NS Vũ Thành An: Tình đầu đau đớn, gieo sầu trách cứ trong tuyệt phẩm bi ca

NS Vũ Thành An: Tình đầu đau đớn, gieo sầu trách cứ trong tuyệt phẩm bi ca

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Thứ 7, 02/06/2018 09:03

Vũ Thành An là tác giả của những tình khúc mang nặng nỗi ưu tư, sầu muộn. Những đau thương, trách cứ, giận hờn cứ theo từng cung bậc dồn vào tâm khảm đến rã rời. Thế nên, ca khúc của ông luôn khiến người nghe thấu đến ám ảnh.

Anh nông dân mê âm nhạc

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Mặc dù xuất thân trong gia đình nông dân nhưng Vũ Thành An lại mang tâm hồn của một nghệ sĩ. Người đã gieo vào ông hạt giống nghệ thuật chính là bố. Bố của nhạc sĩ Vũ Thành An không phải nghệ sĩ nhưng lại rất yêu nghệ thuật. Ông biết làm thơ và đặc biệt rất mê âm nhạc. Giọng hát làm mê hoặc ông chính là của ca sĩ Thanh Thúy. Do vậy, khi Vũ Thành An chưa được 10 tuổi, bố đã mua cho ông cây đàn mandolin và bắt đầu từ đây, ông đến với âm nhạc.

Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn. Trong thời kỳ học sinh, Vũ Thành An theo học âm nhạc với nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên và Đức Huy. Ông tham gia hoạt động âm nhạc, nghệ thuật rất tích cực và thể hiện rõ những ưu điểm, khả năng sáng tác ca khúc.

Một trong những giai thoại người ta hay kể khi nhắc đến Vũ Thành An chính là dám gõ cửa nhà thần tượng để xin được gặp. Cũng như bố, Vũ Thành An rất mê tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Năm 1960, ca sĩ Thanh Thúy đã là giọng hát ăn khách tại các phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn thì Vũ Thành An chỉ là cậu học trò 17 tuổi. Thế mà cậu học trò ấy lại dám đến gõ cửa nhà Thanh Thúy chỉ để tặng những ca khúc đơn sơ của mình. Vậy mà Thanh Thúy cũng vui vẻ tiếp và nhận những bản thảo của ông cho dù bà chưa bao giờ hát. Dẫu vậy, Vũ Thành An rất quý đức tính khiêm nhường và sự bình dị của Thanh Thúy. Nổi tiếng nhưng không xa cách với mọi người. Sau này khi đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, Vũ Thành An có cơ hội làm việc với Thanh Thúy và đến nay, ông vẫn nhớ như in cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi được thần tượng cho đường vào cốc trà của mình.

NS Vũ Thành An: Tình đầu đau đớn, gieo sầu trách cứ trong tuyệt phẩm bi ca

Vũ Thành An giao lưu với khán giả trong một đêm nhạc.

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết nhạc từ rất sớm, ngay từ khi học lớp đệ tứ, tức lớp 9 ngày nay. Sáng tác đầu tay của ông bị người thầy là nhạc sĩ Chung Quân chê, nói chính xác là chê phần lời. Thế là nhạc sĩ của chúng ta chỉ sáng tác phần nhạc rồi để đó. Nhớ về kỷ niệm này, ông vẫn còn nói vui: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ rằng bước vào con đường âm nhạc sẽ luôn gặp khó khăn, gập ghềnh. Và đừng vội vàng vì những lời khen, chê mà tỏ ra nản chí”.

Sau một thời gian rèn giũa Vũ Thành An tự tin hơn và dần dần tự đặt lời cho những ca khúc của mình. Năm 1965, khi mới 22 tuổi, Vũ Thành An cho ra đời bài hát Tình khúc thứ nhất. Đây có thể nói là sáng tác đầu tiên của Vũ Thành An được công chúng biết đến và mở ra sự nghiệp sáng tác lừng lẫy của người nhạc sĩ gắn mình với các tuyệt phẩm bi ca.

Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1980, Vũ Thành An không còn sáng tác những bản nhạc não tình, bi thương nữa mà chuyển sang sáng tác Thánh ca. Ông lập lại gia đình lần hai và chính thức di cư sang Mỹ sinh sống vào năm 1991. Đối với nhiều người yêu mến âm nhạc của ông, đây là một sự đổi thay mang nhiều tiếc nuối. 

Nỗi đau tình làm nên những bài bi ca không tên

Vũ Thành An có nhiều bài hát không tên, sau mỗi bài hát là một câu chuyện, một bóng hình của thiếu nữ. Họ là những người đã đến rồi đi trong cuộc đời nhiều thăng trầm của ông. Những mối tình ấy để lại cho ông nỗi nhớ nhung, day dứt khôn nguôi... Những ca khúc ấy không có tên vì ông muốn giấu tên người tình, tất cả họ đều được ông gọi dịu dàng là Em.

Sau Tình khúc thứ nhất, Vũ Thành An lần lượt cho ra đời các tình khúc Bài không tên cuối cùng, Bài không tên số 2, Bài không tên số 6, Bài không tên số 8... tạo thành một chùm các ca khúc không tên với nỗi niềm đau đớn, khắc khoải, bộc lộ tâm trạng chán chường, ủ rũ của tác giả.

