Nhiều khán giả tâm sự, thiếu Táo quân thì Tết nhạt lắm...
Gặp NSND Công Lý tại nhà hát Kịch Hà Nội khi anh đang gấp rút cùng các đồng nghiệp của mình tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát và các vở diễn phục vụ khán giả nhân dịp cuối năm. Khi được hỏi về chương trình Táo quân, giọng anh chùng xuống. Anh tâm sự với PV báo ĐS&PL: “16 năm qua, chương trình Táo quân như là một phần thanh xuân của chúng tôi. Năm nào cũng thế, cứ gần cuối năm là các nghệ sĩ lại nhận được lời triệu tập của lãnh đạo trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) để tập kịch bản. 16 năm là những kỷ niệm không bao giờ tôi quên được, các nghệ sĩ như là gia đình của nhau, hiểu nhau từng tính cách, chúng tôi có thể tập không cần kịch bản cũng bắt được “cái thần” của nhau”.
Kể về những ngày đầu làm chương trình Táo quân, NSND Công Lý cho biết, chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm được trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam thuộc đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bắt đầu từ năm 2003. Những năm phát sóng, chương trình Gặp nhau cuối năm tập trung vào phản ánh, đả kích những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm... vừa xảy ra trong năm, thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội như: Kinh tế, văn hóa, giao thông, điện lực, y tế, thể thao... một cách hài hước, dí dỏm.
Cách thể hiện kết hợp tấu nói, hài kịch xen lẫn với các điệu dân ca cải lương, chèo và nhiều bài nhạc chế đã được đông đảo khán giả yêu thích. Nhiều gia đình luôn mong chờ đến tối Giao thừa để cả nhà ngồi quây quần bên tivi đón xem Táo quân – Gặp nhau cuối năm.
Nói về vai diễn Bắc Đẩu của mình, NSND Công Lý cho hay: “Vào vai cô Đẩu, tôi cũng gặp nhiều áp lực, bởi làm thế nào năm sau diễn phải hay hơn, hấp dẫn hơn năm trước. Tôi đã nhiều lần đề nghị đạo diễn Đỗ Thanh Hải về việc không đảm nhận vai Bắc Đẩu bởi vì... quá mệt nhưng đều không được. Đỗ Thanh Hải bảo, tôi cứ đóng Bắc Đẩu đi, cậu ấy không cần cái õng ẹo của tôi mà cần cái tinh thần của Công Lý.
Không phải tôi kiêu nên mới bảo Hải thế mà tôi sợ khán giả thấy mình nhiều nên chán... Năm nào, gần Tết khán giả gặp cũng nói thiếu Táo quân thì Tết nhạt lắm. Đó là động lực cho chúng tôi làm nghề”. “Cô Đẩu” cũng chia sẻ về kịch bản của chương trình: “16 năm làm Táo quân là từng ấy năm chúng tôi có những kịch bản khác nhau. Riêng kịch bản của Gặp nhau cuối năm là rất cụ thể và chi tiết, vì chúng tôi được luyện tập và duyệt kịch bản rất nhiều lần. Kịch bản của Táo quân gồm nhiều nhóm biên kịch viết ghi lại đời sống xã hội của một năm qua, và đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người xâu chuỗi các kịch bản ấy thành một chuỗi tình huống liên kết với nhau.
Trên cơ sở đấy, chúng tôi tập luyện sao cho thuần thục, đúng với kịch bản đã được duyệt để có sự tung hứng ăn ý nhất. Hơn nữa, diễn viên cũng phải xem những câu thoại nào phù hợp với kịch bản Táo quân để “ăn khớp” với những tình huống cụ thể. Bản thân tôi hay để ý xem trong năm đó có những câu nói nào hay, nếu thích hợp thì sẽ cho vào. Chúng tôi dùng trong khi diễn để lời thoại cũng trở nên hấp dẫn hơn, có những câu nói không “đao to búa lớn” nhưng lại tạo được hiệu ứng dây chuyền khiến nhiều người cười nghiêng ngả... Sau 16 năm đóng vai Bắc Đẩu, tôi thấy mình may mắn khi ghi được dấu ấn trong lòng khán giả như vậy”.
Ấp ủ chương trình mới có phải là chiêu trò?
