Quốc Anh là một nghệ sỹ chèo, nghệ sỹ hài Việt Nam. Anh từng là diễn viên chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam. Sau khi rời khỏi Nhà hát Chèo Việt Nam, anh được mời về Nhà hát Chèo Hà Nội từng làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội và nay là quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Trong suốt quá trình lao động, cống hiến cho nghệ thuật chèo và sân khấu hài, NSND Quốc Anh đã giành được 10 Huy chương vàng tại các hội diễn.
Cậu học trò nghèo
Những năm tháng thời bao cấp đói khổ, rét mướt, ăn bo bo và mì trắng thay cơm. Thỉnh thoảng Quốc Anh cùng đám bạn học ra làng Đồng Xa kì cạch cả buổi chỉ câu được một con cá, mò được vài chú cua đồng, hay bắt được rổ ốc đá để cải thiện. Những tháng ngày đói khát quanh năm. Lúc đó không chỉ có anh mà cả đất nước trong những năm bao cấp đều trong cảnh thiếu thốn ấy.
Chuyện đã qua hơn 30 năm nay, nhưng mỗi lần nhớ lại, hay đi qua đoạn đường Thường Tín, Hà Tây, là trong anh lại vật vã, trăn trở. Đó là năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước. Quốc Anh khi ấy mới 20 tuổi, đi từ quê ở Thanh Hóa ra Hà Nội để vào năm học.
Đi trên chiếc xe commăngca mà trong túi cậu học trò nghèo chẳng có lấy nổi một xu. Xe dừng ở Thường Tín, Hà Tây, bác tài đến thu tiền vé xe của anh. Lúc đấy, Quốc Anh không có tiền, ấp úng nói mong bác tài thông cảm. Người đàn ông trung niên vằn mắt nhìn Quốc Anh trông cũng thư sinh trắng trẻo mà bảo không có tiền?! Bao nhiêu năm qua con mắt ấy vẫn cứ ám ảnh anh. Ông ta bảo: “Mày không có tiền thì ai bảo còn ngồi trên xe tao”.
Vừa dứt lời ông ta dùng hết sức mình giơ cú đánh trời giáng xuống người của anh. Rồi ném anh xuống xe. Chiếc xe lao đi. Còn lại mình anh trên con đường đất, với tâm trạng vừa buồn, vừa tủi, vừa đuối lý. Cậu học sinh nghèo đi bộ 20 cây số vào một ngày cuối chiều mùa hè từ Thường Tín về Nhà hát Chèo. Hơn ai hết anh thấm thía cái nghèo, cái khổ, cả nỗi nhục đói khát thiếu thốn…
Ngay cả bây giờ mỗi dịp Tết đến xuân về, anh cũng không quên được tháng ngày thời bao cấp đói khổ, hơn hai tháng trời đi diễn cùng với đoàn diễn viên nhà hát chèo lên các tỉnh miền núi Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La… Vậy mà chỉ mong mua sọt cam mang về cho cha mẹ nhưng rồi tiền cát-sê hai tháng cũng chẳng đủ để mua được sọt cam. Nhiều năm Tết anh phải ở lại Hà Nội vì không đủ tiền mua vé về quê sum họp ngày Tết với gia đình.
Mấy năm trở lại đây, anh đã có ôtô, sau khi diễn xong chỉ khoảng một tiếng nữa là sang năm mới, anh có thể tự mình lái xe về quê.
Người nghệ sỹ hết lòng vì nghề
Bạn bè thân nơi Quốc Anh làm việc vẫn thường kể về sự hăng say với nghề của anh đến quên giờ giấc. Chuyện Quốc Anh vốn là một người yêu công việc và hăng say tập luyện mỗi khi nhà hát chuẩn bị ra một vở diễn mới. Anh phụ trách nhóm diễn viên tập luyện. Mỗi lần tập, Quốc Anh như lên đồng, quên luôn cả chuyện ăn uống mà chỉ biết đến vai diễn.
Lúc đấy, NSƯT Thu Huyền, vợ ca sĩ Tấn Minh cũng ở trong nhóm tập và đang có con nhỏ. Mấy hôm tập, hôm nào các diễn viên cũng tập thêm giờ. Mọi thành viên trong đoàn đều bận bịu việc gia đình, ai nấy đều ái ngại cho sự nhiệt tình của Quốc Anh tập quên ăn, quên ngủ, quên gia đình. Thu Huyền hôm ấy đến buổi tập muộn, Quốc Anh tỏ vẻ không hài lòng. Thu Huyền nhìn Quốc Anh vui vẻ nói đùa: “Con lạy bố! Người ta có gia đình, có con nhỏ, tập xong còn về làm nghĩa vụ cho chồng cho con. Chứ có ai được rảnh rang như bố đâu. Bố không có con, bố tập lúc nào chẳng được…”.