Khi ấy chàng trai sôi nổi, nhiệt tình và tràn đầy sức sống Vũ Thành An dành hết con tim cho một người con gái. Thế nhưng, khi cuộc tình ngọt ngào, lãng mạn đang đẹp như cổ tích thì bỗng chấm dứt. Nỗi đau tình đầu đã hút cạn nhựa sống, yêu thương của người nhạc sĩ, ông chìm đắm trong nỗi đau, sự rạn vỡ. Con tim yêu cuồng nhiệt trước đó giờ ôm nỗi đau quặn thắt và chính sự chia lìa thời tuổi trẻ sôi nổi đã khiến Vũ Thành An thăng hoa với bản nhạc tình Bài không tên cuối cùng. Ngay khi trình làng, ca khúc này đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là giới trí thức Sài Gòn ngày đó. Họ nghe nó ở bất cứ đâu.

NS Vũ Thành An: Tình đầu đau đớn, gieo sầu trách cứ trong tuyệt phẩm bi ca (Hình 2).

Vũ Thành An ít khi nói kể về bóng hồng phía sau các tình khúc. Ông chỉ gọi họ đơn giản là Em.

Sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi của tình khúc này đã khiến tên tuổi Vũ Thành An trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Chữ “cuối cùng” mà sau này Vũ Thành An giải thích “ở đây mang ý nghĩa đó là kỷ niệm cuối cùng với người con gái mà tôi đã thầm yêu” và nó cũng là mở đầu cho một loạt những bài ca không quên khác ra đời lần lượt sau đó.

Mặc dù là một nhạc sĩ tài năng, đẹp trai và nổi tiếng nhưng ông dường như lại chẳng may mắn trong đường tình duyên. Sau cuộc tình đầu nhiều cay đắng, con tim ông lại loạn nhịp vì một bóng hồng. Nhưng rồi, cuộc tình ấy cũng chẳng kéo dài được lâu, yêu thương lại một lần nữa vỡ vụn khiến chàng trai đa sầu, đa cảm lại một lần nữa đau vì tình. Lần thứ 2 nếm trải hương vị chia ly, Bài không tên số 2 lại ra đời đánh dấu “chữ ký âm nhạc” Vũ Thành An, người chuyên viết bi ca trong làng âm nhạc Sài Gòn thời đó.

Sau nỗi đau tình lần 2, Vũ Thành An cũng có những cuộc tình thoáng qua, nhưng tất cả đều đến rồi đi như một cơn gió. Năm 1969, Vũ Thành An quyết định chấm dứt đời độc thân, kết thúc những đoạn tình buồn của mình bằng cách lập gia đình và cho phát hành tuyển tập những bài không tên. Nhạc tình Vũ Thành An là sự kết hợp của âm điệu nhẹ nhàng, lả lướt với lời hát như quyện vào tâm hồn người nghe. Những đau thương, trách cứ, giận hờn theo từng cung bậc dồn vào tâm khảm đến rã rời. Những tình khúc ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn được công chúng yêu thương và đón nhận. Ngày nay, người ta vẫn coi Vũ Thành An là nhạc sĩ tạo nên những bi ca thành công nhất.                    

Trong dịp trở về Việt Nam để tổ chức đêm nhạc Vũ Thành An - Đời đá vàng, nhạc sĩ Vũ Thành An đã đến Huế và tại đây, cuộc tình thơ với người con gái Huế bỗng trỗi dậy khiến ông nhớ đến cồn cào. Năm 1969, ông được đạo diễn Hà Thúc Cần mời quay phim tại Huế, đoàn làm phim nghỉ tại khách sạn Hương Giang. Trong đoàn làm phim có nhiều tài tử nổi tiếng lúc bấy giờ và ông để ý đến một cô gái Huế với dáng vẻ mảnh mai, mái tóc dài mềm mướt. Nhạc sĩ kể, lúc đó trong đoàn cũng có một chàng say cô ấy đến mức mê mệt, theo đuổi ra mặt nhưng cô ấy nhất quyết từ chối. Một hôm Huế bị lụt, nước sông Hương lên cao, đoàn phim không thể quay được nên đạo diễn đã cho mọi người được nghỉ và tự do đi chơi. Nhân thế, Vũ Thành An đã "đánh bạo" hỏi mời cô gái Huế đi chơi với ông chiều hôm đó. Thật không ngờ cô nhận lời. Khi tìm mượn được chiếc xe Honda Dame, Vũ Thành An đã chở cô ấy đến Lăng Tự Đức, sau đó liều nói cô ấy chở… mình. Đó là một buổi chiều đẹp mang đến cho ông những kỷ niệm không thể quên. Thế nhưng, đó chỉ là cuộc tình ngắn thoáng qua vì sau khi bộ phim đóng máy mỗi người trở về với cuộc sống riêng và không còn gặp nhau từ dạo ấy. Trong cuốn sách Chuyện tình không tên, nhạc sĩ Vũ Thành An nhớ lại và viết: “Xin cảm ơn. Em đã cho anh một buổi chiều đẹp để rồi trở nên một kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời quý giá này. Xin chúc em và gia đình được nhiều phước lành”. Kỷ niệm đẹp ấy cũng được ông ghi lại trong tình khúc Bài không tên số 13 - Tình xưa gái Huế: "Một bóng dáng mảnh mai/Một mái tóc mềm mướt dài/Thướt tha buông chảy/ Gió chiều thoảng ngất ngây…”.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.