NSND Lê Khanh tên thật là Trần Mai Khanh, sinh năm 1963 tại Hà Nội. Chị là con của cặp đôi nghệ sĩ kịch nói Trần Tiến và Lê Mai. Đồng thời là em gái của NSƯT Lê Vân cũng như là chị gái của NSƯT Lê Vy.
Bước chân vào nghệ thuật từ năm 1970, nữ nghệ sĩ đã có nhiều vai diễn để đời trên sân khấu như Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc, Đan Thiềm trong vở Vũ Như Tô, Thúy trong Bến bờ xa lắc, Juliet trong vở Romeo và Juliet, quận chúa Minfo trong Âm mưu và tình yêu…
Trong lĩnh vực truyền hình, NSND Lê Khanh là một trong những diễn viên lâu năm nhận được nhiều sự yêu mến qua các vai diễn như nữ tu sĩ Băng Thanh trong Săn bắt cướp, Lan trong Chuyện tình bên dòng sông, Thoa trong Bản tình ca cuối cùng, Hoàng Điệp trong Dòng sông hoa trắng...
Năm 2001, Lê Khanh được phong danh hiệu NSND khi mới bước sang tuổi 38, lúc này Lê Khanh đã đủ năm công tác, đủ số huy chương cần phải có, song mọi người vẫn nghĩ chị được đặc cách bởi tuổi đời khi ấy quá trẻ. Kể cả cho đến bây giờ, khi cơ hội tìm kiếm huy chương dễ dàng đến mức không ngờ, chị vẫn là nghệ sĩ trẻ nhất đạt danh hiệu cao quý này. “Lúc ấy, bạn bè tôi còn đùa, được NSND toàn là các bậc lão làng, mỗi mày chíp hôi. Cẩn thận kẻo lại sớm phải đi theo các cụ”, Lê Khanh nhớ lại.
Nói về nhiệt huyết cống hiến nghệ thuật của NSND Lê Khanh, NSƯT Trần Lực từng bày tỏ: “Lê Khanh là một dạng nghệ sĩ luôn hồn nhiên, ngây thơ mà không kém phần nhiệt huyết. Đó chính là thanh xuân, sức trẻ trong nghề diễn để không vì tuổi tác mà đánh mất thanh xuân”.
Năm 2008, sau khi tham gia phim Con đường sáng, NSND Lê Khanh bắt đầu vắng bóng trên màn ảnh. Thời gian sau, NSND Lê Khanh đảm đương vai trò Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội.
Khi đã thành Phó giám đốc, máu diễn trong chị vẫn nóng. Thế rồi, chị “trúng thầu” ba vai phụ cùng trong một vở kinh điển “Vòng phấn Kafka”. Đạo diễn người Đức không nghĩ chị lại sẵn sàng tham gia vở, bất kể vai gì, không kể lớn, nhỏ, chỉ cần nhân vật thú vị. Và chị rất “sướng” khi được đóng một lúc ba nhân vật, chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng được tha hồ diễn ngẫu hứng, mỗi hôm một kiểu.
Nhà hát và sân khấu chưa chiếm hết thời gian và công sức của Lê Khanh, chị còn để tâm rất nhiều đến việc giáo dục, đào tạo diễn viên trẻ, vì một nền sân khấu mạnh bắt buộc phải có nghệ sĩ giỏi. Theo chị, diễn viên hiện nay đang thiếu nhiều yếu tố mà những cái này lại không nằm trong giáo trình.
Lê Khanh kể: “Khi làm việc với diễn viên Việt Nam, đạo diễn nước ngoài rất ngạc nhiên khi diễn viên kịch nói không biết hát, múa cũng chẳng có một tài lẻ gì. Họ không chấp nhận sự tẻ nhạt ấy”. Vì thế, chị khuyến khích các em lớp sau ngoài học ở trường, nên ra ngoài học hát, múa.
