Nhắc tới bà, khán giả truyền hình lại nhớ tới một người phụ nữ với vẻ đẹp phúc hậu, gương mặt biểu cảm và lối diễn xuất tinh tế. Hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật thứ bảy, sự nhiệt huyết, yêu nghề vẫn sáng bừng lên trong từng câu chuyện của bà…
Đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu
Hẹn gặp bà vào một ngày cuối đông, NSND Ngọc Lan gây ấn tượng với vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà. Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng bằng đam mê và tài năng, NSND Ngọc Lan đã nhận được sự yêu mến của công chúng yêu điện ảnh Việt nhiều thế hệ, bằng gương mặt biểu cảm và khả năng hóa thân ở nhiều dạng nhân vật hiền hậu, đảm đang hay phản diện.
Các vai diễn phản diện nổi bật của NSND Ngọc Lan có thể kể đến vai Lý trong phim Mùa lá rụng trong vườn; mẹ chồng ghê gớm, tai quái trong Bí mật eva hay bà nội cay nghiệt trong phim Bánh đúc có xương... NSND Ngọc Lan kể, bà rất hào hứng mỗi khi khai phá một “vai ác” bởi “đóng vai phản diện hoàn toàn khác với mình, càng khiến mình đam mê khám phá”. Có lẽ vì thế mà sau những vai phản diện sắc nét khiến “ra đường kẻ trách người khen”, bà không hề buồn. Bởi bà biết, mình đã để lại vai diễn gây “xôn xao” trên màn ảnh nhỏ.
Rồi bà kể cho tôi nghe những khó khăn của người phụ nữ trót “phải lòng” điện ảnh. “Thời điểm khó khăn nhất của tôi là khi sinh con gái đầu lòng, thời đó chúng ta đang ở chế độ bao cấp, khó khăn lắm. Nếu như bây giờ, với công nghệ hiện đại, một diễn viên chỉ mất khoảng vài tháng, thậm chí vài tuần là hoàn thành vai diễn trong bộ phim, nhưng thời điểm đó thì không được như vậy, có những vai diễn tôi phải theo đến 2 năm. Con mới 10 tháng tuổi đã phải xa mẹ... xót xa lắm nhưng biết làm sao, vì công việc, vì đam mê, vì miếng cơm manh áo nên vẫn cố gắng...”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, có thời điểm nghệ sĩ phải mang theo con đi cùng. Bà kể lại, có những lần đang quay phim thì máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời. NSND Ngọc Lan tâm sự: “Tâm trạng như bị phân thân, vừa phải tập trung vào vai diễn, vừa lo lắng không biết con gái nhờ đồng nghiệp trông có bị làm sao không. Nghĩ lại tới giờ vẫn còn sợ lắm, về nhìn thấy con được các cô bác đưa đi trú ẩn, mặt lem nhem bùn đất, vừa mừng vừa tủi”.
Nói về những ngày mới vào nghề, NSND Ngọc Lan bộc bạch: “Ngày đó đóng phim thiếu thốn, khó khăn, vất vả lắm nhưng cho tới giờ tôi vẫn yêu nghề, máu lửa trong từng vai diễn”. Cô du kích Y-Mai trong bộ phim tài liệu Lửa rừng một thời chia sẻ, để đóng được bộ phim này, cứ chiều chiều lại phải lên đèo tập đi ngựa.
“Con ngựa Mông Cổ rất to, lại cao nên khó trèo. Sợ nhất là lúc tập làm quen dây cương, nếu vô tình ghì chặt cương quá thì con ngựa sẽ phi nhanh, mất đà là mình ngã. Chắc mọi người không thể tưởng tượng được, giữa lưng chừng đèo, sương giăng đầy, một cô gái Hà Nội nhỏ thó phải tập cảnh phi ngựa, bị địch bắn và ngã. Không có đóng thế đâu, tôi quay cảnh đó về mà xương cột sống đau ê ẩm mất mấy ngày, nhưng vẫn cố vì muốn vai diễn thành công”, nữ nghệ sĩ trải lòng.
Vẫn ngọt thơm như thuở ban đầu
Hơn nửa đời người bền bỉ đam mê nghệ thuật, nhưng để có những thành công ngày hôm nay, bà tự hào khoe với tôi về “chỗ dựa” vững chắc, người chồng của mình, NSND Ngô Mạnh Lân. “19 tuổi tôi đã gặp ông ấy khi tham dự liên hoan phim Moscow. Lúc đó, anh xã đang học tập ở Moscow, hơn 1 năm sau thì chúng tôi về cùng một nhà. Cùng trải qua những tháng năm đạn bom, gian khó, vun vén hạnh phúc bên mái tranh nghèo, người bạn đời của tôi vẫn ủng hộ, thủy chung. Đó mới chính là niềm vui, hạnh phúc lớn của tôi”, NSND Ngọc Lan hạnh phúc cho biết.
