Mới đây, thông tin hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) sẽ tiến hành thu phí tác quyền hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc với mức phí 2.000 đồng/bài/đầu máy karaoke trong thời hạn một năm làm nhiều người bất ngờ. Bởi, từ trước đến nay, việc hát karaoke vẫn là “hát chùa”, chứ chưa có một chế tài cụ thể nào cả. Vậy, việc này sẽ được tiến hành thế nào? Nó có khả thi không?
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, vào ngày 28/3 vừa qua, bà Trương Thị Thu Dung – Phó chủ tịch thường trực hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết, có thể từ đầu tháng 7/2017, hiệp hội sẽ tiến hành thu phí bản quyền liên quan đến bản ghi gồm quyền sản xuất bản ghi và quyền ca sĩ. Mức phí được ấn định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke với thời gian sử dụng là một năm kể từ ngày được cấp phép.
Theo bà Thu Dung, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện việc thu phí bản quyền là trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (trực thuộc hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam). Khi được hỏi, số tiền thu được từ các cơ sở kinh doanh karaoke sẽ dùng để làm gì? Bà Dung chia sẻ, số tiền thu được sẽ dùng để chi trả các chi phí hoạt động của văn phòng hiệp hội (10%); sở Văn hóa, Thể thao hoặc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh (5%); còn lại trả trực tiếp cho các chủ sở hữu.
Tại văn bản gửi cho các đơn vị kinh doanh karaoke, RIAV cũng ghi rõ, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke hiện đang sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh nhằm thu lại lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu. Vì vậy, RIAV sẽ thu phí tác quyền để đảm bảo quyền lợi cho các chủ sở hữu.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết: “Việc thu phí ghi âm, ghi hình này, các tác giả của bài hát cũng nên biết, nhưng bản thân chúng tôi là các nhạc sĩ cũng chưa biết gì cả. Nếu RIAV thu được phí các bản ghi âm, ghi hình ở các cơ sở kinh doanh karaoke thì quá tốt, nhưng dù sao, chúng tôi – những nhạc sĩ sáng tác bài hát cũng phải biết thông tin này".
"Từ trước đến nay, các bài hát của chúng tôi cũng được dùng “chùa” nhiều lắm, làm sao mà quản lý được, làm sao mà biết được ai, đơn vị nào đang dùng bài hát của mình? Vậy, việc thu phí này là RIAV đứng ra chịu trách nhiệm, nhưng tôi cũng có băn khoăn là có trả tiền bản quyền cho tác giả sáng tác không? Mỗi bài 2.000 đồng, nhưng tính ra một năm cũng là con số không nhỏ. Vậy, ai là người kiểm soát số lượng các quán karaoke ở từng địa phương? Bản thân tôi nhiều năm nay biết, có đơn vị sử dụng bài hát của mình, nhưng nhiều quá, mình lại bận nên cho qua vì không thể kiểm soát nổi... Do đó, nếu việc thu phí ở các cơ sở kinh doanh karaoke được thực hiện cũng là việc làm cần ủng hộ” - nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bộc bạch.
Xem thêm: >>> Cục NTBD gửi công văn hỏa tốc yêu cầu xử lý Nguyễn Thị Thành
Lạc Thành