Chào nghệ sĩ Chí Trung, năm 2020 là năm thử thách của nhiều Nhà hát, với tư cách là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh nhận định thế nào về tình hình biểu diễn của đơn vị mình năm qua?
Nhà hát Tuổi trẻ có bề dày thương hiệu tốt, chúng tôi được đánh giá là một đơn vị nghệ thuật có sáng tạo, nỗ lực. Tuy nhiên năm 2020, tình hình biểu diễn của Nhà hát bị chững lại do dịch Covid- 19, nhiều đêm diễn ở các nơi như: Nghệ An, Thanh Hoá… bị dừng lại, nhiều đêm diễn không thể sáng đèn, do quy định chung của việc phòng dịch là tránh tập chung đông người.
Từ tháng 5/2020, việc phòng dịch được nới lỏng, Nhà hát Tuổi trẻ lại có rạp tại chỗ, có cả diễn kịch, ca múa nhạc nên chúng tôi có biểu diễn một số đêm để phục vụ khán giả. Nhất là vào đợt 1/6 và rằm Trung thu, chúng tôi “bung ra” 100 suất diễn, nhiều vở kịch Lưu Quang Vũ được diễn lại. Cuối năm 2020, chúng tôi diễn vở Tốc độ. Hiện tại, các diễn viên đang gấp rút để tập các chương trình chào xuân với tên Thank xuân 21, chúng tôi sẽ bắt đầu diễn từ ngày 13/3. Chúng tôi mong dịch bệnh qua nhanh để có thế đưa diễn viên đi diễn khắp nơi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
Việc cố gắng thắp “đỏ đèn” sân khấu và lo thu nhập cho các diễn viên, cán bộ công nhân viên Nhà hát có khiến anh “mất ăn mất ngủ”?
Kể cả có dịch bệnh hay không thì các Nhà hát vẫn nghèo như thế. Nếu không tự chủ được, không bán được vé thì vẫn chỉ có một số tiền cố định của Bộ “rót” về, lương thưởng bao nhiêu năm nay vẫn ít vậy. Đầu năm 2020, tôi làm một việc “kinh thiên động địa” đó là đưa gần 70 người ra khỏi hệ thống lương của Nhà hát, gồm diễn viên kịch, ca kịch. Đó là chủ chương của bộ VH,TT&DL, bộ Nội vụ nhiều năm qua là cắt giảm nhân sự nhưng Nhà hát cố cầm cự nhiều năm qua và đến năm nay thì không trụ được nữa. Tôi chuyển những người trong biên chế thành hợp đồng thời vụ, khi nào có vở, có vai thì có tiền. Trước đây, chị Vân Dung có 5-6 triệu tiền lương/tháng, nay thì chỉ 2-3 triệu/tháng và tự đóng bảo hiểm. Diễn viên có vai mới có tiền. Nhưng nói chung là tình hình Nhà hát cũng khá khó khăn. Tuy nhiên, với vai trò đứng đầu Nhà hát thì Ban lãnh đạo cũng đang cố gắng để mang thu nhập về cho anh em diễn viên.
Nhà hát Tuổi trẻ được xem là một trong những nhà hát tự chủ về kinh tế khá tốt. Việc bán vé cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Có vẻ như, tình hình kinh doanh của Nhà hát rất thuận lợi?
Đừng nhắc đến Nhà hát với từ kinh doanh. Chúng tôi không bán vé để kinh doanh. Chúng tôi làm nghề trước hết là đam mê với nghệ thuật. Làm diễn viên sân khấu không bao giờ giàu cả. Ngay cả những nghệ sĩ có tên tuổi thì họ làm việc ở Nhà hát với mức cát - xê rất thấp. Có khi chỉ bằng một bát phở ngon. Bản thân là Lãnh đạo của Nhà hát, thì tôi thương diễn viên. Đừng nhìn hào nhoáng bên ngoài mà nói chúng tôi kiếm tiền, thu lợi nhuận.
Khán giả không biết rằng, để bán được vé, thậm chí tôi là Giám đốc nhà hát cũng phải đi đến các công ty, tập đoàn để "bán vé". Chúng tôi không ngại điều đó. Cứ có khán giả, có người xem là chúng tôi vui và diễn hết mình.
Nhà hát Tuổi trẻ là nơi làm việc của nhiều diễn viên trẻ đang rất nổi hiện nay như: Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Đỗ Duy Nam, Phan Thắng, Lương Thu Trang? Anh có tự hào khi họ trưởng thành từ Nhà hát của mình không?