Vào tháng 9/2019, NSND Công Lý và dàn nghệ sĩ Táo quân đã có chuyến lưu diễn ở châu Âu với chương trình Táo quân vi hành. Chia sẻ về điều này, Công Lý cho hay: “Khi tập Táo quân vi hành châu Âu chúng tôi cũng có nghe phong thanh chuyện năm nay không có Táo quân chiếu vào tối 30 Tết nữa, nhưng việc này chưa có quyết định cuối cùng. Khi đó, các nghệ sĩ vẫn cố gắng để tập kịch bản tốt nhất thôi. Bên Séc, khán giả cũng thích chương trình này lắm. Ngay khi xuống sân bay, nghệ sĩ được nhiều Việt kiều đón và trò chuyện, họ xem chúng tôi như người thân của mình”.
Khi được hỏi: VFC dừng chương trình Táo quân, nhưng lại úp mở sẽ có một chương trình thay thế, đó có phải là chiêu trò để hút khán giả không? NSND Công Lý cho hay: “Tôi nghĩ rằng, lượng rating xem một chương trình chính là thương hiệu của chương trình đó. Một đơn vị như VFC, có kinh nghiệm và tên tuổi như vậy thì sản xuất chương trình nào, họ sẽ tự tin vào chương trình mình làm. Chương trình này dừng lại, thì sẽ có một chương trình khác thế chỗ là chuyện bình thường. Tôi hy vọng, chương trình mới sẽ làm hài lòng khán giả. Nhiều người còn bảo, giờ phát Táo quân là giờ vàng, VTV sẽ thu hút nhiều quảng cáo nên dễ gì họ bỏ chương trình đó? Nhưng thực tế, sau 16 năm, chúng tôi không diễn Táo quân nữa. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, không yêu thì khán giả đừng nói lời cay đắng”. Hỏi về kỷ niệm nhớ nhất trong 16 năm làm Táo quân, NSND Công Lý cho hay, đó chính là việc hoá trang thành nhân vật cô Đẩu.
“Năm nào cũng thế, việc hóa trang cho “cô Đẩu” thường mất thời gian hơn bởi phải trang điểm, đội tóc giả, rồi lựa chọn quần áo lên sân khấu. Làm thế nào thì làm, nhưng Đẩu năm nay phải xinh hơn, duyên dáng hơn các năm khác thì tôi mới hài lòng. Thường thì Táo quân được ghi hình nhiều đêm diễn, để chọn những khung hình đẹp nhất phát sóng. Đêm cuối cùng, khi bỏ bộ tóc giả ra, tôi thấy nhẹ nhõm kinh khủng và vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ... Các diễn viên bảo nhau rằng, mỗi người nên cố gắng một chút thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn, mỗi diễn viên phải làm đến 300% sức lực để có những khuôn hình đẹp nhất phục vụ khán giả trực tiếp ở trường quay và trên truyền hình. Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn thanh xuân với những cống hiến không ngừng nghỉ của dàn nghệ sĩ Táo quân”.
“Mỗi năm, khi kết thúc chương trình, tôi đều nghe ngóng xem phản ứng của khán giả về chương trình thế nào. Có những năm chương trình bị chê, mà chê một cách thậm tệ, chúng tôi cũng buồn lắm. Họ bảo chương trình nhạt, kéo dài làm gì để bị chửi. Thế nên dù có tiếc nuối thì chương trình dừng lại cũng hợp lý. Ở nước ngoài, các chương trình thu hút khán giả, cũng chỉ có tuổi thọ 10 năm là nhiều...” – NSND Công Lý cho biết.
Tôi không xây dựng Bắc Đẩu thành con gái hay nhân vật bị “bóng” NSND Công Lý chia sẻ thêm: “Ở những số đầu tiên, nhân vật “cô Đẩu” tôi đóng ăn mặc bình thường, không có trang điểm diêm dúa gì cả, chỉ là lời nói điệu đà hơn thôi, nhưng sau đó, nhân vật đã đẹp hơn từng năm và độ đanh đá, chua ngoa cũng tăng theo. Ban đầu, đạo diễn Khải Hưng muốn xây dựng hai nhân vật Nam Tào và Bắc Đẩu trái ngược nhau là một người mạnh mẽ, một người “mong manh dễ vỡ” nên tôi và Xuân Bắc chia nhân vật ra. Từ đó, sự õng ẹo, điệu đà như là thương hiệu của “cô Đẩu” nhưng không xây dựng Bắc Đẩu thành con gái hay nhân vật bị “bóng” mà “cô Đẩu” này chỉ có tính cách ngoa ngoắt, ghê gớm mà thôi...”.
Lạc Thành