“Có những lần đi diễn nhưng lúc đó tôi đang bệnh, anh ấy rất xót ruột, nhưng thấy vợ “mê” quá cũng không cấm cản. Đóng gần 30 tập phim quay ở Vũng Tàu, anh ấy cũng bay vào thăm, ủng hộ vợ. Hay ngày xưa khi xuống Hải Dương đóng phim, anh ấy đạp xe xuống gặp vợ, cách hơn 60km...”, nghệ sĩ chia sẻ. Khi được hỏi, đã bao giờ ông khuyên bà bỏ nghề chưa, bà thành thật thú nhận: “Có nhiều chứ, nhìn vợ “thân gái dặm trường”, đi vào vùng sâu vùng xa, con cái thì nhỏ, ông cũng gợi ý hay chuyển nghề khác, nhưng tôi vẫn đam mê vì điện ảnh đã ngấm vào máu thịt rồi”.
Dù ông bà đã ở tuổi “thất thập” và “bát thập” nhưng cách bà gọi ông hai tiếng “anh xã” khiến cho tôi cảm nhận được bà yêu ông đến mức nào. Có thể nói, bà là một trong số ít các “mỹ nhân màn bạc” có một cuộc sống thực sự viên mãn với sắc đẹp, tài năng, sự nghiệp thành công và một gia đình hạnh phúc. Tình yêu mà ông bà dành cho nhau trong hơn nửa thế kỷ qua từng được bà trải lòng trong những câu thơ mà không ai có thể nghĩ rằng đó là thơ của “tình già”.
Bà kể, bà yêu ông bởi trọng cả đức và tài, ông là người rất trung thực, không bao giờ nói dối, không biết nói khéo hay nịnh nọt ai bao giờ. Ông chân thành đến độ vụng về, sinh nhật vợ hay ngày 8/3 ít khi ông mua hoa, tặng quà hay nói những lời bay bổng. Bà yêu thương ông vì ông luôn chia sẻ mọi đắng cay ngọt bùi, hết lòng yêu vợ yêu con.
Nếu như bà nội trong Bánh đúc có xương là người mẹ khó tính thì ngoài đời bà là một người mẹ vô cùng tâm lý, thông cảm với công việc của các con. Nói về con, đôi mắt bà ánh lên niềm vui, niềm tự hào. Với bà, sự thành công của con cháu chính là niềm hạnh phúc, tự hào của bố mẹ.
“Ba thế hệ trong nhà tôi đều chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật. Cô con gái cả Phương Lan và cháu ngoại cũng đạt được những thành tích nhất định khi theo nghiệp điện ảnh. Cô con gái thứ ba và con trai út theo nghề mỹ thuật. Tôi thấy mình may mắn khi có chồng sớm hôm bên cạnh, con cái hiếu thảo, các cháu ngoan ngoãn”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Từ vai diễn đầu tiên trong phim Lửa trung tuyến của đạo diễn Phạm Văn Khoa, cho tới khi hình ảnh nghệ sĩ Ngọc Lan “đóng đinh” trong nhiều tác phẩm điện ảnh, ngọn lửa của niềm đam mê điện ảnh vẫn luôn bừng cháy trong nữ nghệ sĩ.
Bà gửi gắm: “Với những diễn viên trẻ hiện nay, tôi rất mong các em sẽ nhiệt huyết yêu nghề hơn, hãy nghĩ rằng đã theo nghề thì phải theo tới cùng. Tôi cũng biết rằng, ngày xưa do hoàn cảnh mà diễn viên toàn tâm toàn ý cho công việc tốt hơn, còn ngày nay các em có đủ thứ để làm sao nhãng, khó kiên trì. Nếu theo dõi các lứa diễn viên trẻ bây giờ, thấy nhiều hiện tượng “sớm nở tối tàn”, bởi khán giả họ tinh lắm, họ biết nhận xét, ai hời hợt, ai thiếu nhiệt”.
Giờ đây, ngoài công việc đóng phim, bà còn làm thơ để lưu giữ những cảm xúc, kỷ niệm. Nữ nghệ sĩ “khoe”, bà sắp ra mắt tập thứ tư, trong số đó, bài Tiếng chổi đêm sẽ xuất hiện trong tập Ngàn năm thơ trữ tình gồm 1.000 bài thơ hay do NXB hội Nhà văn tuyển chọn.
Phương Anh