Thông tin về bệnh tình của NSND Anh Tú rộ lên hồi đầu tháng 10/2018, nghệ sĩ bị biến chứng từ căn bệnh tiểu đường, phải truyền máu. Trước đó, nam nghệ sĩ chưa từng tiết lộ về bệnh tình của mình.
Bệnh đái tháo đường - “kẻ giết người” thầm lặng
Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), hiện toàn thế giới có trên 415 triệu người bị tiểu đường (đái tháo đường), con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.
Theo đó cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người bị đái tháo đường và mỗi năm có hơn 5 triệu người tử vong, tương đương cứ 6 giây có 1 người chết vì căn bệnh này. Gánh nặng bệnh tật của đái tháo đường cao gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Trong 10 năm, tỷ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%.
Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến tiểu đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường, bệnh viện Nội tiết trung ương thì đái tháo đường được coi là “kẻ giết người” thầm lặng bởi đây là căn bệnh có thể không gây ra những cái chết nhanh chóng như các bệnh cấp tính khác nhưng lại âm thầm tiến triển và cuối cùng dẫn tới tử vong. Bệnh gây ra những biến chứng nặng nề như: Mù lòa, cắt cụt chi, suy thận… Đặc biệt, đái tháo đường làm tăng biến chứng bệnh tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần so với người không mắc bệnh và nhìn chung những người này sẽ có tuổi thọ giảm đi 6-10 năm so với người không mắc.
Người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa
Theo báo Hà Nội mới, tại Việt Nam, nếu trước đây (20 - 30 năm) người dân thường vận động thể lực nhiều, đi lại bằng xe đạp, đi bộ… thì giờ đây trong môi trường hiện đại, con người dần dần hình thành thói quen lười vận động, chủ yếu di chuyển bằng ô tô, xe máy, thang máy. Chính lối sống lười vận động, ăn uống mất kiểm soát là nguyên nhân chính gây nên tình trạng gia tăng người mắc đái tháo đường tuýp 2.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Toàn, trước đây, bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở người 40 - 45 tuổi thì nay các bác sĩ đã phát hiện bệnh này ở lứa tuổi học sinh, thậm chí người bệnh dưới 13 tuổi khá phổ biến. Bên cạnh đó, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hằng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, chơi điện thoại, máy tính…
Vậy làm thế nào để hạn chế căn bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)?
Khống chế trọng lượng
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, trọng lượng là vấn đề rất cần được quan tâm đối với bệnh nhân mắc ĐTĐ, đặc biệt ĐTĐ týp 2.
Béo phì đồng nghĩa với dư thừa chất béo trong cơ thể. Vừa béo phì vừa mắc ĐTĐ týp 2 là điều kiện thuận lợi cho hàm lượng insulin tăng trong máu. Các chuyên gia khuyên bạn nên bằng cách này hay cách khác phải “tiêu bớt” chất béo dư thừa trong cơ thể để cải thiện tình hình.
Bỏ thuốc lá
Nếu bạn là “đệ tử” của thuốc lá, việc điều trị bệnh sẽ gặp bất lợi. Người có tiền sử mắc bệnh ĐTĐ thường bị tắc mạch ngoại vi, nhất là ở các chi. Hút thuốc lá càng làm mạch chi bị tắc nhiều hơn, trong trường hợp xấu, đôi khi phải dùng đến thủ thuật cắt cụt chân.
Không chỉ dừng lại ở đó, hút thuốc lá còn có thể khiến đàn ông “bất lực”. Khi hút thuốc, hàm lượng LDL cholesterol (cholesterol xấu) tăng, kéo theo khả năng mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ cũng tăng.
Ăn ít chất béo
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chế độ ăn uống khoa học là vấn đề then chốt khống chế bệnh ĐTĐ. Một chế độ ăn lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm ít chất béo và calo, ăn nhiều rau xanh, trái cây, nếu ăn thịt chỉ nên ăn thịt nạc.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh ĐTĐ, bởi nó có thể hạ thấp tỷ lệ đường trong máu. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng trong việc phòng chống bệnh tim mạch.
Bổ sung thêm ngũ cốc
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn ngũ cốc như là một thành phần chủ đạo trong bữa ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn bổ sung bánh mì hay các loại bánh được chế biến từ bột mì cũng đem lại tác dụng như ý.
Hạn chế đường, chất béo và cácbon-hydrat
Cơ thể chúng ta có khả năng hòa tan nhiều loại thức ăn khác nhau theo những tỷ lệ khác nhau: mất từ 5 phút – 3 giờ để tiêu hóa cacbon – hydrat (có nhiều trong khoai tây), 3 – 6 giờ để tiêu hóa protein và phải mất 8 giờ hoặc hơn để “tiêu thụ” hết. Đó là lý do tại sao các loại thức ăn khác nhau có những ảnh hưởng khác nhau tới hàm lượng đường trong máu (ví dụ ăn kem sẽ làm tăng hàm lượng đường trong máu nhanh hơn so với ăn khoai tây). Tuy nhiên, bệnh nhân ĐTĐ không nhất thiết phải kiêng vĩnh viễn đồ ngọt. Có điều bạn nên hạn chế và ăn có điều độ.
Luyện tập thể dục, thể thao
Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì. Thêm vào đó, việc luyện tập còn đem lại hiệu quả trong việc hạ thấp lượng đường và insulin trong máu. Mỗi ngày bạn nên luyện tập khoảng 30 phút. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, bơi lội hay ngay cả khi thay việc đi thang máy bằng việc leo cầu thang bộ cũng đem lại hữu ích.
Phong Linh (tổng hợp)