Vì điều này mà chị vẫn hàng ngày “cầm tay chỉ việc” giảng dạy tại Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Chị quan niệm, đã là diễn viên bất kể loại hình gì đều phải hiểu biết nghệ thuật dân tộc. Sinh viên kịch nói không học truyền thống mà chỉ học một chút về lý luận, thế nếu đạo diễn muốn dựng kịch theo cách truyền thống thì sao? Chị bảo, sân khấu hiện đại rất muốn khai thác thế mạnh của truyền thống, ngược lại, sân khấu truyền thống cũng muốn hiện đại chính mình. Vì thế, khi làm giảng viên, chị phải lấy giờ của mình nhờ bạn bè bên sân khấu truyền thống dạy, còn mình phải dạy ngoài giờ, không tiền công.
Hôn nhân viên mãn
Đặc biệt, sau khi tham gia phim Săn bắt cướp Lê Khanh còn “săn bắt” luôn được trái tim của đạo diễn, nhà quay phim - NSƯT Phạm Việt Thanh (trước đó, đạo diễn này đã từng kết hôn và có 1 con gái riêng).
Lê Khanh là người kín tiếng bởi chưa bao giờ chị lên báo chia sẻ về chuyện cũ của chồng. Thế nhưng qua khoảng thời gian chung sống cùng chồng và cô con gái, hình ảnh hạnh phúc của cả gia đình đã “ngầm” khẳng định trong gia đình chị không hề có khái niệm “mẹ kế - con chồng”.
Sống chung với con riêng của chồng, chị xem cô con gái riêng của chồng như con đẻ. Không bao giờ người ta thấy chị kêu ca phàn nàn gì về cuộc sống của một người phụ nữ vừa chăm lo cho con riêng con chung. Cũng ít khi thấy chị mở lời “kể công” về sự vun vén, xây đắp cho cô con riêng của chồng. Lê Khanh luôn là hậu phương vững chắc của chồng với đức tính vị tha, thấu hiểu.
Sau khi kết hôn, cặp đôi có chung với nhau một con gái tên Lam Khê sinh năm 1995 và 1 con trai sinh năm 1997 tên Gia Khanh. Giờ các con của chị đều đã khôn lớn và trưởng thành nhưng trong cuộc sống thường ngày, mẹ con chị vẫn rất thân thiết và quấn quýt như ngày nào.
Đạo diễn Phạm Việt Thanh từng hóm hỉnh nhận xét về vợ: "Cô ấy là hòa thượng thích đủ thứ, nhưng điều đặc biệt là luôn tự đày đọa mình bằng cách học nấu ăn ở xứ người để về nhà bày vẽ bắt chồng con thưởng thức".
Cuộc hôn nhân giữa chị và đạo diễn Phạm Việt Thanh đến giờ đã hơn 20 năm vẫn viên mãn, tròn đầy. Hình ảnh hai vợ chồng nghệ sỹ luôn tay trong tay đi khắp Hà Nội giản dị và hạnh phúc khiến ai cũng phải ngưỡng mộ, ước ao.
Hỏi Lê Khanh điều gì giữ lửa hạnh phúc gia đình chị luôn cháy và lâu đến như vậy. Lê Khanh cười nói: “Chỉ có tình yêu và lòng tin”.
Chỉ thế thôi nhưng nó là quá đủ để nuôi dưỡng và giữ gìn hạnh phúc, chỉ thế thôi nhưng nó là hành trình khiến ai trong chúng ta cũng phải cố gắng mà vun đắp, dựng xây.
Lê Khanh luôn nói rằng mình may mắn, có được người chồng - đạo diễn Phạm Việt Thanh chia sẻ và hỗ trợ. Cả hai cùng tham gia chung nhiều bộ phim như Săn bắt cướp, Dòng sông hoa trắng...
Để đến hôm nay, nghệ thuật và bạn đời đã viết nên chuyện tình đẹp nhất của người con gái Hà Nội, đó là hai mảnh ghép không thể tách rời: “Trong cuộc sống cần phải có nghệ thuật để nuôi dưỡng tình yêu. Trong nghệ thuật lại cần tình yêu để nuôi cuộc sống”, Lê Khanh nói.
