Cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam
NSND Hải Ninh tên thật là Nguyên Hải Ninh; ông sinh ngày 31/12/1931 ở Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam. Đến với điện ảnh từ năm 1956, ông theo học lớp quay phim đầu tiên do Cục Điện ảnh đào tạo và cũng là một trong những người học lớp đạo diễn đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam.
Giới phê bình và người hâm mộ đều coi ông là cây đại thụ của nền điện ảnh cách mạng, một trong những đạo diễn đầu tiên đã đưa điện ảnh Việt Nam tiếp cận thế giới. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi bộ phim đầu tiên của ông ra mắt công chúng nhưng hình tượng nhân vật mà ông xây dựng vẫn luôn sống mãi trong lòng khán giả.
Cố đạo diễn, NSND Hải Ninh
Nhắc tới NSND Hải Ninh, không ai không nhớ tới những bộ phim xuất sắc do ông làm đạo diễn như: “Người chiến sỹ trẻ”, “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”, “Thành phố lúc rạng đông”…Gia tài tác phẩm của NSND Hải Ninh không nhiều nhưng đều là những tác phẩm xuất sắc. Trong số 3 phim tài liệu, 12 phim truyện của ông thì có 8 phim giành được giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Phim “Người chiến sĩ trẻ” giành Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 1; Bằng khen của Hội Điện ảnh và của Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô tại LHP quốc tế Mátxcơva (năm 1965).
Phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” đoạt Bông sen bạc LHPVN lần thứ 2; giải thưởng Hòa bình thế giới tại LHP quốc tế Mátxcơva 1973. “Em bé Hà Nội”, đoạt giải Bông sen vàng LHPVN lần 2 - 1973 và giải đặc biệt của LHP quốc tế Mátxcơva 1975; “Thành phố lúc rạng đông”, đoạt Giải thưởng Lớn (Grand Prix) của Đức… Năm 2007, đạo diễn Hải Ninh được trao phần thưởng cao quý Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Người chiến sĩ trẻ”, “Mối tình đầu”, “Thành phố lúc rạng đông”. Ông được trao tặng danh hiệu NSND năm 1984.
Đạo diễn, NSND Hải Ninh là người làm nhiều thể loại phim; ông dàn dựng cả phim truyện và phim tài liệu. Ở thể loại nào ông cũng thành công và nhận được giải thưởng. Những tác phẩm điện ảnh của NSND Hải Ninh luôn thấm đẫm chất sử thi, nhất là trong những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. Thông qua những tác phẩm điện ảnh vừa có giá trị lịch sử, nghệ thuật, có sức lan tỏa mạnh mẽ, ông đã thực hiện được tâm nguyện: xây dựng những tác phẩm điện ảnh xứng tầm thể hiện cuộc chiến đấu của dân tộc ta, nhân dân ta chống kẻ thù xâm lược. Với đề tài chống Pháp ông có “Một ngày đầu thu”, “Người chiến sỹ trẻ”; đề tài chống Mỹ có “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”...
Bên cạnh những bộ phim cách mạnh lừng danh nhất của điện ảnh Việt Nam, đạo diễn, NSND Hải Ninh cũng rất thành công với những bộ phim tâm lý xã hội khi đi sâu vào khai thác các vấn đề bức xúc của xã hội thời kỳ hậu chiến, góp phần định hướng tư tưởng cho thanh niên thời đại mới. Trong phim “Mối tình đầu”, ông đề cập tới tình yêu nam nữ, một đề tài nhạy cảm vào thời đó với phong cách táo bạo. Phim “Bãi biển đời người” sau đó cũng tạo được tiếng vang khi khai thác chiều sâu tâm lý, đi trước phát hiện những tín hiệu đổi mới đầu tiên. Ông cũng được coi là người đi tiên phong trong việc làm phim cổ trang cho điện ảnh Việt Nam thông qua hai tác phẩm “Đêm hội Long Trì” và “Kiếp phù du” trong điều kiện công việc chuẩn bị cho 2 phim này cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, nhất là phần nghiên cứu phục trang, tái hiện lịch sử, trường quay...
Chiến sỹ trên mặt trận văn hóa
Lúc sinh thời, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin, NSND Hải Ninh luôn khẳng định: quần chúng là cảm hứng, là vốn sống thực tế cho mỗi tác phẩm của ông, là khán giả trách nhiệm nhất. Chính tình cảm yêu mến của quần chúng, của nhân dân mỗi khi đón nhận tác phẩm điện ảnh đã tạo động lực cho ông tiếp tục sáng tạo hết mình cho điện ảnh.
Thời kỳ đất nước ta đang trong khói lửa chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng NSND Hải Ninh và đồng nghiệp đã làm được những bộ phim thực sự hấp dẫn, mãi mãi để lại ấn tượng trong lòng các thế hệ người Việt Nam yêu điện ảnh. Ông chia sẻ: Trong khó khăn, thiếu thốn, những người nghệ sỹ như ông khi đó chỉ có một mục đích duy nhất đó là tập trung làm phim để góp phần vào cuộc đấu tranh của toàn dân tộc. Người nghệ sỹ cũng chính là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa; không ai đòi hỏi lợi ích riêng cho bản thân; lao động của người nghệ sỹ thực sự rất cực nhọc.
Đạo diễn, NSND Hải Ninh chính là người có công đầu phát hiện, đưa đến cho điện ảnh nước nhà và công chúng những gương mặt diễn viên sáng giá như Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Lan Hương, Hoàng Cúc…Họ đã có những vai diễn để đời trong các bộ phim của ông; tên tuổi họ đã gắn liền với những hình tượng nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh của NSND Hải Ninh; vai diễn của họ hòa chung dòng chảy lịch sử của vận mệnh đất nước. Với những bộ phim thuộc những thể loại khác nhau, đạo diễn Hải Ninh đã “dấn thân” vào thực tế, va chạm, cọ xát để thêm chất liệu xây dựng nhân vật và có vốn sống để chỉ đạo diễn viên. Kịch bản phim "Vỹ tuyến 17 ngày và đêm", NSND Hải Ninh cùng Hoàng Tích Chỉ mất 5 năm để viết, 2 năm để dựng; đây cũng là kịch bản phim nhựa hai tập đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. NSND Trà Giang khi đó đã nhiều lần gặp cô Thảo (nguyên mẫu ngoài đời) và khóc cùng những bất hạnh của cô. Riêng phần quay phim cũng phải thực hiện trong nhiều năm mới hoàn thành, trong đó có cả những cảnh quay ở tuyến lửa... Bộ phim đã góp phần đưa tên tuổi NSND Hải Ninh cùng các nghệ sĩ Trà Giang, Lâm Tới, Hồ Thái đến với đông đảo bạn bè quốc tế, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng trong và ngoài nước.
Hình ảnh Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm |
Trong những ngày làm phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" cũng là lúc máy bay Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội ác liệt trong 12 ngày đêm. Hà Nội trở thành một mặt trận khốc liệt và ý tưởng làm phim về em bé Hà Nội đã ra đời trong hoàn cảnh đó. "Em bé Hà Nội" gắn liền với tên tuổi của NSND Lan Hương, khi đóng phim này, Lan Hương mới 12 tuổi, đến bây giờ đã là NSND, đã lên chức bà ngoại song chị vẫn được người yêu điện ảnh gọi bằng cái tên trìu mến “Em bé Hà Nội”...
> Đọc thêm: Sự thật mối tình giữa NSND Trà Giang và đạo diễn Hải Ninh