Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, NSƯT Chí Trung - Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cho biết: "Nhà hát Tuổi trẻ được định danh về kịch rất mạnh. Tuy nhiên, gần đây khi sân khấu trở thành thứ yếu trong lòng người dân thì tôi lại xoay chuyển nhà hát trở thành ca múa. Bởi ca múa dễ tiếp cận với khán giả, tiếp cận với mọi thứ, tiếp cận với nhiều không gian hơn. Vậy đặt ra câu hỏi: Nếu bạn là lãnh đạo một đoàn ca múa chưa thành công và chưa ai biết đến nhiều thì bạn sẽ làm gì?
Vừa rồi trong cuộc họp, tôi cũng chia sẻ với các anh em trong cơ quan: Nhà hát của chúng ta là lợi thế nhất cả nước, bởi vì chúng ta có đội ngũ diễn viên đầy đủ ca, múa, nhạc, kịch. Hơn thế nữa chúng ta có một thương hiệu của các cô chú trước đây để lại. Vì thế, mọi người cần phải cố gắng gấp đôi, thậm chí gấp ba".
"Tôi nói với diễn viên của mình. Nhà hát Tuổi trẻ được ví như một con tàu rất to, chúng ta rất thương yêu nhau nhưng con tàu này rất ì, rất chậm, các bạn hãy vì tập thể, cùng nhau đoàn kết, phải thay đổi tư duy, tiến ra biển lớn thì mới có được khán giả. Chúng ta chỉ gọi khán giả lại, kêu cứu mọi người đi xem mà không chịu hòa vào dòng chảy chung của xã hội thì sao có thể phát triển, có thể tiến bộ được" - Nghệ sĩ Chí Trung bộc bạch.
NSƯT Chí Trung cho biết thêm: "Mỗi thế hệ đều có một kiểu, một cách riêng, chúng ta lo thì lo suốt đời. Nhưng có một thực tế là nhiều người mong muốn nhanh chóng được thành công, dẫn đến sự chộp giật là có thật. Nó gây ra tình trạng là tự đốt cháy mình lên để nhanh kiếm tiền, nhanh có được thương hiệu. Các bạn trẻ các bạn không có thời gian để rèn luyện cho nghề. Nhưng nói như vậy cũng chưa đủ. Có những người rất nông cạn, chỉ muốn nổi tiếng nhanh để kiếm tiền nhiều mà không phải làm gì, không phải tập, chỉ thích chơi thôi như vậy không được.
Nhưng ngược lại, có những bạn rất trẻ nhưng rất say mê luyện tập, say mê trau dồi, đọc sách rồi tham khảo mọi thứ. Mỗi một thế hệ đều tồn tại những tính cách khác nhau, chúng ta hãy cứ yên tâm. Không có gì hơn cái gì và không có gì kém cái gì cả, mỗi người phù hợp cho một sản phẩm văn hóa, phù hợp cho văn hóa thu nhận khác nhau. Cho nên chúng ta đừng lo cho lớp diễn viên trẻ, rồi đâu sẽ vào đó thôi. Những bước ngây dại đầu tiên nó sẽ có những cái dở nhưng sẽ cũng có những cái hay riêng của nó".
Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cho biết thêm: "Mọi người hay bảo Chí Trung thức thời lắm. Tôi thì tự nhận mình là người khá hiện đại. Buối sáng uống cafe rồi đi làm. Buổi trưa ngoài việc ăn cơm và nghỉ ngơi ở nhà ra thì hầu như tôi sẽ dành phần lớn thời gian của mình cho Nhà hát. Buổi tối, trước khi đi ngủ mới là khoảng thời gian tôi dành cho mình, lên mạng, lướt Facebook, Zalo… Một ngày cũng như bao ngày khác, là một guồng quay không biết mệt mỏi như vậy. Mọi thứ thường xuyên được cuốn đi mà không thấy chán, đơn giản vì khi mình yêu thì mình không thấy chán.
Khi hỏi, Tết của anh diễn ra như thế nào? Nghệ sĩ Chí Trung cho hay: "Nghe có vẻ hơi điên rồ nhưng Tết tôi vẫn đến Nhà hát. Vì ở nhà hai vợ chồng đều lớn tuổi rồi, già rồi, gần 60, con cái cũng lớn có gia đình rồi thì quanh đi quẩn lại chỉ có ăn thôi, xem phim mở phim mãi cũng chán nên tôi lại quay trở lại Nhà hát đọc kịch bản.
Tết nào cũng 30 tết tôi ở nhà, sáng mùng 1 tôi đã đến Nhà hát đọc kịch bản. Tôi không có nhiều thú vui lang thang bạn bè nhiều, tất nhiên nhậu thì ra nhậu thôi. Tôi không hề thích Tết vì phải nghỉ".