30 năm một thử thách
Hiện tại, NSND Đặng Thái Sơn đang làm giảng viên tại khoa âm nhạc trường đại học Montreal- Canada. Ông tâm sự, trước đây vì công việc biểu diễn và giảng dạy nhiều, ông ít có cơ hội về Việt Nam nhưng giờ thì về nhiều như... "đi chợ". Mỗi năm, ông về nước ít nhất bốn năm lần nên không còn sự bỡ ngỡ mỗi lần đặt chân xuống sân bay như trước kia. Gia đình và những người thân của ông hiện chủ yếu vẫn sống ở Việt Nam nên trái tim Đặng Thái Sơn tuy ở xa nhưng vẫn hướng về quê hương.
Ông là con của nhà thơ Đặng Đình Hưng và nữ nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên, một trong những nữ nghệ sĩ dương cầm đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp khoa Dương cầm tại nhạc viện Prague- Tiệp Khắc. Từ nhỏ, Đặng đã được làm bạn với cây đàn piano dưới sự dìu dắt của mẹ. Với cậu bé 4 tuổi, cây đàn với những giai điệu mượt mà qua đôi bàn tay của mẹ có thể mở ra những thế giới rộng lớn rất nhiều so với những gì xung quanh mà mắt và tai có thể nghe, nhìn. Năm ông 12 tuổi, người mẹ trở về từ cuộc thi Chopin (Warszawa- Ba Lan) đã mang theo những đĩa nhạc Chopin. Những bản polonaise, prelude, những vũ điệu nhạc marzuka,... của nhạc sĩ thiên tài này đã làm tâm hồn nhạy cảm của Đặng Thái Sơn ngây ngất.
Riêng với người cha, nhà thơ Đặng Đình Hưng lại có vai trò định hướng nghệ thuật cho cậu con trai, đặc biệt là về thẩm mỹ về nhân sinh quan. Để hiểu thêm về Đặng, tôi đã lục tìm những dòng thơ hiếm hoi được công bố của cha ông, đăng trên báo chí vào khoảng thời gian trước khi ông qua đời. Trong mỗi câu thơ là những dòng cảm xúc ngổn ngang, trái chiều, càng đọc càng hun hút sâu, lại có những khoảng lấp lửng, hàm súc và trí tuệ. Đặng Thái Sơn không giống cha nhiều, nếu như ở người cha là sự khắc khoải, đau đớn trước cuộc đời thì ở Đặng người ta lại tìm thấy sự bình yên và "lành". Có lẽ điều giống nhất ở hai cha con ông là sự mãnh liệt khi dồn hết tâm sức vào nghệ thuật. Xem Đặng Thái Sơn chơi đàn trong một không gian chật hẹp của một phòng tập và so sánh khi ông biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn dường như không có sự khác biệt nhiều. Dường như trước cây đàn, ông đã quên hết mọi sự xung quanh và chỉ còn âm nhạc.
Tuy lớn lên trong môi trường âm nhạc nhưng trong thời gian chiến tranh, ông cũng chưa thực sự được đào tạo chuyên môn một cách bài bản và chuyên nghiệp. Thời gian của ông bị gián đoạn nhiều, mãi đến năm 1974, giáo sư âm nhạc người Nga Isaac Katz trong 6 tháng phụ trách bộ môn âm nhạc cổ điển Tây phương tại nhạc viện Hà Nội đã phát hiện ra Đặng Thái Sơn. Chính người thầy này đã góp tiếng nói, đề nghị Nhà nước cho ông được sang Nga đào tạo tại nhạc viện Tchaikovky (Nga).
Môi trường âm nhạc giúp Đặng được phát triển hết khả năng của mình. Ông tự nhận mình may mắn khi gặp được những người thầy không chỉ giỏi mà thực sự tâm huyết. Lần về Việt Nam này, ông mang theo một món quà như một sự tri ân đối với một trong những người thầy của mình: Chương trình độc tấu các nhạc phẩm của Beethoven dành cho piano. Đây là chương trình nằm trong chuỗi dự án Beethoven marathon đã được thực hiện lần thứ nhất tại Brazil và lần thứ hai tại Nhật.
Những năm tháng ngồi trên giảng đường học viện Tchaikovky, dưới sự dẫn dắt của thầy Vladimir Natanson đã bồi đắp cho ông một tình yêu với người nhạc sĩ nhiều đau khổ Beethoven. Nhưng Beethoven thực sự là một thử thách lớn đối với tất cả những nhạc công trên thế giới. Phải là những người từng trải, thực sự hiểu những nỗi đau đớn cùng cực mới hiểu được sự ngồn ngộn xúc cảm trong những nhạc phẩm của Beethoven. Hơn thế nữa, thầy Natanson với thân phận của một người Do Thái sống trong xã hội Nga còn ít nhiều kì thị đã tìm thấy sự đồng cảm ở nguời nhạc sĩ này. Sự nơm nớp lo sợ, chênh vênh đứng giữa những mối lo âu về sự sống và cái chết, trốn chạy,... tất cả những cảm xúc ấy đều tìm thấy trong những nhạc phẩm của Beethoven. Thầy Natanson là người cuối cùng, sau gia đình đã vun đắp cho Đặng Thái Sơn một hoài bão: Sẽ có một ngày nào đó Đặng chinh phục được đỉnh cao những nhạc phẩm của Beethoven.
