Ở đâu có bộ đội là hát
Khi cả nước đang tưng bừng hướng đến kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, PV báo Người Đưa Tin tìm đến tư gia của NSND Tường Vi trên con phố Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để lắng nghe NSND Tường Vi chia sẻ về một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy đam mê.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng NSND Tường Vi vẫn minh mẫn, nước da hồng hào. Khi gợi nhớ về những ký ức trong chiến tranh, người nghệ sĩ gạo cội ấy không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn xúc động.
NSND Tường Vi nhớ lại những kỷ niệm trong chiến tranh chống Pháp (1953), những năm đó bộ đội miền Bắc đóng quân tại nhà bà ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Là gia đình có truyền thống cách mạng nên gia đình bà luôn được chọn là nơi đóng quân của bộ đội, sau những trận ta đánh thắng địch. Tại đây, hàng tuần, bộ đội sinh hoạt văn hóa văn nghệ trước khoảng sân khá rộng của gia đình. Trong thôn làng yên tĩnh, bộ đội hát vang những bài hát của nhạc sĩ Văn Cao...
“Những bài hát thời kháng chiến, dòng nhạc cách mạng đã thấm vào cô gái nhỏ như: Ngày mùa, Trường ca Sông Lô, Tiến quân ca, Bài ca không quân Việt Nam, Chiến sĩ hải quân... Tất cả đã thức dậy trong tâm hồn tôi như suối nguồn bất tận. Tôi thường ra cánh đồng tập hợp các bạn nhỏ trong xóm để hát và dạy cho các bạn. Không chỉ có vậy, mẹ tôi là người thích làm thơ và có giọng hát hay nên bà thường hò những điệu xứ Quảng... những điệu hò ấy đã đi vào hồn tôi. Tôi cũng may mắn đã được thừa hưởng chất giọng từ mẹ mình”, NSND Tường Vi chia sẻ.
Có lẽ, đến bây giờ, NSND Tường Vi vẫn không sao quên được một thời tuổi trẻ đam mê, đầy ắp nhiệt huyết và khát vọng. Một thời khói lửa chiến tranh, chim sơn ca đã hát say sưa cho bộ đội, thương binh nghe để giảm bớt đi sự đau đớn. NSND Tường Vi kể lại: “Hồi đó, Pháp dội bom, bà ngoại tôi mất. Nỗi đau mất mát chính là lý do tôi xung phong lên đường nhập ngũ năm 16 tuổi. Ngày ấy, tôi gầy và nhỏ. Khi nhìn thấy tôi, đồng chí bộ đội tuyển quân hỏi “Em nhỏ thế này mà đi bộ đội à?, gầy yếu thế này làm được gì?”. Lúc đó, tôi trả lời tức thì “Em hát được, đi bộ đội em hát cho bộ đội nghe”. Nghe tôi nói vậy, đồng chí yêu cầu tôi hát một bài. Đồng chí tuyển quân gật đầu và nói “Em đi bộ đội được”. Ngày được chọn nhập ngũ, ban đầu tôi học làm y tá ở quân khu V, ngoài việc tiêm thuốc, chăm sóc cho bệnh nhân. Mỗi khi có bệnh nhân nào đau quá, rên rỉ thì tôi động viên bằng cách: “Để em hát anh nghe nhé, cho đỡ buồn”. Những lúc đó bệnh nhân không rên rỉ nữa”.
Năm 1954, NSND Tường Vi cùng đồng đội tập kết ra miền Bắc, bà làm y tá tại bệnh viện Quân y 108. Để bệnh nhân bớt nỗi đau, bà tiếp tục mang lời ca tiếng hát phục vụ họ. Chính vì thế, bà được coi là một trong những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên hát cho bệnh binh nghe. Tiếng hát của bà được ví “át tiếng bom”, góp phần giúp các chiến sĩ quên đi đớn đau và yên tâm chữa bệnh.
“Mỗi lần nghe tôi hát, bộ đội vui lắm và họ thường đề nghị tôi hát nhiều hơn. Tôi thường hát những bài dân ca Nam Bộ, Lý vọng phu, hò Quảng...”, NSND Tường Vi chia sẻ thêm.
Trong những lần hát cho bệnh nhân có một nam bệnh nhân đặc biệt chú ý đến bà. Mãi sau này, bà mới biết người bệnh nhân ấy là đại tá của tổng cục Chính trị. Sau khi ra viện, vì yêu quý giọng hát của bà, ông đã trở lại bệnh viện Quân y 108 tuyển bà về hát tại đoàn ca múa tổng cục Chính trị. Tường Vi đã đồng ý, tạm biệt quân y về với lĩnh vực mới. Kể từ đó, NSND Tường Vi chính thức bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Hai năm sau, bà được đào tạo thanh nhạc bài bản, thi đỗ học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và được học với các chuyên gia thanh nhạc nhiều nước.