Quốc Anh nghe xong câu đấy, nước mắt cứ thế túa ra, ôm mặt nức nở. Lúc ấy, Thu Huyền biết mình lỡ lời, chắp tay xin Quốc Anh đừng khóc. Nhìn thấy nước mắt rơi người ta đã khó xử, huống chi đây lại là nước mắt của một người đàn ông trung niên, một danh hài có tiếng.
Trong mắt mọi người, anh luôn xuất hiện với trang phục màu đen như thể nói về cuộc đời anh vậy. Anh ở ngoài đời vận đồ đen từ đầu đến chân. Áo trong, áo ngoài, quần, và giày cũng một màu đen. Cả cái ôtô cũng màu đen nhánh. Màu đen là màu của bóng đêm, màu của những gì sâu sa, kín mít. Người bận đồ đen thường không thích lộ nội tâm của mình, và họ nhìn đời theo một cách riêng. Đời anh là một tấn trò đời hay còn gọi là bi kịch của người nghệ sỹ.
Cũng tại Nhà hát Chèo Hà Nội, Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đã khai phá ra Quốc Anh khi thẳng thừng đưa gương mặt hài Quốc Anh vào vai nặng kí Nguyễn Trãi trong vở Oan khuất một thời hay vở Quan lớn về làng. Quốc Anh lúc này như được gột rửa bước lên một nấc thang khác của nghiệp diễn. Vai diễn của anh khiến khán giả có cái nhìn nhận khác về một người diễn viên đa tài, sâu sắc.
Gốc là nghệ sĩ chèo nhưng Quốc Anh cũng rất nổi tiếng trong các chương trình, tiểu phẩm hài. Chính vì thế, dù bận bịu đến mấy nhưng năm nào anh cũng thu xếp công việc Nhà hát để ra các đĩa hài, tham gia các chương trình truyền hình.
Quốc Anh nói: “Mình diễn hài vì muốn đầu Xuân mang đến tiếng cười cho khán giả, nhưng trong thâm tâm, mình vẫn muốn làm chính kịch, mong có một vai diễn công phu, để đời như vai Nguyễn Trãi chẳng hạn”.
Vận may của nghệ sỹ mang danh "đểu"
Nghệ sỹ Quốc Anh bảo chiếc Huy chương vàng và Người có số điểm cao nhất của Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc 2011 với vở Quan lớn về làng của anh có công lớn của người thầy - NSND Doãn Hoàng Giang. “Các cụ bảo gái có công thì chồng không phụ, để có được thành công này tôi phải cảm ơn thầy Giang rất nhiều” - nghệ sĩ Quốc Anh nói.
Theo nghệ sỹ Quốc Anh, ban đầu khi viết kịch bản, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long và NSND Doãn Hoàng Giang đã hướng vai quan lớn sẽ giao cho nghệ sỹ Xuân Hinh nhưng vì một số lý do cá nhân nên đến phút chót lên sàn tập Xuân Hinh từ chối và Quốc Anh mới được chọn thay thế.
“Tham gia vở này tôi mất khối tiền, vì phải bỏ một số show tham gia đóng đĩa hài Tết mấy chục triệu. Thực lòng tôi không muốn làm vì để các bạn trẻ có cơ hội thể hiện. Huân huy chương tôi nhiều rồi nên không ham hố, muốn có thời gian làm ngoài nhưng vì trách nhiệm của Nhà hát nên cuối cùng đành phải nhận lời” - NSND Quốc Anh trải lòng.
NSND Quốc Anh tếu táo rằng vì Xuân Hinh bỏ vai nên anh được vận may. Nhưng anh cũng thành thực chia sẻ để làm tốt vai diễn anh đã tầm sư học đạo đều đặn trong một tháng trời, ngày nào cũng đến đón NSND Doãn Hoàng Giang đưa đi ăn phở, uống cà phê và rút cuộc là anh đã tăng 3 cân - đáp ứng với về diện mạo bên ngoài đó là một ông quan phì nhiêu một tí.
Sau một thời gian tập luyện, khi vở được duyệt ở Hà Nội, NSND Ngọc Cường đã nói với Quốc Anh rằng chưa bàn đến vấn đề nghệ thuật chỉ riêng việc hóa thân cho vai diễn lần này đối với Quốc Anh đã là một thử thách rất lớn bởi trước đó anh đã từng thành công ở nhiều vai từ điện ảnh cho đến những vai trong lĩnh vực Chèo.