Dù cả gia đình làm nghệ thuật nhưng Lê Khanh vẫn muốn để các con phát triển năng khiếu một cách tự nhiên. Nếu lũ trẻ có năng khiếu ở lĩnh vực khác, chị tuyệt đối không áp đặt, bắt buộc chúng phải đi theo con đường của mình.
Trở lại phim trường
Mới đây, sau một thời gian khá dài vắng bóng trên phim truyền hình Việt, NSND Lê Khanh đã tái xuất trên màn ảnh nhỏ cùng một loạt các nghệ sĩ nổi tiếng trong dự án phim Việt dựa theo kịch bản của Mỹ - Mẹ ơi, bố đâu rồi?.
NSND Lê Khanh cho biết, lí do chị nhận lời tham gia bộ phim Mẹ ơi, bố đâu rồi? lần này là vì bây giờ mới có thời gian vì chị mới nghỉ hưu tại Nhà hát Tuổi trẻ sau suốt quãng thời gian dài làm nghề và gắn bó với sân khấu. Đồng thời, nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm rằng chị quyết định quay lại với phim truyền hình là bởi kịch bản phim lần này rất hấp dẫn và nhiều ý nghĩa đối với chị.
Đối với bộ phim Mẹ ơi, bố đâu rồi?, Lê Khanh thừa nhận phim có sự hấp dẫn, kịch tính nên ranh giới giữa thể loại nghệ thuật và điện ảnh không đáng là bao. Khi phim được phát sóng, chị thú nhận cũng chưa dám xem. Thấy đồng nghiệp cứ diễn xong là xem lại cảnh đã diễn, NSND Lê Khanh lại thấy họ can đảm quá. Chị bảo nghệ sĩ không bao giờ thoải mái và bằng lòng với những gì mình đã làm, nên nếu xem lại thì sẽ bị mất tinh thần ngay. Nếu không biết thì vẫn có thể bay bổng, vô tư diễn, còn đâu sẽ có đạo diễn và quay phim nhắc.
Khi được hỏi về những cảnh quay khiến chị nhớ nhất trong Mẹ ơi, bố đâu rồi?, Lê Khanh đã chọn cảnh quay đầu tiên, cảnh quay đóng với mẹ - NSƯT Lê Mai và cảnh quay đóng máy kết thúc bộ phim. Trong đó, cảnh quay với mẹ - NSƯT Lê Mai là mong ước của chị trong suốt nhiều năm. NSND Lê Khanh còn nhớ lại từng được diễn cùng bố - NSND Trần Tiến vào năm 8 tuổi. Chị đóng vai cháu và bố thì đóng vai ông ngoại. Với NSƯT Lê Mai, chị mới chỉ được diễn với mẹ trong một vở kịch Ấn Độ. Lê Khanh chỉ ước một lần được đóng với bố mẹ trong phim truyền hình, như chị cả Lê Vân đóng với bố trong hai bộ phim Tự thú trước bình minh và Thằng Bờm. Và may mắn trong Mẹ ơi, bố đâu rồi? có một tập chị được đóng cùng mẹ. Hai mẹ con cũng chỉ vừa mới quay xong. NSƯT Lê Mai đóng vai bà ngoại. Với Lê Khanh, đó là cảnh khiến chị vô cùng xúc động.
Giờ đây, Lê Khanh đã có được đỉnh cao của sự nghiệp và hạnh phúc gia đình, điều không ít người mơ ước. Sau mỗi giờ đi diễn mệt mỏi, chị lại trở về với sự ấm cúng thường nhật. “Con cái là tài sản quý giá nhất đối với vợ chồng tôi. Không gì hạnh phúc hơn khi được thấy các con khôn lớn, trưởng thành. Các con là nguồn động viên, là sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”, chị tâm sự.
Quốc Tiệp (tổng hợp)