước ngoài hiểu về dân ca Việt Nam cũng như người Việt Nam có thể hiểu dân ca các nước khác.
Bạn có ở đâu và ở bao lâu đi chăng nữa, máu chảy trong con người bạn vẫn là máu của người Việt Nam. Và dân ca thì đã ngấm vào từng mạch máu ấy rồi vậy nên bạn rất dễ rung động với những bài hát có âm hưởng gần gũi với dân ca. Bản thân tôi đây này, được đào tạo bài bản về âm nhạc thế giới từ bé, thế mà chưa bao giờ, nó có thể cho tôi những rung động mãnh liệt như chèo, trống quân, ả đào, xoan ghẹo của âm nhạc dân gian.
Một lần nói chuyện với các bạn sinh viên về đề tài này, tôi hỏi: "Các bạn thích các bài thất tình chứ gì? Cứ thỏa sức hát. Nào tình não, tình khổ, tình buồn, tình nhớ nhung các thứ đi!". Sau khi họ hát xong, tôi chỉ hát một câu thôi: "Đêm nằm ôm gối thở than/Gối ôi là gối bạn xưa đâu rồi". Tất cả những than tình trước nó đều trở nên rởm hết. Dân gian là thế, sao không yêu, không mê được?".
Đào Bích