Bước chân đặt lên thảm... gai
Tiếp nhận thông tin sẽ được gặp người nghệ sĩ thủ vai Thị Nở lừng danh năm ấy, tôi đặt ra cho mình những dự đoán mông lung. Phỏng vấn một người nghệ sĩ đặc biệt, tôi không khỏi hoang mang. Bà đặc biệt vì là NSƯT nhưng trong nghiệp diễn của mình, bà chỉ nhận vỏn vẹn hai vai chính, nhưng người ta chỉ nhớ đến vai diễn Thị Nở trong "Làng Vũ Đại ngày ấy". Cái bóng của Thị Nở quá lớn, lớn đến nỗi, sau vai diễn này, bà đã phải chuyển nghề.
Cũng chính vì điều đặc biệt đó mà câu chuyện của bà về Thị Nở đã được khai thác rất nhiều. Nhưng, sự tò mò lấn át nỗi sợ... đổ bài. Tôi đến gặp bà. Trước khi gặp, tôi đã tránh mọi suy nghĩ về ngoại hình của bà, có lẽ không nên hy vọng nhiều lắm, vì bà thủ vai Thị Nở. Nhưng có lẽ tôi đã tế nhị thừa, bà đón tôi bằng nụ cười đôn hậu và ánh mắt hiền từ. Bà đẹp, và trẻ hơn tuổi 75 rất nhiều. Có lẽ tôi đã "đứng hình" một lúc mà ngôn từ rủ nhau đi đâu hết khiến bà phải bắt chuyện: "Cháu tên gì?".
Nghệ sĩ Đức Lưu và vai diễn để đời "Thị Nở".
Sau màn chào hỏi không thể thiếu, bà chia sẻ nhiều về những chiêm nghiệm trong cuộc đời, về sự sống và cái chết,... Nhưng tôi sẽ gác lại để chia sẻ sau, vì có lẽ độc giả muốn gặp Thị Nở trước. Dù NSƯT Đức Lưu có nói lúc đầu buổi phỏng vấn rằng người ta đã khai thác rất nhiều về vai diễn Thị Nở, bà chẳng có gì mới để chia sẻ, có vẻ bà đã... chán. Nhưng không, khi nhắc đến Thị Nở, bà nở một nụ cười rạng rỡ và ánh mắt trở lên sáng lạ. Bà cười, như bốn phía căn phòng là khung cảnh của 30 năm trước, khi bà ngủ, ăn, sống cùng Thị Nở. Hóa ra vẫn còn những điều bà chưa kể.
Kỷ niệm và cảm xúc ùa về, bà nhớ lại những ngày đầu nhận vai Thị Nở. Vai diễn đẹp đã khó chọn người, vai diễn xấu xí còn khó hơn. Vì Thị Nở không những xấu mà còn xấu thậm tệ, nhưng lại xấu đáng yêu, xấu hóm hỉnh. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đi tìm ngót một năm mà không được ai, NSND Trà Giang, NSƯT Thụy Vân, diễn viên Thu Hiền... đều đã thử nhưng không đạt. Đến lượt, NSƯT Đức Lưu là người thứ 7, đạo diễn Phạm Văn Khoa, người mà NSƯT Đức Lưu gọi một cách thân tình là "anh Khoa" không yêu cầu bà thử mà đến gặp bà với một đề nghị: "Anh mời em đóng một vai nhưng chỉ sợ cô không có lòng dũng cảm để nhận". NSƯT Đức Lưu đáp lại: "Em chỉ sợ em không có tài năng". Bà nhận vai Thị Nở như thế.
Tôi thắc mắc về việc hóa trang, NSƯT Đức Lưu liền lấy ảnh của bà hồi trẻ. Bà sở hữu nét đẹp hiền dịu và phúc hậu. Xem ảnh bà thời đó tôi còn phục người hóa trang hơn. Bà cười bảo: "Đó là cái tài của người ta, nhưng hóa trang còn tùy vào khuôn mặt con người, có bột mới gột nên hồ. Thị Nở là một vai khổ, hóm hỉnh, hóa trang làm sao mà phải xấu nhưng vẫn dễ thương thì mới thành công. Vì nhân vật của bà dễ thương theo kiểu đáng thương, xấu mà người ta không ghét vì Thị Nở vẫn có nét đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam".
Để có một Thị Nở khuôn mặt xấu xí, bà đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đưa đến bệnh viện Việt Đức để "thửa" riêng một bộ răng đen hạt nhót. Còn khi diễn thì mũi phải đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở đầu mũi, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt. Nói chung là sau khi hóa trang bước ra, cả đoàn làm phim đều ồ lên: "Thị Nở đây rồi!".
NSƯT Đức Lưu dành cho "anh Khoa" một sự trân trọng thể hiện qua từng câu nói, tôi hỏi liệu bà có cảm thấy đạo diễn Phạm Văn Khoa có cao tay không khi đưa cho bà kịch bản không có pha lật yếm, đến khi diễn gần xong rồi mới thêm vào? Bà trả lời với vẻ thán phục: "Tôi cho rằng đó là nghề của người đạo diễn. Nhờ vậy mà tôi có được một vai diễn để đời".
Một cảnh trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt...
Cũng giống như nhiều người đọc tác phẩm của Nam Cao, NSƯT Đức Lưu cảm động với phân đoạn diễn cảnh bát cháo hành. Bà đã có những xúc động thực khi được GS Hoàng Như Mai giảng hồi học văn tại đại học Tổng hợp. Ngày đầu đến trường quay, bà chọn ngay phân đoạn cao trào này để diễn thử và chỉ quay một lần là được. Đoạn phim mà khán giả xem sau này chính là cảnh quay đầu tiên "một phát ăn ngay" đó. Bà nói rằng đó là những giây phút xuất thần, khi những rung động của con người kết hợp với sự sáng tạo của người nghệ sĩ, đó là những khoảnh khắc không bao giờ có thể lặp lại.
