"Mấy hôm nay Sài Gòn cứ mưa rả rích, buồn lắm. Không phải riêng gì tôi mà tất cả người Việt Nam nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, trong tim đều đè nặng một nỗi buồn. Đây là một cái tang lớn của cả dân tộc Việt Nam.
Bác Võ Nguyên Giáp đã đi vào huyền thoại bằng trận đánh Điện Biên Phủ lừng lẫy, đánh bại danh tướng người Pháp De Castrie. Vốn là một nhà giáo nhưng từ nhỏ, Đại tướng có năng khiếu chỉ huy chiến trường rất khoa học nên đã được Bác tin tưởng. Ông là người học trò kề cận nhất của Bác, tiếp thu nhiều nhất những bài học thực tiễn từ tâm, đức, tài của Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng chiến thắng rực rỡ nhất của nền cách mạng Việt Nam.
NSND Thế anh chấp tay cầu linh hồn đại tướng Võ Nguyên Giáp thanh thản nơi chín suối.
Cuộc đời diễn viên của tôi, tôi đã từng diễn cho bác Giáp xem một lần. Lúc đó, tôi đang là diễn viên ở nhà hát Kịch nói Trung ương.
Đó là vào khoảng thời gian 1964, tôi và anh em diễn vở Bài ca Điện Biên. Chúng tôi được thông báo: Có một khán giả đặc biệt xem chúng tôi diễn, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Chúng tôi vừa mừng, vừa bị áp lực, vì vốn biết bác Võ Nguyên Giáp là một người rất am hiểu nghệ thuật nên ra sức tập luyện ngày, đêm.
Anh em chúng tôi diễn trên sân khấu nhưng tất cả đều hướng mắt về phía Đại tướng ngồi. Đại tướng mặc quân phục, chăm chú đến bất động, gương mặt thật hiền nhưng rất nghiêm nghị... Trong vở kịch này, tôi đóng vai một người lính, có nói một câu thoại mang tính chất lịch sử: “Báo cáo đại tướng, địch đã áp sát rồi. Đề nghị đại tướng cho phát hỏa”.
Sau buổi diễn, đại tướng nhanh nhẹn bước lên sân khấu, bắt tay từng diễn viên, nói lời khen ngợi. Ông nói với tôi: “Chú diễn tốt đấy!”. Kỷ niệm lớn này đã theo tôi cho đến tận bây giờ, in đậm trong tâm trí….
Tôi nhớ lần tôi sang Angeria tham dự liên hoan phim, khi bước xuống sân bay, mọi người hỏi tôi: “Anh có phải là người Việt Nam?”. Tôi gật đầu. Thế là mọi người reo lên: “Việt Nam! Hồ Chí Minh! Võ Nguyên Giáp!”. Đứng ở nước bạn, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc lẫn tự hào. Gần như mọi người trên thế giới, khi nhắc đến Việt Nam, chắc chắn họ sẽ biết tên hai người anh hùng, bằng tất cả sự khâm phục rất lớn: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Năm 1991 tôi tham gia phim Điện biên Phủ của đạo diễn người Pháp, ông Pierre Schoendoerffer. Vị đạo diễn lẫy lừng từng đoạt giải Oscar này nói với tôi: “Tôi muốn làm bộ phim này để nhắc nhở người Pháp đừng sai lầm nữa, đừng bao giờ quên bài học nhục nhã ở chiến trường Điện Biên Phủ”.
Trong phim Điện Biên Phủ, tôi đóng vai một người Hoa thủ đoạn, trục lợi từ việc buôn bán vũ khí, tên là “ông Cọp”. Để có thể nhập tâm tốt nhân vật, tôi đã dành thời gian rất nhiều cho việc đọc sách sử, nghiên cứu về trận đánh Điện Biên Phủ nói chung và bác Võ Nguyên Giáp nói riêng.
Nơi xảy ra trận đánh Điện Biên Phủ giáp với Lào, Pháp muôn bảo vệ Lào nên tập trung hết quân lực, binh hùng, tướng mạnh về đây. Trước đó, Pháp đã thách thức bác Giáp có giỏi thì động vào Điện Biên Phủ, nhưng đâu có ngờ bác Giáp đã tổng tấn công. Phải nói là tài chỉ huy quân sự quá tuyệt vời. Đáng lẽ cuộc chiến đã diễn ra sớm hơn dự kiến, nhưng lại hoãn lại đến 3 tháng. Điều đó có nghĩa là bác Giáp đã điều động bộ đội kéo pháo vào, rồi lại kéo pháo ra, rồi lại vào trận mạc. Bác Giáp hay ở chỗ nếu ra lệnh đánh sớm, tập trung một chỗ, quân Pháp phản công thì chắc chắn mình sẽ thua. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, bác Giáp đã quyết định rút ra, đánh du kích, đào những hầm chông xung quanh, bao vây cứ địa của tướng De Castrie.
NSND Thế Anh bên tấm áp-phích phim Điện Biên Phủ do đạo diễn nổi tiếng người Pháp, ông Pierre Schoendoerffer ký tặng.
Kết thúc bộ phim Điện Biên Phủ, hình ảnh quân Pháp bại trận, theo sau vị tướng chỉ huy De Castrie, trên nền nhạc giao hưởng bi thương. Đó là thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm: Đánh Việt Nam là một sai lầm lớn của người Pháp!
Tôi tiếc là tôi không được đi viếng bác Giáp. Ngày 13/10 tôi đi dự Liên hoan phim Việt Nam nhưng lại ra thẳng Quảng Ninh. Nếu không, chắc chắn tôi cũng sẽ đứng trong dòng người xếp hàng, chờ vào thắp hương….
Đất nước Việt Nam có hai nhân vật mất đi mà toàn dân khóc thương, đó là Bác Hồ và bác Giáp. Lúc Bác Hồ mất, tôi được vinh dự viếng tang Người. Tôi nhớ dòng người xếp hàng dài hàng cây số, chờ được vào viếng Người. Bây giờ hình ảnh đó được lặp lại ở đám tang bác Võ Nguyên Giáp… Tất nhiên, sinh lão, bệnh tử, và với số tuổi 103 thì bác Võ Nguyên Giáp quá thọ, nhưng sự ra đi của bác Giáp vẫn làm cho toàn dân tộc nghẹn ngào thương khóc….
Trước khi chia tay phóng viên, NSND Thế Anh chắp tay: “Tôi cầu mong linh hồn bác Võ Nguyên Giáp thanh thản ở nơi chín suối cùng Bác Hồ, người thầy mà ông hằng kính trọng”.
Theo Tri thức trẻ