NSND Hoàng Cúc: Tôi sợ nhất những người ngoan, hiền và rỗng tuếch

NSND Hoàng Cúc: Tôi sợ nhất những người ngoan, hiền và rỗng tuếch

Thứ 6, 05/04/2013 11:54

"Tôi thấy sợ nhất những người chỉ có ngoan với hiền, hai từ đó rỗng tuếch, chẳng nói lên được điều gì cả. Với tôi, các vai diễn giằng xé, phức tạp dễ diễn hơn là những "típ" nhân vật một màu...", NSND Hoàng Cúc chia sẻ.

"Tôi đã cống hiến cho nghệ thuật từ năm 17 tuổi cho đến bây giờ, gần 40 năm, có lẽ đã là quá đủ trong cuộc hành trình của một đời người. Biết rằng người làm nghệ thuật không có tuổi, còn minh mẫn là còn sáng tạo, nghệ thuật cũng không có đỉnh cao, nó là bất tận, là tận hiến, nhưng với một người nghệ sĩ như tôi, thế là đủ", nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc chia sẻ.

Nhân vật - NSND Hoàng Cúc: Tôi sợ nhất những người ngoan, hiền và rỗng tuếch

NSND Hoàng Cúc trong Tướng về hưu

 

Luôn biết cách lấy nước mắt, nụ cười khán giả

Khai thác đa chiều là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người nghệ sĩ, chính điều đó đã đưa đến cơ hội cho các nghệ sĩ được bơi, được vùng vẫy sáng tạo, mặc dù đôi khi làm cho các nghệ sĩ nếu không có tay nghề vững sẽ lúng túng, và với Hoàng Cúc dường như chưa bao giờ cái cảm giác lúng túng làm khó được chị. Vì khi hóa thân vào nhiều dạng vai, chị cảm nhận được thế giới xung quanh, thế giới của văn học, của tiểu thuyết, của những nhân vật mình khai thác, mình cảm nhận, để nắm bắt, chắt lọc cho nó trở thành sự sáng tạo của riêng mình. Đó không chỉ là tài năng mà còn là cái duyên trời cho nơi chị mà không phải ai cũng có được.

Có lúc là Hoàng Cúc với những vai diễn ngây thơ, trong sáng, đức hạnh, mặn mà, có khi lại là một bà già 70, 80 tuổi có những đứa con hy sinh hết cho Tổ quốc trên sân khấu kịch, vẫn chỉ là khuôn mặt ấy, con người ấy thôi, nhưng trong mỗi vở diễn người ta lại thấy một Hoàng Cúc rất mới, rất khác, như trong Tướng về hưu là một người con dâu sòng phẳng và thức thời đến tàn nhẫn và đáng sợ. Chị vui vẻ chia sẻ: "Tôi vào vai nhân vật 35 tuổi khi 17 tuổi và khi 19 tuổi tôi đã vào vai nhân vật 60 tuổi. Có lẽ bộ phận hóa trang đã làm rất tốt, ăn mặc già nua đi một chút, thêm nhiều nếp nhăn một chút, bôi dầu hóa trang của Liên Xô đen vào răng, mỗi lần nói lại nuốt đi một tí là thành bà lão rồi. Ở Nhà hát kịch Hà Nội, anh em đùa vui gọi tôi là "chuyên gia các bà mẹ", vì tôi hay vào vai mẹ, có bà mẹ 70 tuổi, có bà 50 tuổi".

Còn nhớ, thời kỳ chị còn là một trong những bà hoàng của sân khấu và điện ảnh, chị đủ thông minh để biết gẩy đúng tâm lý nhân vật, đưa nhân vật hòa vào đời sống muôn điệu thường ngày, cũng chính vì thế, trên màn ảnh đã có một Hoàng Cúc sắc sảo, chua chát, đáng sợ mà không bị lên gân, cường điệu. Và cho dù trong hoàn cảnh nào, chị cũng luôn biết cách lấy nước mắt, nụ cười lẫn cả sự căm thù trong lòng khán giả.

Nhân vật - NSND Hoàng Cúc: Tôi sợ nhất những người ngoan, hiền và rỗng tuếch (Hình 2).

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc

“Đừng nghĩ tôi cô đơn”

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc chia sẻ: "Ngày xưa, tôi luôn sống trong cảm giác mình không thể làm được gì khác ngoài nghề, nhưng giờ, khi đến với thiền tôi đã tĩnh tâm lại, tôi đã có thể xem nhiều bộ phim với cảm quan của một khán giả, của một nghệ sĩ chứ không phải của người làm nghề. Và tôi thấy lòng mình thảnh thơi”. Lắng nghe tâm sự của chị chúng tôi đã nhận ra, sau gần bốn mươi năm công hiến cho nghệ thuật, phiêu lưu với nghệ thuật với biết bao lần ra đi giờ đến lúc chị dừng lại và ngơi nghỉ, chị đã tìm được bến đỗ bình yên và thanh thản, sự trở về với gia đình, với Thiền và sống cuộc sống của một người bình thường như bao người khác nơi đằng sau ánh đèn sân khấu.

