Chia sẻ nhanh với Người Đưa Tin, chị Kiều Đàm Linh - vợ nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết: "Tối ngày 17/8, sau khi thấy ông xã có bất thường, gia đình đã đưa anh vào Bệnh viện quân y 175 để cấp cứu. Bác sĩ nói anh bị đột quỵ và đã qua cơn nguy hiểm. Hiện tại gia đình và bác sĩ đang theo dõi sát sao mong anh bình phục nhanh".
Chị Linh cho biết thêm, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn từng nhiều lần phẫu thuật ghép thận vì thế nghệ sĩ rất chú ý đến sức khoẻ. Hy vọng lần này, nghệ sĩ tài năng sẽ vượt qua được nguy hiểm này.
Trần Mạnh Tuấn sinh năm 1970 trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha mẹ và chị gái là nghệ sĩ cải lương. Anh là nhạc công chơi saxophone duy nhất được đề cử 5 lần tại giải Cống hiến. Anh còn hợp tác với nhiều nghệ sĩ như gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Trần Thu Hà... Anh từng thành lập câu lạc bộ jazz Sax n' Art tại TP HCM, làm giám khảo cuộc thi Vietnam Idol 2008.
Cuối tháng 7, anh và nhiều nghệ sĩ biểu diễn ở Bệnh viện dã chiến số 3, thành phố Thủ Đức, động viên các bệnh nhân F0 và y bác sĩ. Anh gây sốt mạng xã hội với tiết mục saxophone giai điệu bài Quê hương (Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân), Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em (Trịnh Công Sơn). Nghệ sĩ gọi bệnh viện dã chiến là sân khấu đặc biệt trong đời biểu diễn của anh. Hồi tháng 4, anh cùng con gái An Trần cũng góp mặt trong đêm nhạc kỷ niệm 20 năm ngày giỗ Trịnh Công Sơn tại nhà cố nhạc sĩ.
Trước khi đột quỵ, Trần Mạnh Tuấn đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho Nối vòng tay lớn - chương trình ca nhạc trực tuyến cổ vũ tinh thần mọi người chống dịch, do sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM cùng gia đình Trịnh Công Sơn thực hiện, dự kiến diễn ra ngày 4/9.
Chia sẻ về tình hình của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Tùng Dương cho hay: "Tôi và anh Tuấn đang cùng nhau làm đêm nhạc từ thiện online Nối vòng tay lớn. Cả hai tâm sự rất lâu về tình hình dịch bệnh ở TP.HCM và âm nhạc Cách đây 5 ngày, tôi còn nói chuyện về công việc với anh Tuấn, giọng vẫn sang sảng và vẫn cười giòn tan qua điện thoại mà đã nghe tin anh nhập viện. Cầu nguyện để mong anh vượt qua để còn tiếp tục chương trình.
Trong dịch Covid-19 vừa qua, anh ấy đã chơi saxophone trong bệnh viện dã chiến, bất cứ ai nghe anh ấy chơi bài Quê hương cũng xúc động nghẹn ngào. Đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất của người nghệ sĩ tôi từng thấy. Hy vọng anh ấy sẽ sớm trở lại với khán giả".
Vào tháng 7/2021, chia sẻ với Người Đưa Tin về việc biểu diễn trước 10.000 bệnh nhân đang điều trị Covid-19 cùng hàng trăm y bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 3 và 6, TP. Thủ Đức (Tp.HCM), anh cho hay: "Đó là một trải nghiệm đặc biệt của một nghệ sĩ như tôi khi khán giả cũng là những người rất đặc biệt. Khi cất lên những giai điệu âm nhạc, tôi thấy có khán giả khóc, bản thân tôi khi biểu diễn vẫn đeo khẩu trang nên cũng có nhiều kỷ niệm. Hơn 40 năm làm nghề, đây là sân khấu lung linh nhất của tôi.
Bản thân tôi là người từng nhiều lần làm phẫu thuật, tôi là bệnh nhân ghép thận sống đến hôm nay cũng nhờ quả thận ghép trong cơ thể do người anh trai hiến tặng. Tôi nghĩ, cho đi là nhận lại. Tôi muốn lan toả những điều tích cực đến các bệnh nhân Covodi-19, mong họ vững tâm chữa trị và nhanh khỏi để về với gia đình".
"Nhiều người hỏi, khi chơi đàn mà đeo khẩu trang thì có khó khăn gì không? Bà xã đã thiết kế một chiếc khẩu trang đặc biệt, có một khoảng hở nhỏ trước miệng vừa đủ để thổi nên đảm bảo quy tắc phòng dịch. Đúng là hơi khó chịu một chút nhưng không sao, khi thổi, tôi vẫn thả cảm xúc của mình vào âm nhạc, công với nhận được sự ủng hộ của khán giả, nên tôi đã hoàn thành buổi biểu diễn và thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn với cộng đồng" - Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho hay.
Trần Mạnh Tuấn say sưa nói về chuyện âm nhạc: "Số phận của tôi gắn liền với cây kèn saxophone, tôi yêu saxophone như con. Dù đã đi biểu diễn nhiều, nhưng mỗi khi lên sân khấu, nhìn thấy ánh đèn lung linh, tôi lại thấy mình hồi hộp và luôn muốn khán giả dành cho mình những tràng vỗ tay tán dương, động viên.
Từ khi ghép thận, sức khoẻ của tôi có yếu hơn, hàng ngày tôi vẫn phải uống thuốc chống thải của ghép thận, uống đến hết đời nhưng tôi vẫn chơi kèn và hoạt động nghệ thuật. Nhưng khi có chương trình, tôi lại cố gắng để mình bận rộn, sống có ý nghĩa. Dịch Covid-19 khiến cho việc biểu diễn ít đi, nhưng tôi vẫn giảng dạy online cho các học trò của mình. Tôi hy vọng người trẻ cũng sẽ thích saxophone để tiếng kèn này sẽ vang mãi".