Là con “nhà nòi” cải lương, nên cái đích đầu tiên mà NSND Như Quỳnh hướng đến là theo nghiệp cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp trường Sân khấu Hà Nội, Như Quỳnh về làm diễn viên ở nhà hát Cải lương Hà Nội từ năm 1973. Thế nhưng, số phận lại chọn Như Quỳnh cho sự nghiệp điện ảnh.
Lần đầu tiên Như Quỳnh được mời đóng bộ phim Hai người mẹ của cố đạo diễn Nông Ích Đạt, nhưng sau đó vì một số lý do mà chị lỡ hẹn. Năm 19 tuổi, cô gái Hà thành chính thức chạm ngõ điện ảnh với vai y tá Mai trong bộ phim Bài ca ra trận (1973). Quả thật, với một diễn viên rất trẻ, chưa từng kinh qua chiến trường nào, thì đó là một thử thách rất khó. Ấy vậy mà, Như Quỳnh lại chiếm trọn cảm tình của khán giả chỉ sau vai diễn này.
Cô y tá Mai chất chứa nhiều cảm xúc khi nhớ về vai diễn đầu tay với những tháng ngày băng rừng, lội suối, va đập chiến tranh. “Nhân vật y tá Mai trong bộ phim Bài ca ra trận là một cô gái rất trẻ, tham gia vào đội ngũ quân y ở chiến trường. Thời trẻ, cô ấy nuôi mộng thành diễn viên múa, nhưng vì một tai nạn ngoài ý muốn mà Mai phải từ giã ước mơ của mình, để rồi cái duyên đưa cô ấy đến với nghiệp quân y”, nghệ sĩ Như Quỳnh bộc bạch.
Thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua, nhưng vai diễn cô y tá Mai ngây thơ, trong sáng tận tình chăm sóc cho các chiến sĩ bị thương thuở nào vẫn còn mãi vấn vương trong lòng người. Như Quỳnh vẫn nhớ như in hình ảnh y tá Mai tả những giỏ phong lan, mở những lá khoai nước cho các đồng chí thương bệnh binh, mang đến cảm giác thư giãn, tạo nên sự đẹp đẽ giữa cái ác liệt của chiến tranh. Những chi tiết ấy tuy rất nhỏ, nhưng vô cùng tinh tế đã góp phần tạo nên màu sắc riêng cho bộ phim. Để thấy rằng, ngoài sự khốc liệt của chiến tranh, đâu đó vẫn có những tâm hồn nhẹ nhàng, thơ mộng, trong sáng.
Dẫu còn nhiều bỡ ngỡ, e dè trong lần đầu bén duyên điện ảnh, nhưng cô gái Hà thành đã chạm tới trái tim khán giả bằng cảm xúc và tài năng. Nghệ sĩ Như Quỳnh “vỡ òa” hạnh phúc, sau khi phim Bài ca ra trận được điện ảnh quân đội mua lại để chiếu cho bộ đội xem, cô đã nhận được rất nhiều thư tay của các chiến sĩ ở ngoài chiến trường.
“Sau khi xem phim và biết được địa chỉ của tôi, các chiến sĩ ở tiền tuyến đã gửi thư để bày tỏ tình cảm với nhân vật y tá Mai. Có thể nói, đó là điều hạnh phúc nhất với một diễn viên. Chính nghề nghiệp đã kết nối tình yêu đẹp đẽ giữa nghệ sĩ với khán giả”, nữ nghệ sĩ bồi hồi.
Sau Bài ca ra trận, tên tuổi của Như Quỳnh còn tỏa sáng hơn nữa với dòng phim cách mạng. Vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt ăn hình, đôi mắt biết nói cùng khả năng diễn xuất tài tình đã giúp Như Quỳnh ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
“Tôi từng tham gia một bộ phim về thanh niên xung phong. Bộ phim thể hiện đời sống vô cùng khốc liệt của những cô gái trên tuyến lửa, trực tiếp đối mặt với bom đạn để giữ bình yên trên từng cung đường, để các tuyến xe an toàn ra tiền tuyến. Trong phim, tôi đảm nhận vai nữ chính và yêu một chiến sĩ lái xe.
Tôi vẫn nhớ mãi cảnh chiều mưa rừng xối xả, người chiến sĩ lái xe phải chuyển hàng gấp vào chiến trường, cô gái đứng đợi người yêu đi qua cung đường của mình và rồi họ hôn nhau dưới trời mưa tầm tã. Đó là cảnh vô cùng ấn tượng, thể hiện sự đẹp đẽ trong chiến tranh, lột tả tình yêu mà người con gái gửi gắm đến các chiến sĩ nơi tiền tuyến”, Như Quỳnh nhớ lại.
Hà Linh