“Năm 1968, đoàn ca múa Tổng cục Chính trị từ Quảng Bình trở ra thì gặp một tiểu đoàn đặc công đặc biệt tinh nhuệ đi vào. Hai đoàn gặp nhau tại bến phà Long Đại (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Khi ấy các chiến sĩ đặc công hô to: “A, tổng cục Chính trị đây rồi! Có Tường Vi không?” - bên này đáp: “Có”. Thế là họ kéo tôi đứng lên mui xe rồi cùng hòa nhịp Tiếng đàn Ta-lư rộn vang cả một vùng. Khi tôi hát đến đoạn cuối cùng các chiến sĩ cũng “hú” theo. Thời điểm ấy, khi đi các chiến trường cứ gặp chiến sĩ là hát, sân khấu ngay giữa rừng, dù không có micro nhưng tôi vẫn say sưa, vút cao tiếng hát để chia sẻ gian khó với các chiến sĩ”, NSND Tường Vi chia sẻ.
Hoa nở giữa đời
Được biết đến là người thể hiện thành công các ca khúc cách mạng, NSND Tường Vi luôn nhận được những tình cảm yêu mến của khán giả. Ngày ấy, giọng ca của NSND Tường Vi xuất hiện nhiều trên sóng phát thanh và cứ mỗi lần nghe Tường Vi hát, ai nấy đều thấy rạo rực trong lòng.
NSND Tường Vi bày tỏ: “Còn nhớ, có lần tôi ra đĩa DVD, ra quán nhìn thấy đĩa của mình bày bán, có người khách một mực khẳng định “phải là đĩa có Tường Vi hát mới mua”. Lúc đó, tôi nói “Tường Vi nè” và họ cảm thấy vui mừng khi được nhìn thấy tôi một cách trực tiếp. Đó cũng là kỷ niệm không thể nào quên của tôi”.
Trong nhiều ca khúc cách mạng được NSND Tường Vi thể hiện thành công thì Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư là 2 ca khúc được khán giả đặc biệt yêu thích. NSND Tường Vi chia sẻ: “Hai ca khúc này đều vui nhộn, thể hiện tinh thần lạc quan, tiết tấu sôi động được các chiến sĩ rất yêu thích. Những sáng tạo riêng của tôi trong ca khúc Cô gái vót chông như đoạn satakco lên vút cao đã đi vào lòng người. Tôi thấy vui khi phần thể hiện của mình được nhiều người đón nhận. Những ca khúc ấy như vút lên lòng tin, niềm hy vọng của các cô gái đi chiến trường tải đạn về một ngày hòa bình, thống nhất đất nước”.
Trải qua hơn 40 năm đem tiếng hát của mình phục vụ chiến sĩ trong chiến trường, đến khi hòa bình, người nghệ sĩ ấy tiếp tục mang lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân. Mặc dù đã ở độ tuổi được nghỉ ngơi nhưng NSND Tường Vi vẫn miệt mài cống hiến, bà đã sáng lập 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển năng khiếu âm nhạc cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, mồ côi hoặc tổn thương về tình cảm.
NSND Tường Vi nói, đã hơn 20 năm, 3 trung tâm nghệ thuật tình thương vẫn hoạt động và tạo công ăn việc làm cũng như phát triển năng khiếu cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. “Một lần, tôi đi thăm làng SOS để hát cho các em nghe và được các em đề nghị dạy hát. Khi ấy, tôi nghĩ, tại sao không chứ, các em có thể bị khiếm khuyết các bộ phận, bị tổn thương tinh thần nhưng trái tim không tật nguyền. Chính vì vậy, tôi muốn âm nhạc là bác sĩ để chữa lành vết thương cho các em. Tôi đã tổ chức để các em đi đến trường học, hát cho học sinh nghe và sau đó nhận được những tình cảm đặc biệt, những lời nhắn gửi đầy xúc động của thầy cô ở nơi mà các em học sinh của tôi đến hát. Tôi tự hào vì điều đó”, NSND Tường Vi bộc bạch.
Cả cuộc đời gắn bó với màu áo lính, NSND Tường Vi đã có cả một kho tàng kỷ niệm. Những kỷ niệm đẹp đẽ không thể nào quên ấy chính là nguồn năng lượng nuôi dưỡng cảm xúc của người nghệ sĩ.
Mai Thu - Thanh Lam