VOV đưa tin, sáng 1/10, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức buổi chia tay NSND Trung Anh sau hơn 40 năm gắn bó - đây là dịp Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với nghệ sĩ.
Tại buổi lễ, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “NSND Trung Anh vừa là đàn anh, vừa là bậc thầy trong công việc. Cách đây không lâu, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức buổi chia tay với NSND Việt Thắng, trước đó nữa là NSƯT Phú Đôn và hôm nay là NSND Trung Anh.
Dưới con mắt của thế hệ sau, dù các anh đã nghỉ hưu nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ xa nhà hát. Qua nửa đời người, các anh đã gắn bó với nhà hát, với biết bao vai diễn, biết bao đêm diễn, biết bao cống hiến cho Nhà hát Kịch Việt Nam”.
NSƯT Xuân Bắc cũng thay mặt nhà hát gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc tới NSND Trung Anh với những đóng góp cho sự phát triển của nhà hát và đào tạo các thế hệ kế tiếp. Đồng thời gửi lời mời NSND Trung Anh, tiếp tục cộng tác trong những tác phẩm tiếp theo của Nhà hát Kịch Việt Nam.
NSND Trung Anh cũng bày tỏ sự luyến tiếc: “Cũng đã hơn 40 năm tôi gắn bó với nhà hát, khi đã gắn bó với cái gì quá lâu và còn yêu nó nữa thì khi rời xa chắc chắn không thể ngăn được sự xúc động. Với tôi, nhà hát không chỉ là số một, mà nó rất thiêng liêng. Cá nhân tôi cực kì yêu Nhà hát Kịch Việt Nam và yêu cái nghề này.
Mặc dù bây giờ về hưu và đi làm phim, được khán giả yêu mến, biết đến nhiều hơn nhưng thực ra sân khấu với tôi mới là quan trọng nhất. Không chỉ là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và cho mình trưởng thành, mà còn thỏa mãn niềm đam mê, được làm điều mình yêu trong suốt hơn 40 năm. Tôi hy vọng các bạn thế hệ sau cũng thế, luôn giữ được tình yêu với sân khấu, với nhà hát, mong muốn nhà hát phát triển và sẽ mãi mãi là “Anh cả đỏ” của nền kịch nói nước nhà. Dù đã về hưu nhưng nếu được nhà hát mời tham gia các vở diễn tôi chắc chắn sẽ rất vui và sẵn sàng tham gia hết mình”.
Theo VnExpress, nghệ sĩ Trung Anh bén duyên sân khấu năm 1978, khi Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển chọn lứa diễn viên sân khấu đầu tiên. Năm ấy, ông 17 tuổi, mất mẹ từ nhỏ nên tính cách trầm lắng, ít nói. Mẹ kế, các anh đều tốt nhưng ông muốn vào nhà hát để được sống độc lập, không phụ thuộc ai. Nghệ sĩ thi đỗ, học cùng lớp Lan Hương, Trọng Trinh, Quốc Khánh. Các sinh viên khóa ông được nhiều tên tuổi lớn của nghệ thuật sân khấu lúc bấy giờ như NSND Đoàn Dũng, NSƯT Dương Viết Bát... dìu dắt, truyền lửa đam mê.
Tốt nghiệp năm 1982, ông cùng các nghệ sĩ Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh lên đường đi bộ đội ở Quảng Ninh, bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau hai năm, ông được xuất ngũ sớm nhờ có nhiều thành tích tốt trong quân đội.
Quay lại nhà hát, nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn khi bắt nhịp trở lại với nghề, trong khi các bạn cùng lứa đã vượt lên quá xa. Suốt một năm, nghệ sĩ chỉ đóng vai quần chúng, từng được người nhà khuyên đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng tình yêu sân khấu níu giữ ông ở lại. Ông tự rèn giũa mỗi ngày, mất bốn, năm năm sau để được giao vai thứ chính rồi dần dần là vai chính.
Nghệ sĩ Trung Anh coi sân khấu là "thánh đường". Ông ví mình như con nghiện, chỉ khi diễn mới được "cắt cơn". Mỗi lần tập vở, ông sẵn sàng gác mọi công việc để sống tron vẹn với nhân vật. Năm 2015, khi đảm nhận vai vua Claudius trong tác phẩm Hamlet, ông từ chối các lời mời đóng phim 7 tháng. Nghệ sĩ yêu sân khấu đến cực đoan.
Ông tôn thờ vẻ đẹp mực thước của kịch cổ điển, nhiều lần bày tỏ nỗi chán chường khi kịch nói mai một, bị khán giả quay lưng. Diễn viên tâm sự từng bật khóc vì cảm thấy cố gắng, nỗ lực của mình với sân khấu không được ghi nhận.
Cố nghệ sĩ Hoàng Dũng từng nhận xét: "Trung Anh là nghệ sĩ rất giỏi, trên cả sân khấu lẫn phim. Anh ấy diễn đằm, giàu chi tiết, luôn nghiên cứu, đào sâu để thể hiện nhân vật, sáng tạo cho mỗi vai diễn". Còn nghệ sĩ Sĩ Tiến nói: "Anh Trung Anh là người có chuyên môn xuất sắc. Anh điềm đạm, nhân hậu, hết lòng vì nghề".
Quốc Tiệp (t/h)