Tôi thấy vui khi càng ngày nhiều diễn viên trẻ trưởng thành. Thời trước các nghệ sĩ như: Lê Khanh, Đức Khuê, Sĩ Tiến, Vân Dung… cũng từng trưởng thành từ đây. Giờ đến lượt các em trẻ, các em cũng may mắn vì bây giờ là thời của phim truyền hình, các em có cơ hội thử sức và toả sáng. Tôi không tự hào kiểu vênh váo, không biết mình là ai. Thực ra, đây là trào lưu chung, các diễn viên nhiều Nhà hát họ cũng thế. Các diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật là “ngôi sao sáng”, thì các lãnh đạo cũng tự hào.
Tôi từng phát ngôn “tôi không xem phim Việt Nam”, nhưng ba năm trở lại đây, tôi lại xem phim truyền hình vì chất lượng được nâng cao. Từ kịch bản, đạo diễn, bối cảnh, diễn viên được đầu tư, phim hay diễn viên được lợi, thì các Nhà hát cũng được hưởng lợi. Tôi luôn trân trọng những diễn trẻ giữ được cái tâm tốt, không mắc bệnh ngôi sao, bởi vì nếu cái “tôi” quá cao thì dễ bị khán giả quay lưng, khán giả nâng họ lên được, thì cũng dìm họ được.
Tôi quý Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang… bởi các em rất ngoan, ra ngoài có nổi tiếng cỡ nào, ngôi sao ra sao nhưng Nhà hát có việc, gọi là họ về. Tôi cũng nói với các trưởng đoàn là nếu có kế hoạch diễn thì phải báo trước với họ 1 tháng, thậm chí 2 tháng để họ sắp xếp thời gian. Như Thanh Sơn đợt quay phim Tình yêu và Tham vọng, cậu ấy quay ở Phú Yên nhưng cứ đến thứ 7 là bay ra Hà Nội để diễn kịch, có hôm 7h tối mới tới nơi, sáng hôm sau lại bay vào Phú Yên, mà cát - xê ở nhà hát chỉ có 200 nghìn. Thời gian đó cũng là dịch Covid- 19 và có bão lũ nhưng tuần nào em ấy cũng đi lại như vậy. Mãi sau này tôi mới biết em ấy tự bỏ tiền túi ra để đặt máy bay đi về, tôi đề nghị Nhà hát hỗ trợ nhưng em ấy không nhận. Em ấy bảo “đó là trách nhiệm của em, em phải diễn để phục vụ nhà hát”.
Ngay từ lúc tôi làm trưởng đoàn, tôi đã bảo với anh em là phải tạo điều kiện cho các diễn viên làm nghề. Họ là những chủ thể, là ngôi sao thì không thế ép như một cái máy được. Diễn viên tập vẫn có kíp 1 và kíp 2, để nếu diễn viên này bận thì đã có người diễn thay, mình sống có trước có sau thì họ mới có tâm với Nhà hát, không thể dùng mệnh lệnh chính quyền để ép buộc được.
Đầu năm 2021 tình hình hoạt động của Nhà hát có gì mới không anh?
Nhiều năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng được thương hiệu cho mình là phát triển mảng hài kịch. Khán giả của chúng tôi là từ các em nhỏ 3-4 tuổi đến 30 tuổi. Vì thế các chương trình chúng tôi xây dựng đều là nhưng tiểu phẩm, kịch bản mang màu sắc trẻ trung, vui nhộn. Ngay khi dịch Covid- 19 được kiểm soát và việc biểu diễn được tiếp tục hoạt động thì chúng tôi sẽ ra mắt chương trình ca múa, kịch Thank xuân 21. Với sân khấu được đầu tư đẹp mắt, dàn diễn viên trẻ hùng hậu đầy nhiệt huyết và rất cố gắng rèn luyện bản lĩnh sân khấu, chúng tôi sẽ cống hiến cho khán giả nhiều tiết mục âm nhạc sôi động, hấp dẫn.
Với loạt hài kịch, ca kịch đầu năm 2021, khán giả được gặp lại những giai điệu sôi động mang tinh thần phóng khoáng của tuổi trẻ qua các ca khúc "hot" nhất trong năm như: Thanh xuân của chúng ta (Châu Đăng Khoa), Đúng người đúng thời điểm (Thanh Hưng), Thích rồi đấy (Khắc Hưng), Sống trẻ từng giây (Huỳnh Hiển Năng), Có không giữ, mất đừng tìm (Bùi Công Nam), Em không sai, chúng ta sai (Nguyễn Phúc Thiện), Trên tình bạn, dưới tình yêu (Khắc Hưng)… Các vở hài như: Chiếc hòm bí mật, Thank xuân và Kiều vẫn do các diễn viên được yêu thích như: Thu Quỳnh, Phan Thắng... biểu diễn.
Chúng tôi hy vọng rằng, những nỗ lực của mình sẽ được khán giả ghi nhận. Mong khán giả nhớ đến Nhà hát Tuổi trẻ với những chương trình đậm chất nghệ thuật phục vụ nhu cầu khán giả.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!