NS Phạm Tuyên: 'Tôi luôn dành tình yêu lớn cho các em nhỏ'

NS Phạm Tuyên: 'Tôi luôn dành tình yêu lớn cho các em nhỏ'

Thứ 6, 08/02/2013 10:08

"Viết cho thiếu nhi vừa dễ, vừa khó. Dễ ở chỗ là mình muốn viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài tấm lòng yêu mến trẻ thơ, người sáng tác phải hiểu sâu sắc tâm lý của chúng...", nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.

Đến với thiếu nhi thật bất ngờ

Tôi đến gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên tại số nhà 305, khu tập thể Vạn Bảo, nơi mà người nhạc sĩ đáng kính đã gắn bó 20 năm qua. Khu tập thể cũ kỹ này là chứng nhân thời gian của những người nghệ sĩ cây đa cây đề từng đến và đi, người còn và người đã mất. Trong số những nghệ sĩ ấy có nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tế Hanh, nhạc sĩ An Thuyên. Nhưng riêng nhạc sĩ già Phạm Tuyên vẫn chung tình gắn bó với chốn đi về này bởi nơi đây lưu giữ của ông quá nhiều kỉ niệm cuộc đời.

Mở cửa đón khách là một người đàn ông dáng cao to, nho nhã, khuôn mặt hiền hậu luôn mỉm cười. Nụ cười ấm áp của ông đã xoa dịu đi cái lạnh 100C của thời tiết mà tôi mang bên ngoài vào. Trong căn phòng nhỏ xinh, bên tách trà sen ngút khói, bằng giọng nói chậm rãi, ông đã kể cho tôi nghe về cuộc đời âm nhạc cũng như những sóng gió kinh qua đời mình. Sự thân thiện, gần gũi toát lên từ phong thái của nhạc sĩ Phạm Tuyên khiến cho tôi cảm giác khoảng cách thế hệ trở nên gần gũi hơn.

Nhân vật - NS Phạm Tuyên: 'Tôi luôn dành tình yêu lớn cho các em nhỏ'

Nhạc sĩ Phạm Tuyên vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh  năm 2012 (ảnh: Nguyễn Khánh).

Bước vào tuổi 83 nhưng xem ra Phạm Tuyên vẫn còn quá minh mẫn và sâu sắc. Ông lần hồi lật giở từng trang trí nhớ, kể cho tôi nghe rất nhiều và rất lâu những câu chuyện đời mình. Trong ánh mắt rưng rưng, nhạc sĩ đã rất tự hào khi kể về gia đình. Theo ông, đó chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của ông, góp phần làm nên "thương hiệu" của ông bây giờ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên là con trai thứ 9 của gia đình cụ Phạm Quỳnh - chủ bút tờ Nam Phong, một gia đình có truyền thống trí thức nề nếp vào bậc nhất nhì xứ An Nam. Cái nếp nhà ấy ảnh hưởng và còn nguyên vẹn trong cốt cách của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông cụ thân sinh lúc sinh thời vốn rất yêu thương các con và luôn giáo dục các con mình theo lối tự học. Cụ luôn tôn trọng tự do tuyệt đối của các con và tạo mọi điều kiện cho các con phát huy sở trường, thiên hướng của mình sau này, không bao giờ có một sự áp đặt nào cả. Ngay từ thuở ấu thơ, Phạm Tuyên tỏ ra là một cậu bé thông minh, có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc. Ông được học đờn ca tài tử với nhiều nghệ nhân bậc thầy ở Huế, học âm nhạc hiện đại của phương Tây. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phạm Tuyên gia nhập Thiếu sinh quân. Phạm Tuyên đã lăn lộn với đồng bào và chiến sĩ Vệ quốc đoàn từ khu 4, khu 3 Việt Bắc, Tây Bắc.

Trải qua nửa thế kỷ sống trọn với âm nhạc, Phạm Tuyên đã có trong tay một khối lượng sáng tác đồ sộ dàn trải ở nhiều mảng đề tài khác nhau. Một điều đặc biệt là ở đề tài nào Phạm Tuyên cũng xuất sắc trong việc ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu nhạc. Mà người yêu nhạc của ông thì ở bất cứ mọi lứa tuổi nào.

Nhưng nếu nói mảng nào ấn tượng và phong phú nhất thì chính là các ca khúc ông viết về thiếu nhi. Những sáng tác viết cho các em thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên đậm nét hồn nhiên, trong sáng, giản dị, dễ hát, dễ thuộc, phù hợp với từng độ tuổi và mang tính giáo dục cao. Nhưng ban đầu, ngay cả bản thân nhạc sĩ cũng không ngờ là mình có thể viết nhạc phẩm cho thiếu nhi. “Tôi sáng tác cho thiếu nhi hoàn toàn là điều bất ngờ. Năm 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân, tôi được cử về làm đại đội trưởng đội thiếu sinh quân bé nhất của trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Thái Nguyên - thủ đô kháng chiến lúc bấy giờ. Hồi ấy, thiếu nhi thiếu bài hát lắm. Sẵn chút năng khiếu về viết, tôi liền sáng tác. Tôi không ngờ những bài hát đầu tiên viết cho thiếu sinh quân như: Em vào thiếu sinh quân, Lớp học ở rừng, Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao... lại được các em thiếu nhi đón nhận nhiệt thành. Có lẽ đây chính là mốc đánh dấu bước ngoặt đưa tôi đến với mảng đề tài quan trọng trong đời sống âm nhạc của mình - những ca khúc viết cho thiếu nhi”, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.