Với chị giờ đây cuộc sống gia đình là trên hết, chị có một gia đình bé nhỏ, một cậu con trai đã lấy vợ và sinh con đầu lòng, mong muốn của chị lúc này là dành tất cả thời gian và tình yêu thương cho gia đình mình, đặc biệt là cô cháu gái nhỏ bé của mình. Mong muốn rất mực đời thường và dung dị như bao người phụ nữ khác, sau những hành trình dài và mệt nhọc giờ là lúc chị sống cho mình, cho tình yêu của đời mình, cho ước ao cá nhân mình cho trọn vẹn đời người.

Nhân vật - NSND Hoàng Cúc: Tôi sợ nhất những người ngoan, hiền và rỗng tuếch (Hình 3).

Xa ánh đèn sân khấu, xa những vai diễn nhưng trong chị vẫn còn nguyên những vui buồn nghề diễn. Lắng nghe những điều này người ta mới thấy hết được cái tâm của người nghệ sĩ, đằng sau những vai diễn để đời trên sân khấu có một ao ước, một mong mỏi khác nữa trong chị. Chị bày tỏ: "Từ khi con trai một tháng rưỡi tuổi tôi đã mang con đi làm phim ở bệnh viện phụ sản, người ta chụp cho một bức ảnh mà giờ tôi vẫn giữ. Đến giờ tôi lại vào bệnh viện đó đón đứa cháu đầu lòng từ cô con dâu, đặc biệt người ta lại bảo cháu giống bà khủng khiếp, thì còn gì vui hơn. Bây giờ bế đứa cháu tôi thấy cuộc đời như một cuốn phim quay chậm, từ khi tôi đón con trai, đến giờ là cháu gái, và tôi nhận ra rằng đó là vai diễn tròn trịa nhất trong cuộc đời mình. Chính vì thế tôi dừng lại chẳng có gì là ngạc nhiên".

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc tâm sự: "Đừng nghĩ rằng tôi cô đơn vì tôi chưa lấy chồng, chưa có bạn trai hay không có chồng, đơn giản nó chỉ là sự cô đơn cần thiết để sáng tạo”. Cái mà mọi người gọi lâu nay vẫn lầm tưởng ở chị đã được chị chia sẻ và làm rõ bằng một khẳng định như vậy. Ở chị không hề có sự cô đơn mà có chăng đó chỉ là môi trường cho sự sáng tạo, lắng nghe câu chuyện nghề và những tâm tư của chị ta mới thấy hết được giá trị của sự cô đơn, có lúc với một người nghệ sĩ cần lắm một sự cô đơn, bởi ở đó mới có được sự sáng tạo cho những vai diễn, cho cảm xúc để sống thật với một cuộc đời khác trên sân khấu.

Theo nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc, nhiều người nói tới chị là nói về sự cô đơn của một nhan sắc, nhưng trong con người chị không có những khái niệm ấy. Trong mỗi con người, khi sống giữa nhân quần, ngoài những phút giây bình thường ai cũng có những sự cô đơn. Nhất là người làm nghệ thuật, lại càng cần những khoảng lặng của cô đơn để sáng tạo. Nhưng nói rằng, chị hoàn toàn cô đơn là không đúng. “Dostoevsky nói rằng, tất cả những kẻ mà lúc nào cũng sống hồn nhiên như hội chợ phù hoa, thì những kẻ ấy không có sự sáng tạo một cách sâu sắc được. Chúng ta nói một cách trí tuệ, tức là anh hãy nhận lấy sự cô đơn về phần mình để anh có sự sáng tạo, cống hiến”, chị cho hay.             

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi nghĩ mình chịu kiếp hồng nhan đa truân. Tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời tôi đều do tội lựa chọn, sướng hay khổ là tùy quan niệm từng người. Cho nên đừng có nghiệt ngã với chính số phận mình, hãy biết chấp nhận và cố gắng giữ gìn nhân, tâm. Luôn luôn giữ đạo thì không bao giờ phải khổ cùng khổ kiệt".

Lắng nghe những chia sẻ về câu chuyện nghề, người ta mới thấy được cái tâm và cái tính mạnh mẽ, cương quyết, cái khao khát nghệ thuật của chị như con tằm nhả tơ, rất thật và gần gũi. Chị chia sẻ: "Thật ra, cái gì nó đã ăn vào ý thức rồi thì có nhắm mắt cũng diễn được, không hề phải lên gân. Nhiều người vẫn tư duy rằng cứ ăn cướp là phải xấu kinh khủng, còn giáo viên thì nhất định là tốt, là gương mẫu. Nếu chỉ khai thác một chiều như thế thì chỉ nói được cái vỏ bên ngoài thôi. Các nhà khoa học bảo rằng: Những con người đa nhân cách là những người cực kỳ giỏi, một lúc có thể làm được rất nhiều việc. Trong khi đó, phần lớn chúng ta lại sợ những người đa nhân cách. Giá trị của một con người hầu như chỉ khép kín trong câu nói yên tâm đi, nó ngoan hiền lắm!. Tôi thấy sợ nhất những người chỉ có ngoan với hiền, hai từ đó rỗng tuếch, chẳng nói lên được điều gì cả. Với tôi, các vai diễn giằng xé, phức tạp dễ diễn hơn là những "típ" nhân vật một màu. Vì nó đời, nó thực. Các nhân vật ấy đều được tôi nghiên cứu, nhận định qua lăng kính chủ quan của một người nghệ sĩ”.

> Tiền thưởng khủng cho những trò... mua vui nhạt nhẽo

> Những ca sỹ xấu 'dã man' nhưng vẫn thành danh

Bạt Phong

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.