Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bắt đầu viết nhạc từ năm 2001, trong lúc anh đang học năm thứ nhất của trường Ngoại Ngữ - Tin học TP.HCM. Chung cho biết, lúc đó anh chưa thích thú với âm nhạc vì hồi nhỏ anh học nhạc chỉ để phục vụ cho việc buôn bán của gia đình. Sau khi chuyện tình cảm không thành đã tạo cho Chung một áp lực rất lớn về sự dằn vặt, nỗi buồn đau và dường như tuyệt vọng với đời. Tình yêu đầu tiên và duy nhất lúc ấy đã bỏ rơi anh mà không cho anh biết một lý do nào cả. Đau buồn cực độ, Chung muốn tìm cho mình một công việc gì đó để lấp khoảng trống, để lòng dịu vợi đi nỗi buồn triền miên ấy. Đồng thời, anh muốn hướng tâm trí của mình vào việc mình sắp làm để không còn thời gian buồn được nữa.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Từng mòn mỏi đợi nhạc sĩ, ca sĩ hồi âm
Trong nhà luôn có sẵn nhạc cụ (vì gia đình anh buôn bán nhạc cụ) nên tìm đến âm nhạc để giải khuây là việc đầu tiên Chung nghĩ tới. Vào một ngày năm 2001, anh ôm đàn ra đánh một mình, đôi tay gảy từng nốt nhạc buồn não nề, còn cái đầu bắt đầu nghĩ về tất cả những gì đã qua của cuộc tình tan vỡ. Bao nhiêu kỷ niệm dần hằn in trong trí óc, Chung vừa đàn, vừa khóc, rồi bất giác hát lên những gì mình suy nghĩ, những gì mà anh gọi đó là sự đau đớn của tình đời.
Sau đó, anh nảy ra ý định sáng tác một ca khúc cho riêng mình để trải lòng mình với đời. Vì anh nghĩ, lòng mình có buồn bao nhiêu thì đời vẫn tồn tại, vẫn trôi đi lặng lẽ mà ai đó không biết nắm bắt sẽ trôi đi một cách vô nghĩa và chỉ đơn giản: "Viết để bản thân hợp với hoàn cảnh mà thôi”.
Anh tâm sự: "Ca khúc đầu tiên mà Chung viết là Bài ca tình yêu đầu, nhưng không được hay nên Chung để đó, thi thoảng đọc để nỗi nhớ vơi đi. Ca khúc thứ hai là Mùa đông không lạnh, một nỗi nhớ da diết về cuộc tình đầu tiên. Các ca khúc sau, Nguyễn Văn Chung cứ viết rồi lại sửa, sửa rồi lại viết cho đến khi nào chính anh cảm thấy đó là một bài hát mới thôi. Trong đó, các ca khúc; Vầng trăng khóc, Mộng thủy tinh, Đêm trăng tình yêu, Tình yêu mang theo là chuỗi nối đầu tiên cho các tác phẩm của anh đi vào lòng người..."
Thế nhưng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại thổ lộ: "Lúc đầu Chung không hề muốn công bố những ca khúc mà mình đã viết. Với Chung, nó chỉ là sự trải lòng của bản thân, vì thế chỉ muốn dành riêng cho mình".
Và rồi, những trăn trở cho đứa con đẻ của mình xuất hiện. Anh nghĩ, không lẽ cứ viết ra rồi bỏ đó, lòng mình buồn nhưng cuộc đời của một ai đó ngoài kia cũng có khi buồn hơn, chán chường hơn thì sao.
Anh gọi điện cho tổng đài, hỏi thăm bè bạn để xin số các ca sĩ hi vọng họ chấp nhận hát ca khúc của mình. Anh bảo, anh viết và gửi không biết bao nhiêu tâm thư cho các ca sĩ nhưng chỉ được ca sĩ Nguyên Vũ hồi âm...
"Vậy là hi vọng của mình thành sự thật. Ca sĩ Nguyên Vũ đã chọn bài Người thầy năm xưa của Chung để hát trong chương trình Tri ân người khai sáng tại sân khấu Lan Anh vào ngày 20/11/2002. Sau đó, anh Khánh bên công ty Nhạc Xanh thấy những ca khúc của Chung viết rất hay và đầy tình cảm. Không lâu sau, anh Khánh liên lạc với Chung để mua bản quyền bài hát. Một bất ngờ lớn đến với Chung là Đêm trăng tình yêu được mọi người yêu mến, kế tiếp là bài Vầng trăng khóc, Chung nhận ra, mình là người hết sức may mắn ngay từ bước đi đầu", anh nhớ lại.
