Tối 9/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Sân khấu năm 2022, triển khai công tác năm 2023 với sự tham dự của đông đảo các nghệ sĩ đến từ nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật.
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định, nghệ thuật sân khấu năm 2022 đã có sự chuyển mình, sôi động, tiến bộ về mọi mặt. Chất lượng nghệ thuật của nhiều tác phẩm sân khấu được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, từng bước đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của khán giả, hoàn thành sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong thời kỳ sau đại dịch Covid-19.
"Điều đáng mừng nhất là phần lớn đội ngũ lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, Hội đồng nghệ thuật ở cơ sở đã thay đổi nhận thức, chú trọng đầu tư có chiều sâu về mọi mặt trong quy trình lựa chọn và dàn dựng tác phẩm, đặt chất lượng nghệ thuật của vở diễn lên trên tất cả. Các nhà hát đã đổi mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trong thời kỳ công nghệ 4.0, trong sự phát triển của nhiều phương tiện và loại hình nghệ thuật giải trí khác nhau", ông Nguyễn Đăng Chương cho hay.
Nói về cách làm việc ở các nhà hát, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho Người Đưa Tin biết, mỗi đơn vị nghệ thuật phải tạo ra sự công bằng giữa các nghệ sĩ, ai làm nhiều được hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít. Người đứng đầu các nhà hát phải giữ đúng nhịp, cân bằng giữa các thế hệ kế cận nhau, để nghệ sĩ trẻ hay già đều được làm nghề, yêu nghề.
“Các nghệ sĩ đều phải học hỏi nhau, như tôi đi diễn cùng các nghệ sĩ trẻ, tôi cũng học hỏi ở họ rất nhiều thứ, tôi cũng phải tương tác với nghệ sĩ trẻ. Không phải cứ NSND là giỏi, là hay, như tôi mỗi lần bước ra sân khấu, tôi vẫn run rẩy như mới vào nghề. Với tôi, càng diễn nhiều, tôi càng áp lực hơn, làm những vai khó hơn và luôn tư duy để các vai hay hơn. Làm việc với tâm hướng về nghề thì mọi thứ sẽ tốt hơn”, NSND Trung Hiếu cho hay.
Chia sẻ về việc thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ trẻ vướng ồn ào, bị va vấp về nghề nhiều, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho hay: "Làm quản lý ở lĩnh vực nghệ thuật rất khác, thứ nhất là giờ giấc, làm nghệ sĩ thì không phải kiểu sáng 8h đến, chiều 6h về thì tối ai diễn cho khán giả xem? Thêm nữa, đêm về chúng tôi vẫn viết kịch bản, sửa kịch bản. Với những câu chuyện riêng của các nghệ sĩ trẻ, mình sẽ phải xử lý sao cho hợp tình hợp lý.
Tôi thường bị mọi người nói là “chiều” và thương anh em quá. Nhưng mình không thương họ thì ai thương? Nhìn những chuyện này, chuyện kia lan truyền trên mạng, tôi buồn hơn họ”, NSND Trung Hiếu chia sẻ.
Nghệ sĩ sinh năm 1973 cũng mong muốn rằng, khán giả khi nghe câu chuyện nào đó phải bình tĩnh, phải nghe hai tai, bằng nhiều nguồn khác nhau, đừng nghe 1 chiều. Nếu không chỉ sau một lời bình luận nhật xét nào đó thì số phận nghệ thuật của một con người sẽ bị dừng lại, vì người tài, nhất là người tài làm nghệ thuật rất hiếm.
Về phương hướng hoạt động trong năm 2023, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, Hội sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động liên hoan như các cuộc thi tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch, chèo, cải lương, kịch nói, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc; phối hợp với Hội Liên hiệp cộng đồng người Việt tại châu Âu tổ chức Liên hoan giọng hát hay cho cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu.
Ngoài ra, Hội cũng sẽ tổ chức các trại sáng tác, các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các nghệ sĩ; phát động sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng hướng tới 50 năm thống nhất đất nước; tổ chức xây dựng đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu, đề án số hóa các tác phẩm sân khấu tiêu biểu, hội thảo khoa học về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Đảng về quy hoạch và kiện toàn xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 4 Giải A cho các vở diễn sân khấu xuất sắc năm 2022, gồm: Vở cải lương Đất liền và biển cả (Đoàn cải lương Hải Phòng); Vở kịch nói Mưa đỏ (Nhà hát kịch nói Quân đội); Vở chèo Đất liền và biển cả (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa); Vở bài chòi Cô Thần (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định).
Ban tổ chức cũng trao 4 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc, gồm: Giải Họa sĩ xuất sắc cho NSƯT Nguyễn Đạt Tăng (Hà Nội); Giải Đạo diễn xuất sắc cho NSƯT Trịnh Mai Nguyên (Nhà hát Kịch Việt Nam); Giải Biên đạo múa xuất sắc cho nghệ sĩ Hoài Anh (Nhà hát Chèo Hà Nội); Giải Nhạc sĩ xuất sắc cho NSƯT Tuấn Hải (Nhà hát Chèo Việt Nam).
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao nhiều hạng mục giải thưởng khác, gồm: 6 vở diễn đoạt giải B; 1 giải A cho sách nghiên cứu lý luận phê bình; 3 giải B cho tác giả kịch bản, sách nghiên cứu lý luận phê bình; 7 giải C, 2 giải Khuyến khích cho tác giả kịch bản; 10 giải cho các diễn viên xuất sắc…