Tuổi thơ cơ cực
Sự nổi tiếng của NSND Lệ Thủy đã bao trùm sân khấu cải lương Việt Nam. Thế nhưng, nữ nghệ sĩ lại có tuổi thơ đầy cơ cực với những năm tháng tha phương cầu thực. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nghệ sĩ Lệ Thủy có tên thật là Dương Thị Lệ Thủy. Sau này, bà đổi thành Trần Thị Lệ Thủy.
Gia đình quá khó khăn, năm 3 tuổi, Lệ Thủy theo mẹ lên Sài Gòn giúp việc cho những gia đình giàu có. Thế nhưng, thấy mẹ của nữ nghệ sĩ đèo bòng con nhỏ, nhiều gia đình ngần ngại không dám nhận.
Không việc làm, không nơi tựa nương, hai mẹ con lang bạt giữa Sài thành đô hội trong nỗi hoang mang tột độ. Giữa lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, thì hai mẹ con gặp một người bà con và được họ nhận về làm bánh, giao hàng cho các mối lớn ở Sài Gòn.
Nhờ sự kiên cường và cần cù, hai mẹ con nghệ sĩ Lệ Thủy mua được một căn nhà nhỏ. Đến lúc này, gia đình bà đoàn tụ, sum vầy. Căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Và từ căn nhà ấy, bà tình cờ bén duyên với sân khấu cải lương. Nữ nghệ sĩ cho biết, bà đến với cải lương một cách tình cờ và cảm thấy mình là một người vô cùng may mắn.
Năm 13 tuổi, Lệ Thủy theo gánh hát Kim Chung đi lưu diễn khắp nơi. Quá bận rộn với việc kiếm sống và phải chăm sóc các con, mẹ của bà đã để người chị họ chăm lo cơm nước và chuẩn bị phục trang cho cô con gái nhỏ. Kể từ đó, người dì đã thay thế mẹ chăm sóc cho Lệ Thủy.
“Thời điểm đó, tôi đang trong tuổi xuân sắc lại ca rất hay nên được nhiều anh mê mẩn. Các anh trong đoàn lẫn ngoài đoàn đều đua nhau tán tỉnh, nhưng chỉ cần tôi liếc mắt đưa tình một cái là dì biết ngay. Vì sợ tôi sa vào cám dỗ nên dì lúc nào cũng bám sát, chăm sóc tôi rất kỹ. Đến nỗi, các chàng trai trẻ khi nhìn dì cũng phải ngán”, NSND Lệ Thủy kể.
Nữ nghệ sĩ cho biết, đường tình duyên, sự nghiệp của bà luôn có sự hiện hữu của người dì. Đến tận bây giờ, những lời chỉ dạy của dì vẫn còn nguyên giá trị.
“Thời điểm ấy có nhiều người muốn đến với tôi. Họ tán tỉnh tôi bằng nhiều cách, có người thật lòng, có người chỉ vui đùa. Những lúc ấy, dì luôn bên cạnh đưa ra lời chỉ dạy và đến giờ, những lời bảo ban đó vẫn còn nguyên giá trị.
Dì tôi hay nói: “Người nào gửi thư mà không có “con cò” (con tem dán trên bì thư, cách gọi của người miền Tây xưa - PV), chỉ gửi thư tay thôi, tức là người đó không muốn mối quan hệ nhiều người biết, mối quan hệ không rõ ràng. Đó là người đàn ông chẳng tốt. Họ sẽ không bao giờ cưới con đâu. Còn người nào tặng các món đồ có giá trị, nghĩa là họ đã có địa vị xã hội, có tiền rồi. Những người đàn ông có tiền và có địa vị thường là đã có vợ, có con. Là nghệ sĩ mà để các bà vợ đánh ghen, tạt a-xít thì sao con có thể lên sân khấu hát được nữa và nó còn ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của con,...”.
Những điều dì nhắc nhở khiến tôi chiêm nghiệm ra được nhiều điều và quyết định chọn sự nghiệp ca hát là hướng đi duy nhất”, nữ nghệ sĩ cho biết thêm.
Lệ Thủy lấy chồng năm 27 tuổi trong sự đồng ý của người dì nghiêm khắc. Người đàn ông may mắn đó quê gốc ở miền Trung nhưng được ba mẹ mua cho căn chung cư ở Sài Gòn để học hành. Nhờ vậy, anh được làm hàng xóm của cô đào chánh nổi danh khắp từ Bắc đến Nam thời bấy giờ. Quen nhau 2 năm, Lệ Thủy làm đám cưới trước con mắt ngẩn ngơ của nhiều chàng trai hâm mộ.
Hoàng Dung Nhi