Sáng 11/11, Vụ Thi đua Khen thưởng (bộ VH,TT&DL) đã tổ chức hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT). NSND, NSƯT là những danh hiệu cao quý đối với nghệ sĩ, thế nhưng, trong mỗi mùa xét tặng lại luôn xảy ra ồn ào, tranh cãi.
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã có những ý kiến thẳng thắn, nêu bất cập về việc xét duyệt này.
Chia sẻ về việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho hay: "Trong tiêu chí xét NSND, NSƯT, bao giờ cũng có 4 tiêu chí để đánh giá, đủ huy chương là đủ điều kiện, tại sao còn có Hội đồng xét duyệt? Những người đủ điều kiện rồi, không vi phạm gì, được bạn nghề yêu quý, vì lẽ gì người ta không được danh hiệu NSND? Thành phần Hội đồng có đủ khả năng, tư cách, trình độ để đánh giá hay không?
Trong đợt trao tặng vừa rồi, có những người đủ huy chương, điều kiện để xét duyệt vì sao vẫn bị hội đồng bỏ phiếu không đồng ý. Vậy Nghị định với Hội đồng ai mạnh hơn. Có hay không việc có người trong hội đồng thù ghét cá nhân không bỏ phiếu?".
"Việc quy đổi % của huy chương, giải thưởng hiện nay cũng khá máy móc… Nếu cứ lấy huy chương ra làm tiêu chí thì rất nhiều cuộc liên hoan, cuộc thi, nghệ sĩ sẽ bằng mọi cách để có huy chương, quá nhiều huy chương tạo ra giá trị các danh hiệu này càng ngày càng hạ xuống.
Giải thưởng trong nước còn thẩm định được, nhưng những giải thưởng quốc tế cần phải xem xét lại. Có NSƯT chỉ cần hai huy chương vàng là lên NSND đối với những vai chính rất dễ, là xong. Tiết mục về đóng gói mà không ai biết NSND mặt mũi như thế nào. Vì vậy, giá trị của danh hiệu đang có những vấn đề cần xem lại cho hợp lý hơn" - NSND Lê Tiến Thọ cho biết.
NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) thì thẳng thắn với chia sẻ: "Việc xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ hiện nay còn có nhiều bất cập như việc xét đổi huy chương, không thể xét hai huy chương bạc cộng thành 1 huy chương vàng được. Nếu nghĩ danh xưng nghệ sĩ là một niềm tự hào thì phải cố gắng. Nếu chưa đủ tiêu chuẩn thì là nghệ sĩ có văn hóa phải thấy xấu hổ.
Càng ngày, tôi càng thấy việc chạy huy chương vàng để lên NSND lộ lắm. Vì nhiều người còn chạy theo thành tích. Nhiều người được huy chương vàng trong các cuộc biểu diễn chuyên nghiệp nhưng công chúng chẳng biết là ai. Thương hiệu NSND càng ngày càng xuống cấp vì vậy rất cần những quy định, tiêu chí cụ thể để ai được danh hiệu gì cũng đáng trân trọng".
Nói việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH,TT&DL) bộc bạch: "Việc quy đổi góp nhặt huy chương, giải thưởng có gì đó không công bằng. Danh hiệu dành cho cá nhân, vì thế thành tích phải xuất chúng, góp nhặt thì không thể là đích thực được. Có một thực tế là nhiều người được danh hiệu NSND nhưng việc ảnh hưởng đến quần chúng là rất mời nhạt, nhân dân không biết nghệ sĩ ấy là ai. Nếu cứ đủ huy chương là xét, và 90% nghệ sĩ được xét duyệt là tỷ lệ khá cao, khiến cho họ nghĩ, việc trao giải này là dễ dãi".
Từ năm 1984 đến 2019 đã có 9 đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT của Việt Nam. Việc trao tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước cho các nghệ sĩ đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà, say mê sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật.
Từ năm 2015 đến nay, bộ VH,TT&DL đã triển khai thực hiện Nghị định, tổ chức được 2 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 năm 2015, Chủ tịch nước đã có quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 102 NSƯT và danh hiệu NSƯT cho 379 nghệ sĩ. Trong đợt xét tặng lần thứ 9 năm 2018, Chủ tịch nước đã có Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 84 NSƯT và danh hiệu NSƯT cho 307 nghệ sĩ.