Ngày đầu ông viết, chỉ đơn giản là viết cho thiếu nhi chứ chưa phân định rõ ràng là cho độ tuổi nào. Nhưng rồi từ chính người vợ của ông là PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết chuyên gia nghiên cứu về tâm lý học trẻ em, bà đã giúp ông thẩm định những tác phẩm của mình. Từ những góp ý của vợ, Phạm Tuyên đã hiểu hơn suy nghĩ và cách nhìn của từng lứa tuổi nên những tác phẩm của ông ngày càng đến gần hơn, tự nhiên hơn với các em.

Nếu xét toàn diện về mâm cỗ âm nhạc Việt Nam hiện nay thì mảng ca khúc thiếu nhi đang được xem là thiếu thốn. Thiếu vì đề tài này khá kén nhạc sĩ, kén người khai thác. Ngay đến nhạc sĩ Phạm Tuyên - người cả đời gắn bó, gần gũi với các cháu thiếu nhi cũng phải lên tiếng rằng: "Viết cho thiếu nhi vừa dễ, vừa khó. Dễ ở chỗ là mình muốn viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài tấm lòng yêu mến trẻ thơ, người sáng tác phải hiểu sâu sắc tâm lý của chúng. Còn khó ở chỗ là viết cho trẻ em thì khó nổi tiếng, trẻ con không phải là những nhà phê bình - lý luận mà đưa lên báo. Thích thì chúng hát thôi, với lại, viết cho chúng thì không có thu nhập cao. Hơn nữa, viết các ca khúc cho thiếu nhi thì bên cạnh tính nghệ thuật được đảm bảo thì còn phải chú ý đến tính giáo dục. Vì thế, phải là những người nhạc sĩ tràn đầy tâm huyết mới chịu khó đi sâu khai thác mảng đề tài trẻ thơ này".

Nhân vật - NS Phạm Tuyên: 'Tôi luôn dành tình yêu lớn cho các em nhỏ' (Hình 2).

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trò chuyện với PV.

Công chúng và thời gian là giám khảo công minh nhất

Điều dễ dàng nhận ra trong âm nhạc của Phạm Tuyên đó chính là sự tươi vui, nhẹ nhàng, yêu đời khắc hẳn với cuộc đời trót mang nhiều trầm tư của người nghệ sĩ như ông. Viết số lượng nhiều, khai thác ở nhiều thể loại nhưng chưa bao giờ người ta thấy Phạm Tuyên lặp lại chính mình. Bởi ở mỗi chủ đề, ông có cách cảm nhận và hoá thân khác nhau. Ông viết cho thiếu nhi thì đơn giản, vui nhộn, dí dỏm, viết về tình yêu quê hương, đất nước thì hào sảng, da diết và sâu sắc. Trong giới đông nghệ sĩ, Phạm Tuyên là một tài năng hiếm hoi khi đến với âm nhạc bằng năng khiếu thiên vận. Ông đã để lại cho đời khối báu vật hơn 700 ca khúc và được phổ cập rộng rãi. Đó là điều không phải ai cũng dễ dàng có được. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ xứng đáng để cái tên Phạm Tuyên nhận được nhiều thứ hơn là những giải thưởng.

Làm nghệ thuật từ tuỷ, yêu âm nhạc từ tâm, nên Phạm Tuyên có những nguyên tắc bất di bất dịch. Ông không bao giờ viết nhạc theo đơn đặt hàng, vì nếu gượng ép thì cảm xúc trong tác phẩm sẽ đến không thành thật, sẽ khô cứng và rẻ rúng. Ở cái tuổi của Phạm Tuyên bây giờ, trời gọi là dạ, kinh qua bao nhiêu sóng gió, ông cũng tự nhận mình là người sống lạc quan. Sau những chuyện không vui về giải thưởng, bình xét ầm ĩ báo chí cách đây một thời gian, ông không hề buồn hay tỏ ra nghi kị. Vì với người nghệ sĩ già này, công chúng và thời gian sẽ là những vị giám khảo công minh nhất. Trái lại, ông đang rất hạnh phúc với nguồn vui dạt dào của mình. Nguồn vui ở đây là công chúng, là nhân dân, là tình cảm của mọi người đối với âm nhạc của ông. “Chính tình cảm ấy đã động viên tôi nhiều lắm. Không có hàng triệu người dân hát bài hát của mình thì mình buồn lắm. Đó có lẽ là tài sản quý giá nhất mà tôi có được”, nhạc sĩ của tuổi thơ chia sẻ.

Bảo Hằng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.