Anh tâm sự: "Tôi thật sự may mắn khi lần đầu tiên viết nhạc đã có được 2 bài hit rồi. Từ Đêm trăng tình yêu đến Vầng trăng khóc, sau đó mỗi năm tôi đều có 1 bài hát hit; Ngôi nhà hoa hồng năm 2005, năm 2006 có Ngồi bên em (Phan Đình Tùng hát)", 2007 Chiếc khăn gió ấm (Khánh Phương hát), tiếp đó là Mùa đông không lạnh và Con đường mưa…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và vợ
Muốn mang âm nhạc đến với tất cả mọi người
Tính tới thời điểm hiện tại, Chung đã cho ra mắt 5 album. Sắp tới, anh sẽ mang tới một chuỗi liveshow miễn phí cho các bạn sinh viên.
Nói về phong cách, anh cho biết: "Cái khẳng định chỗ đứng đối với người nghệ sĩ chỉ là tác phẩm. Chính tác phẩm khẳng định vị trí âm nhạc của người nhạc sĩ trong lòng khán giả. Bởi âm nhạc có rất nhiều thể loại; biểu diễn, thưởng thức, suy ngẫm... thể loại âm nhạc của Chung là theo hướng chia sẻ. Có nghĩa là, khi ai đó buồn tủi, chỉ muốn ngồi một mình, không muốn ai làm phiền thì lúc này người đó cần nhất chính là một cái gì đó để thấu hiểu lòng mình. Và âm nhạc của Chung đang đi theo hướng đó. Hãy nghe những bản nhạc mà Chung viết, chiêm nghiệm lại tất cả những chuyện, những việc đã qua để thấy mình có trong đó...".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung quan niệm, việc sáng tác âm nhạc thứ nhất là để chia sẻ với bản thân, thứ hai là để mọi người chia sẻ với nhau. Anh hi vọng mọi người sẽ tìm thấy mình trong đó với một tâm trạng nhất định. Vì mỗi bài Chung sáng tác là một hoàn cảnh nhất định với những chiều cảm xúc khác nhau. Nếu bạn không thấy mình trong Con đường mưa thì rất có thể bạn sẽ thấy mình trong Chiếc khăn gió ấm nếu như bạn yêu xa....
Rất nhiều người đã hỏi anh, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, ai cũng muốn mở liveshow để kiếm tiền, vậy tại sao Chung lại làm liveshow miễn phí? Anh không ngần ngại bày tỏ: "Chắc chắn Chung sẽ làm show để kiếm tiền nhưng không phải với đối tượng sinh viên. Các bạn sinh viên là đối tượng cần được thưởng thức âm nhạc, vì các bạn yêu âm nhạc nhưng lại ít được thưởng thức âm nhạc trực tiếp do một số điều kiện nào đó....
Chung sinh năm 1983 trong một gia đình có ba anh em. Anh là con trai cả, dưới có một em gái và một em trai. Anh có một người cha hết sức nghiêm khắc, một người mẹ hiền từ và rất mực thương con. Nhưng khi bắt đầu viết nhạc, Chung gặp khá nhiều khó khăn, từ áp lực phải thể hiện mình (do ba Chung là người rất khó tính) đến chu toàn công việc gia đình. Lúc đầu, ba anh muốn anh kế tục sự nghiệp của gia đình. Tuy trong cuộc sống hai cha con rất yêu thương nhau, nhưng trong công việc thì lại thể hiện sự trái ngược có khi dẫn đến cãi vã. "Nhiều khi Chung không hài lòng cách ba mình áp đặt một số điều khoản cho nhân viên, anh cho rằng điều đó là không thoải mái và không cần thiết. Trong khi đó, anh luôn tôn trọng những người có năng lực xung quanh mình. Vì thế, nhiều lúc Chung suy nghĩ, đây là sự nghiệp của ba mình, rồi anh bỏ đi một thời gian. Sau đó, thấy ba má vất vả quá, Chung lại quay về phụ giúp nhưng cái đối kháng của cha con vẫn tồn tại. Chung lại bỏ đi. Cứ thế ba bốn lần lập lại, cuối cùng Chung nhận ra đó là sự nghiệp của ba mình, ba thích làm gì là quyền của ba, có lẽ mình không can dự thì hơn", nhạc sĩ Vầng trăng khóc thẳng thắn kể lại. |
Đăng Văn
Kỳ sau: Người nhạc sĩ thành công vì thích đi... ngược chiều