Ấp ủ đó, sau hơn 30 năm trời, khi đã trở thành một nghệ sĩ danh tiếng trên thế giới, Đặng Thái Sơn mới quyết định làm một cuộc mạo hiểm. Ông tâm sự: "Không phải chỉ là một món quà dành cho thầy mà còn là một sự thử thách cho chính bản thân tôi. Một món quà cho gia đình, người thân và cũng là một cơ hội cho những nhạc công Việt có cơ hội nâng cao tay đàn của mình khi đối diện với đỉnh cao Beethoven".
NSND Đặng Thái Sơn- "kẻ mang chuông đi đánh xứ mình".
Đem chuông đi đánh xứ... mình
Sau 30 năm kể từ khi nhận được giải thưởng đứng đầu trong cuộc thi danh giá ở Ba Lan, Đặng Thái Sơn đã trở về với thử thách lớn nhất cuộc đời mình. Hỏi ông tại sao không thực hiện đầu tiên ở Việt Nam mà lại là Brazil và Nhật, ông chỉ cười: "Thông thường người ta sẽ đem chuông đi đánh xứ người nhưng về phía tôi, tôi không muốn có bất kì sự rủi ro nào trong khi biểu diễn tại quê hương. Nếu có, sẽ là ở nơi khác. Sau hai lần thử nghiệm ở nước ngoài, những rủi ro đã bị loại bỏ, tôi tin rằng tôi có thể biểu diễn tốt ở Việt Nam, thành thử mới làm một cuộc marathon ngược: Đem chuông đi đánh xứ... mình như vậy".
Là một solist, phải đảm nhận cùng lúc 5 bản concerto đồng nghĩa với sự căng thẳng và áp lực gấp 5 lần. Thông thường trong một buổi biểu diễn, nghệ sĩ chỉ phải chơi một bản concerto cùng với dàn nhạc. Đó chính là lý do vì sao hơn 30 năm sau khi đã được thế giới khẳng định, Đặng Thái Sơn mới thực hiện được ước mơ của người thầy.
Chia sẻ với PV, Đặng Thái Sơn chỉ cười khi tôi hỏi về dự định thành lập một ngôi trường đào tạo âm nhạc ở Việt Nam. Với ông, dự định thì rất nhiều nhưng những cái nằm trong tầm tay mình thì nên thực hiện trước. Ông ấp ủ dự định thành lập trường từ lâu nhưng cái khó nhất là kinh phí và việc quản lý cho dù có nhiều người, nhiều tổ chức đánh tiếng ngỏ ý muốn giúp đỡ nhưng dự định vẫn chỉ dừng lại ở ước mơ. Hiện tại, với ông hành động thiết thực hơn lúc này là nỗ lực để giúp đỡ những tài năng âm nhạc Việt.
Người ta biết nhiều tới Đặng Thái Sơn và cũng gắn tên tuổi của ông với những nhạc phẩm mang màu sắc lãng mạn của Chopin. Khi mới 26 tuổi, Đặng Thái Sơn đã giành giải nhất trong cuộc thi piano Quốc tế Chopin lần thứ 10, là nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất của Á Đông giành được giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, với những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp âm nhạc của mình, NSND Đặng Thái Sơn vẫn đặt ra cho mình những "đỉnh núi" để đòi hỏi bản thân phải bước qua, ông cho biết: "Lúc đầu, ở lứa tuổi hai mươi, ba mươi thì tôi chơi Chopin nhiều, sau đó thì đến Beethoven. Trong tương lai sẽ chinh phục "đỉnh mới", ông tổ của âm nhạc- Bach. Hồi xưa ở nhà, tôi sợ đánh Bach như tất cả những đứa trẻ khác vì cảm thấy rất khô. Nhưng khi lớn lên, thấy Bach mới là người lãng mạn, hiện đại nhất đời".
NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ: "Tôi thích đối mặt với những thử thách bởi khi đứng trước những thử thách, người ta đồng thời phải chấp nhận những khả năng may rủi có thể dẫn đến. Phải vượt qua được những thử thách đó thì người ta mới "lớn" lên được, không phải chỉ trong âm nhạc mà trong chính cả cuộc đời".
Đỗ Huệ