NSND Quốc Anh bảo nếu chỉ diễn vở Quan lớn về làng cho dân thì có thể lấp liếm được nhưng đây là diễn cho bạn nghề, cho những bậc thầy trong làng Chèo xem nên họ có những đánh giá rất khắt khe và cá nhân anh thấy tự tin và tự hào với những gì mà mọi người trao tặng và dành lời khen cho mình.
Quốc Anh nói “nhờ hài mới nổi tiếng”
Bước ngoặt khiến anh được nhiều người biết đến đó là vào năm 2003, khi anh nhận lời bên Thăng Long làm đĩa hài Râu quặp. Trước đó, được biết anh cũng từng tham gia một vai vài Bá Kiến trong chương trình Cười thay pháo nghệ sỹ Xuân Hinh tổ chức. Nhưng lúc ấy, anh cho biết: “Diễn hài không phải là chủ định của tôi”.
Vào sân khấu từ năm 1978 và theo hài gần 10 năm nay, chỉ từ Râu quặp, tên tuổi của Quốc Anh lúc ấy cũng thật sự mới được khán giả biết đến. Đó là một dấu mốc quan trọng quyết định nhiều cho sự nghiệp sân khấu của người nghệ sỹ này.
Anh kể: “Tôi còn nhớ, sau vai diễn đó, có lần ra quán nhậu với bạn, có một nhóm thanh niên bên cạnh thầm thì cá cược xem tôi có phải là ông Lý lác hay không. Có người thì bảo là không phải, chắc anh em thôi vì thằng Lý nó lác lắm. Có cậu sang hỏi thẳng tôi, đề nghị cho xem chứng minh thư nhân dân xem có phải là Quốc Anh không. Tôi giơ chứng minh thư cho cậu ấy xem, để họ phân bua thắng thua và sau đó, họ giả hết tiền cho cả bàn nhậu của tôi.
Tôi nghĩ, diễn hài là phải có duyên. Nếu không có duyên hài, có luyện đến hàng trăm năm cũng không luyện được. Không có duyên, diễn cố thì mệt lắm. Diễn viên chính kịch có thể có nhiều dạng vai, nhưng đóng hài thì không phải ai cũng diễn được. Cái duyên đó, đã dẫn bước tôi suốt 10 năm qua theo nghiệp hài. Nhưng bản thân tôi vẫn thích diễn những vai chính kịch”.
Quốc Anh cho rằng là một người nghệ sỹ hài anh không coi đó là mua vui. Hài nó cũng có cái hay riêng, vẫn có tính giáo dục, thẩm mỹ cao. Đương nhiên, nếu làm không trau chuốt, sẽ chỉ là mua vui cho thiên hạ.
Nếu tính toán kỹ thì hài cho khán giả vẫn có tính nhân văn, giải trí cao, vẫn ngang ngửa với sân khấu chính kịch. Quan trọng là nghệ sỹ phải biết chắt lọc cái gì nên làm để không mang lại tiếng cười tầm thường, mà phải là tiếng cười mang tính thẩm mỹ, giáo dục cao.
Năm 2016, nghệ sỹ Quốc Anh được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, việc phong tặng danh hiệu cũng là một sự ghi nhận đối với những công lao và đóng góp của anh đối với nghệ thuật.
Tháng 5/2018, Sau khi NSND Thuý Mùi nghỉ hưu, NSND Quốc Anh vừa được UBND Thành phố Hà Nội bổ nhiệm quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội.
Khi được hỏi về lý do không bổ nhiệm chức vụ Giám đốc mà chỉ là “quyền” giám đốc, NSND Quốc Anh cho hay, anh sinh năm 1962 và chỉ còn gần 4 năm nữa là về nghỉ chế độ, không đủ thời gian nắm quyền 1 nhiệm kỳ, vì thế UBND Thành phố chỉ giao nhiệm vụ “quyền” giám đốc.
Trong buổi nhận quyết định, NSND Quốc Anh đã có một bài phát biểu khá dài nhưng rất chân tình, mộc mạc mà theo ông, đó là lời “bộc bạch” chứ không phải một bài diễn văn như cách nhiều người vẫn làm.
NSND Quốc Anh chia sẻ rằng, thật sự ông đã từng đóng không biết bao nhiêu vai diễn nhưng chưa vai diễn nào khó như “vai” lãnh đạo một nhà hát với hơn 130 con người. Cả đời chỉ làm nghệ sỹ với hát chèo, múa chèo, diễn chèo,... nay làm người quản lý là một công việc cực kỳ khó khăn đối với ông. Tuy nhiên, vì danh dự cá nhân, vì Nhà hát, vì anh em nghệ sỹ nên NSND Quốc Anh vẫn nhận trách nhiệm này.
Còn nữa...
Quốc Tiệp (tổng hợp)