Ở tuổi 70, NSND Quang Thọ vẫn giữ được vẻ ngoài trẻ trung, tinh thần dẻo dai. Những ngày này, ông liên tục chạy show ở khắp các tỉnh, từ Quảng Ninh, Hà Nội đến Hưng Yên. Quang Thọ hát để giữ lửa nghề, thỏa mãn đam mê. Qua mỗi buổi biểu diễn, tình yêu âm nhạc trong ông được thăng hoa nhờ những tràng vỗ tay của khán giả.
Nhiều người trầm trồ khi biết lịch làm việc dày đặc của nghệ sĩ. Tuy nhiên, ông cười trừ bảo “chẳng là gì”. Thời trẻ, ông trải qua nhiều vất vả, gian nan hơn thế.
Năm 1968, Quang Thọ lên Hà Nội tham dự Liên hoan sóng phát thanh toàn miền Bắc dành cho các giọng ca chuyên và không chuyên. Ông kể: “Ngày xưa, chuyên nghiệp và nghiệp dư không xa nhau lắm. Ở Hà Nội, những Văn Sáu, Huy Túc, Trọng Nghĩa, Quốc Đông, Ngọc Bé… không kém gì giọng hát chuyên nghiệp. Anh Quý Dương chuyên đào tạo thế hệ ca sĩ nghiệp dư như thế. Ở Quảng Ninh, phong trào ca hát nghiệp dư cũng rất mạnh. Những đội văn nghệ của các mỏ than không khác gì chuyên nghiệp, chỉ kém phương tiện, trang phục, nhạc cụ”.
Thập niên 1960, khái niệm “nghệ sĩ” xa vời, chỉ có các “danh ca” như Quốc Hương, Trần Thụ, Trần Hiếu, Trung Kiên… ở thủ đô. Còn tại vùng mỏ, Quang Thọ đương nhiên cũng được coi là danh ca. Ông bắt đầu đứng trước khán giả từ năm 1965. Tuy ăn lương thợ điện của mỏ than Cọc Sáu nhưng việc chính của Quang Thọ là hát - trợ cấp đường sữa thay cho cát-xê. Có khi cả năm chỉ đi diễn, hết cho ngành than lại tới các địa phương trong tỉnh. Khi không đi hát, công việc của Thọ là kéo dây điện 3000V cho máy xúc, máy khoan, máy bơm, rồi sửa cũng các loại máy ấy.
Quang Thọ là con trai trưởng trong gia đình 8 anh chị em. Bố là thợ điện ắc quy nhà máy Cơ khí Ô tô Cẩm Phả, mẹ tham gia tổ hợp tác buôn hoa quả, nước ngọt... Hoàn cảnh gia đình không khó khăn đến nỗi Thọ phải bỏ học đi làm.
Tất cả bắt đầu từ lần đang đứng dậy phát biểu trong giờ học, cậu học trò lớp 8 gục xuống bàn, mặt trắng bệch. Đến bệnh viện, bác sĩ đoán cảm sốt, cho mấy viên aspirin. Vốn từ bé chẳng uống thuốc bao giờ, Thọ lén vứt đi. Kể cũng may, không thì có thể đã thủng dạ dày. May hơn nữa, tối hôm đó, người họ hàng là bác sĩ đến nhà chơi. Nghe chuyện, ông khám và bố Thọ lập tức đèo con lên bệnh viện. Vừa đến phòng cấp cứu, Thọ ngất luôn. Nhà không ai cùng nhóm máu, Thọ được truyền máu khô (huyết tương không có hồng cầu) của Nhật và ăn các thực phẩm nhiều chất sắt, bao gồm rượu pec-tô-phe.
Hồi phục mất 3 tháng, Quang Thọ không quay lại trường mà nghĩ tới chuyện đi làm phụ bố mẹ nuôi các em. Cậu lấy bút ngoặc số 8 trong năm sinh thành số 6. Thế mà không ai phát hiện ra bản sao giấy khai sinh có vấn đề. Vậy là Thọ được nối nghiệp cha. Vì dạ dày vẫn chưa khỏi hẳn, nên trong khi toàn dân phải ăn độn bột mì hoặc sắn khoai, Thọ được tiêu chuẩn 20 cân gạo nếp/tháng. Cậu lại không ăn được nếp nên đem đổi, cứ cân nếp được cân rưỡi tẻ.
Năm 1964 cũng là thời điểm Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. 5h chiều 5/8/1964, Quang Thọ có mặt trên đồi pháo của mỏ Cọc Sáu hát cho đội tự vệ đang trực chiến thì còi ủ và tiếng loa phóng thanh báo máy bay địch vang lên. Tự vệ bắn đổ đạn lên trời. Từ dưới giao thông hào, Thọ thấy chiếc máy bay kéo hai luồng khói đen sà xuống phía vịnh Bái Tử Long. Hai viên phi công bị bắt sống.
