“Tôi là "đại gia" về tình yêu nghệ thuật sân khấu”
Được biết bà xuất thân là một diễn viên chèo, hành trình làm nghề và trưởng thành của bà đi theo dọc dài năm tháng bà có thể chia sẻ đôi điều về cuộc đời mình?
Tôi vốn dĩ là diễn viên chèo, sau đó trở thành một đạo diễn sân khấu chèo. Trước đó, tôi là một nhà quản lý nghệ thuật chèo. Tình yêu với sân khấu trong tôi lớn dần và ăn sâu vào tiềm thức từ lúc nào không biết. Trong hơn 20 năm quản lý, đơn vị nghệ thuật do tôi quản lý gặp vô vàn khó khăn. Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà hát Chèo Hà Nội, mục tiêu của tôi lúc đó là 5 năm đầu tiên phải ổn định đời sống cho nghệ sĩ trong nhà hát. Sau đó, chúng tôi nghĩ đến việc lớn hơn là xây dựng các đề án bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống, phát triển về nhân lực và đối tượng khán giả cho nhà hát. Và sau 10 năm, chúng tôi đã bắt đầu tạo được một cái đà để phát triển mạnh mẽ.
Đúng như mơ ước của chúng tôi, nhà hát Chèo Hà Nội có lợi thế về mọi mặt, trở thành một đơn vị năng động và phát triển toàn diện. Nhờ chính những khó khăn bước đầu đó đã tôi luyện những bước đi đầu tiên trong cuộc đời làm quản lý của tôi.
Không dừng lại, tôi luôn luôn trăn trở không chỉ cho sân khấu chèo Hà Nội mà còn sân khấu nghệ thuật truyền thống trên toàn quốc. Một vai trò lớn hơn đặt nặng trên vai tôi, đó là cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Cương vị này không ít áp lực nhưng cũng chính là động lực thôi thúc tình yêu sân khấu và ngọn lửa cống hiến không biết mệt mỏi.
Nguồn năng lượng nào đã giúp NSND Thúy Mùi có thể cống hiến không mệt mỏi như vậy?
Nói thật lòng, công việc của hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong thời điểm này đang chiếm hầu hết thời gian của tôi. Nhưng, tôi chưa bao giờ quên đi niềm đam mê cháy bỏng ban đầu đã đưa tôi đến thành công là một diễn viên chèo. Bên cạnh đó, tôi cũng nuôi dưỡng trong mình nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như hát ru, ngâm thơ, hát văn, hát quan họ, ca trù...
Niềm đam mê nghệ thuật sân khấu cháy bỏng, niềm mong muốn được cống hiến chính là năng lượng thôi thúc tôi. Chính điều đó đã bó bện người nghệ sĩ như tôi không thể tháo gỡ ra khỏi guồng quay tồn tại của nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Nghệ thuật xa rời khán giả, mất dần thị phần
Phải chăng nghệ thuật sân khấu truyền thống đang mất dần thị phần với khán giả?
Tôi cho rằng bất cứ ngành nghề nào cũng có sự phát triển giống như biểu đồ hình sin. Đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống, chúng ta đã có những quãng thời gian được cho là tạm thời mĩ mãn ở đỉnh cao. Dần dần, chúng ta chỉ chú trọng về vấn đề học thuật nghệ thuật, trong khi khán giả lại quan tâm đến câu chuyện đời thường. Vì vậy, nghệ thuật sân khấu xa rời khán giả và mất dần thị phần là điều tất yếu.
Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật, các nhà quản lý nghệ thuật và diễn viên đang không có sự liên kết. Vì thế, chúng ta không có sự kết nối để trở thành một tổng thể có tầm chiến lược thực thụ. Như vậy, nghệ thuật sẽ mãi xa rời thực tế, khán giả không thể với tới nghệ thuật. Chúng ta không đạt được mong muốn nghệ thuật phục vụ cho đời sống.
Chính vì vậy, nếu mong muốn có được đỉnh cao trở lại, chúng ta bắt buộc phải làm lại từ đầu. Phải trăn trở phải làm sao để nghệ thuật bình dị trở lại như mong muốn của khán giả.
Với cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bà đánh giá thế nào về hoạt động sân khấu truyền thống?
Giữ vai trò chủ tịch chưa được 1 năm, tôi nhận định thời gian 1 năm chưa thể nói được điều gì. Tuy nhiên, hoạt động sân khấu cũng như hoạt động của hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang khó khăn. Bởi, hoạt động sân khấu không thể đứng ngoài đại dịch Covid-19 của toàn cầu, đây là khó khăn chung.
Trong năm vừa rồi, Việt Nam cũng hứng chịu nhiều thiên tai bão lũ. Điều này chúng tôi cho rằng nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sân khấu. Dù khó khăn chồng khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng hết mình cho nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Có một lứa nghệ sĩ trẻ rất tài năng
Có ý kiến cho rằng dường như có sự mai một nhất định trong nghệ thuật sân khấu truyền thống, bà có suy nghĩ gì?
Điều này tôi không thể phủ nhận. Bởi, có thời điểm trước đây, đơn vị do tôi quản lý không thể tuyển được bất kỳ một diễn viên mới nào trong vòng 3-4 năm. Không thể tuyển được nhân sự trong thời gian dài như vậy, tôi cho rằng điều đó không còn là báo động đỏ nữa mà dường như “tuyệt chủng” diễn viên có nghề.
Chính vì thế, thời điểm đó, chúng tôi phải cử các diễn viên nổi tiếng “nằm vùng” ở các địa phương để chiêu mộ tài năng. Chúng tôi cũng tự thành lập các lớp tài năng của các đơn vị nghệ thuật rồi gửi đào tạo trong trường đại học Sân khấu – Điện ảnh.
Bên cạnh đó, mỗi năm chúng tôi đều có các cuộc thi đi tìm các tài năng trẻ cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Qua các cuộc thi, các bạn có thể cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và thể hiện tài năng của bản thân. Từ đó, chúng tôi phát hiện và đào tạo “những viên ngọc lấp lánh” dành cho nghệ thuật sân khấu truyền thống trong những thập niên tới.
Thông qua “Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020”, bà đánh giá như thế nào về lứa nghệ sĩ trẻ hiện nay?
Thật sự không ngoa ngôn khi nói, rất đáng mừng và phấn khởi cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Bởi, qua cuộc thi, chúng tôi nhận thấy có một lứa nghệ sĩ trẻ rất tài năng. Điều này hứa hẹn một thế hệ diễn viên trẻ thay thế mà chúng ta đang hẫng hụt trong thời gian vừa qua.
Theo đánh giá của tôi, trình độ của các bạn trẻ có khả năng tỏa sáng hơn so với các anh chị nghệ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong cuộc đời nghệ thuật của các bạn. Vì các bạn còn rất trẻ nên chúng ta không thể nhìn thấy được sự chỉn chu hay đĩnh đạc về nghề. Tôi cho rằng các bạn chưa là tác giả của vai diễn mà chỉ dựa rất nhiều vào khuôn mẫu của thầy cô. Tôi có niềm tin khi các bạn có những vai diễn ghi dấu ấn cá nhân các sẽ có thể trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng, thành danh.
"Chúng ta phải đào tạo thị hiếu khán giả hiểu được nghệ thuật. Bởi khán giả có hiểu thì mới có yêu, có yêu thì mới có đam mê và khi đó nghệ thuật và khán giả mới có thể kéo lại gần nhau."