Chào NSND Trung Hiếu, với vị trí là Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội, anh có gặp nhiều áp lực không?
Là người đứng đầu một nhà hát, tôi xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn và mình phải linh hoạt với thời cuộc trong tình hình sân khấu mới, các nhà hát đều phải tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy áp lực, kể cả trong cuộc sống và công việc. Tôi may mắn vì có đồng nghiệp và bạn bè động viên, giúp đỡ rất nhiều.
Tôi thấy nhiều diễn viên sân khấu kịch đang rất chật vật với cuộc sống “cơm áo gạo tiền”, diễn viên ở nhà hát của anh có rơi vào tình trạng này không?
Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi tôi đang quản lý với hơn 100 cán bộ công nhân viên chức thì thu nhập chỉ đạt mức thấp, vài triệu đồng, tiền bồi dưỡng cho một đêm diễn là vài trăm nghìn đồng. Tôi thường nói với anh chị em ở nhà hát là ngoài công việc cơ quan, tôi và mọi người còn đi làm phim ở ngoài. Như thế mới đảm bảo cuộc sống được.
Có người làm việc liên quan tới nghề diễn, có người kinh doanh… điều đó chẳng sao, không phạm pháp là được. Nghệ sĩ còn một thứ áp lực nữa là có thế nào thì ra đường cũng phải sang chảnh, lịch sự, không bôi nhếch được. Tôi thường động viên anh em, mình làm nghề, yêu nghề, thì cũng bị thiệt thòi hơn các ngành khác, bởi thu nhập không cao, nhưng ai cũng gắn bó với sân khấu. Đó cũng là tín hiệu vui cho nghệ thuật nước nhà.
Tôi thấy mới đây, nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở Ngôi nhà trong thành phố, với sự tham gia của nhiều diễn viên hot hiện nay như: NSƯT Thu Hà, Thanh Hương, Trọng Lân (phim Quỳnh búp bê), Mạnh Hưng (phim Yêu thì ghét thôi)… có phải anh phân công họ vào vai để được khán giả chú ý hơn?
Ngôi nhà trong thành phố là vở kịch của tác giả Xuân Trình, chúng tôi dựng vở này nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 và Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III (2018). Vở diễn như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội. Dù bom đạn khốc liệt có thể tàn phá nhà cửa, có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào, nhưng người Hà Nội vẫn sống lạc quan, kiên cường và lịch lãm. Việc lựa chọn các diễn viên tham gia vở kịch là ngẫu nhiên, ai hợp vai thì chúng tôi sẽ giao, chứ không có chuyện vì bạn là diễn viên nổi tiếng mà được chọn vào đóng đâu.
Nhà hát Kịch Hà Nội “sở hữu” khá nhiều diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim truyền hình hiện nay, nhà hát có phải “giữ chân” họ không?
Các diễn viên đã vào làm việc ở nhà hát Kịch Hà Nội đều là những người có ước mơ cháy bỏng với nghệ thuật, họ coi sân khấu là thánh đường. Có thể, họ đang là những diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim truyền hình hiện nay như: Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán, Yêu thì ghét thôi, Sống chung với mẹ chồng… nhưng khi về với nhà hát, họ vẫn là những người khiêm nhường. Không diễn viên nào “lên mặt” hay chảnh cả. Tôi không giữ họ, mà chính niềm đam mê sân khấu, ước mơ làm nghề đã giữ chân họ ở đây đấy chứ.
Ở tuổi 45 mà NSND Trung Hiếu vẫn “vườn không nhà trống”, nghe nói anh sắp kết hôn vào cuối năm nay, có đúng không?
Cứ hỏi chuyện vợ con mãi, tôi cũng ngại lắm. Tôi cho rằng, chuyện kết hôn là cái duyên, duyên đến thì mình nhận, chưa đến thì vẫn phải chờ. May lắm là bố mẹ tôi cũng làm nghệ thuật nên thoải mái hơn chút, không giục giã tôi nhiều. Nếu có tin vui, tôi sẽ công bố thôi.
Vậy anh cũng phải có tiêu chuẩn gì về người bạn đời của mình chứ?
Tôi không đặt ra một tiêu chí gì bạn gái của mình cả. Theo tôi, đàn ông không nên lập ra những tiêu chuẩn mà nên để phụ nữ đánh giá, soi xét và lựa chọn thì hay hơn. Thật ra, trong mắt nhiều cô gái, tôi vẫn là một người mải chơi đấy. Tôi quan niệm, làm nghệ thuật thì tính tình phải vui vẻ, trẻ trung, như vậy mới có một cuộc sống thoải mái được.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!