Hai tháng sau, Hội Nhạc sĩ tổ chức xuống Cẩm Phả sáng tác sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ kể trên. Hoàng Vân viết Tôi là người thợ lò (về sau đổi thành thợ mỏ theo đề nghị của Tập đoàn Than), Phạm Tuyên - Những ngôi sao ca đêm, Trần Quý - Trên đỉnh Đèo Nai em hát… Còn Trọng Bằng giao Nhịp máy khoan cho Quang Thọ. Anh tham gia Liên hoan Tiếng hát trên sóng phát thanh 1968 cùng với các giọng ca chuyên nghiệp bằng bài hát đó và được Đài mời thu thanh lần đầu tiên.
Đầu năm 1971, khi đang là công nhân bậc bốn, ông bỏ nghề, rời Quảng Ninh, đi theo bước chân của những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ông khoác ba lô trên vai, gia nhập đoàn văn nghệ xung kích vùng mỏ. Vác đàn guitar trên vai, ông đi dọc chiến trường, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ đóng quân ở miền Nam, Lào và Campuchia. Mưa bom, bão đạn càng rèn giũa thêm tinh thần, ý chí của giọng ca đất mỏ. Sau 2 năm hoạt động văn nghệ tích cực, ông được cử đi đào tạo tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia).
Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam. Với kinh nghiệm thực tiễn và năng khiếu thanh nhạc, năm 1987, ông trở thành giảng viên khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, đồng thời đảm nhiệm chức trưởng khoa từ năm 2000 đến năm 2008.
Không chỉ ghi dấu với nền tân nhạc hiện đại trong nước, ông còn khẳng định tài năng trên nhiều sân khấu nước ngoài, đoạt một số giải thưởng quốc tế ở Đức, Mông Cổ - những nước có nền opera phát triển. Ở tuổi 53, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cao quý. Tên tuổi của ông gắn bó với hàng loạt tác phẩm kinh điển như Sông Lô (Văn Cao), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Tình ca (Hoàng Việt), Lá đỏ (Hoàng Hiệp)...
Nhường học trò cưng cho thầy
Hơn cả những danh hiệu, điều NSND Quang Thọ tâm đắc trong cuộc đời làm nghệ thuật là sự nghiệp "trồng người". Giảng dạy hàng trăm học sinh, ông quan niệm mỗi giọng hát là một màu sắc. Với vai trò nâng đỡ, định hướng, ông luôn khuyến khích mỗi người phát triển cá tính. Học trò của ông vì thế có người thâm trầm như Đăng Dương, "quái" như Tùng Dương, dịu dàng như Khánh Linh.
Vào năm 1992, trong một lần đi qua tầng 2 của nhà tập trong trường, Đăng Dương thấy NSND Quang Thọ đang dạy lớp thanh nhạc, anh ngẩn người nghe rồi sau đó tìm gặp thầy ngỏ ý: “Bây giờ con muốn đi học hát”. Nghe vậy, NSND Quang Thọ khuyên anh nếu thích thì thi vào khoa thanh nhạc xem sao. Và rồi anh đỗ và theo học song song cả đàn bầu lẫn thanh nhạc.
Năm 1996, NSND Trung Kiên lúc bấy giờ đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) về Nhạc viện để tìm trò dạy hát với yêu cầu: “Chỉ nhận một học sinh giọng tenor (giọng nam cao - PV) thôi”. Lúc bấy giờ, nghệ sĩ Diệu Thúy - chủ nhiệm khoa Thanh nhạc có nói vui với NSND Quang Thọ rằng: “Thôi ông Thọ nhả Đăng Dương ra cho thầy Kiên thôi”.
Thời điểm đó, Đăng Dương vừa tốt nghiệp trung cấp Thanh nhạc sau bốn năm theo học và được đánh giá là một giọng tenor đẹp, một tài năng âm nhạc quý. NSND Quang Thọ bảo, ông cũng tiếc lắm vì đã dày công vun đắp suốt bốn năm trời để bồi dưỡng cho giọng hát của Đăng Dương, để sau này thành tài thì mình làm thầy cũng hãnh diện. “Nhưng vì ông thầy của mình muốn giọng hát đó nên đành phải “cống” thầy thôi” - NSND Quang Thọ hài hước chia sẻ.
Nói vui vậy chứ NSND Quang Thọ chia sẻ, ông biết một điều chắc chắn rằng, nếu muốn giọng hát của cậu học trò mà mình nâng niu vun đắp có thể bay xa hơn nữa thì chỉ bằng cách để cho thầy mình - NSND Trung Kiên dạy.
Ở tuổi 70, NSND Quang Thọ hạnh phúc vì hai cậu con trai theo nghiệp của bố. Quang Tú, Quang Tùng đều tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong đó, Quang Tú mới hoàn thành bậc học thạc sĩ hồi năm ngoái. Anh còn được biết đến với vai trò thành viên nhóm Dòng Thời Gian. NSND tự hào vì ở tuổi anh, ông mới mon men học thanh nhạc được vài năm chứ chưa nói đến có bằng thạc sĩ. Ông không đặt nặng việc các con hay học sinh phải nổi tiếng bởi điều đó còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn. "Điều quan trọng là nghệ sĩ phải có kiến thức, tinh thần học hỏi và tình yêu ca hát, như vậy, bạn mới có thể sống với nghề và tỏa sáng", NSND bày tỏ.
Quốc Tiệp (tổng hợp)