Nhưng không có thành công nào dễ dàng, bà kể về quãng thời gian bộ phim bị kiểm duyệt, cũng chính cảnh quay "lật yếm" ấy. Phim qua tay người nào là người đó muốn ghi dấu ấn của mình lên phim, chỉnh sửa cắt xén. "Cắt đến nát cả phim. Đặc biệt cảnh Chí Phèo lật chiếc yếm của Thị Nở lên để thò tay vào, ông nào cũng muốn cắt. Người ta sợ nó ảnh hưởng xấu đến thanh thiếu niên. Phim cứ duyệt lên duyệt xuống, phải đến khi chính cố Tổng Bí thư Trường Chinh duyệt, ông nói : "Cắt đi còn gì là "Chí Phèo" nữa?". Thế là phim được chiếu, không thể diễn tả được sự sung sướng của chúng tôi", NSƯT Đức Lưu nhớ lại.
Khi ấy, bộ phim được công chiếu đồng loạt tại tất cả 7 rạp ở Hà Nội, rạp này chiếu thì người của rạp khác đã đứng canh ở cửa để xong một cuộn mang ngay về (Phim gồm 7 cuộn, mỗi cuộn dài 10-15 phút). "Người ta đi xem như trẩy hội, bạn bè ai cũng muốn được một chiếc vé mời nhưng vé mua còn chẳng có, nhiều khi tôi còn phải trốn đi", bà chia sẻ đầy tự hào.
Sau khi công chiếu, bà nhận được vô vàn lời khen ngợi của công chúng, người ta nhận ra bà ở khắp nơi. Bà kể: "Sau ngày đầu tiên, tôi không đi nổi ra đường. Nhà tôi khi đó ở Mã Mây, đi ra chợ Đồng Xuân thì cô bán thịt quẳng thịt vào giỏ đến bà bán rau bảo: "Thị Nở cầm rau về mà ăn". Người đi chợ, người bán hàng đều chạy ra nắm tay, cầm chân, hạnh phúc lắm. Cảm giác như người ta thấy rất vinh hạnh khi được nói chuyện với diễn viên. Tôi được hâm mộ nồng nhiệt đến nỗi tối hai vợ chồng ăn phở ở Mã Mây cũng có nhiều người nhận ra Thị Nở, họ là những lao động nghèo. Hạnh phúc lắm chứ, họ còn nói với tôi: "Chúng em khổ lắm chị ơi, đời của em tưởng là hết nhưng không ngờ Thị Nở của chị còn khổ hơn em nhiều".
Sau vai diễn đó, bà phải từ bỏ nghiệp diễn để về Thành ủy Hà Nội làm ở ban Đối ngoại, giữ chức thư ký thường trực của Ủy ban Đoàn kết với các nước. Bà đã rất đau khổ về điều đó nhưng bản thân bà hiểu rõ hơn ai hết, cái bóng của Thị Nở quá lớn. Đã có lần bà ngỏ ý với đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn đóng vai mẹ của Đặng Thùy Trâm, nhưng đạo diễn sợ khi bà ló mặt ra màn ảnh người ra lại bảo: "Ô Thị Nở" thì hỏng phim. Hình ảnh Thị Nở Đức Lưu đã trở thành ấn tượng không bao giờ phai, nói cách khác, NSƯT Đức Lưu đã bị đóng đinh vào Thị Nở, nhắc đến NSƯT Đức Lưu, người ta nhớ đến Thị Nở và nhắc đến Thị Nở, người ta nhớ đến NSƯT Đức Lưu.
Thị Nở Đức Lưu của thì hiện tại.
Bước ngoặt tình yêu
Gạt bỏ những tham - sân - si ở đời, NSƯT Đức Lưu hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Nhắc lại mối tình của mình với nhà thơ Chính Hữu, bà chỉ nói vỏn vẹn vài câu. Hồi ấy, hai người yêu nhau khi bà còn trẻ, thời chiến tranh gian khổ nhưng cũng đầy mơ ước. Trong suốt những năm yêu nhau, chính nhà thơ Chính Hữu đã có công hướng bà vào con đường văn học nghệ thuật. Nhưng tình yêu ban đầu ấy đã kết thúc bởi một sự hiểu nhầm rất nhỏ mà sau này bà cho đó là số phận... Hai người nghệ sĩ đã chia tay...
Ít ngày sau, người ta thấy bà ở sân trường đại học Tổng hợp với tư cách một sinh viên theo học tại chức môn tiếng Anh của trường. Cô diễn viên chính trong phim "Cô gái công trường" đi học một mình những buổi tối khuya mà không có một ai đưa đón. Ngồi cạnh tôi, bà bồi hồi nhớ lại những ngày đầu gặp người chồng quá cố của bà.
Ánh mắt trìu mến, bà kể: "Ngày xưa chúng tôi yêu nhau không như thanh niên bây giờ. Ông nhà tôi hồi đó là giáo sư học ở Cộng hòa Dân chủ Đức về, người có dáng vẻ đạo mạo của một thầy giáo nhưng thật ra tính tình rất rụt rè khi tiếp xúc với phụ nữ. Thấy tôi lủi thủi đi bộ từ trường về nhà tập thể của trường Điện ảnh tại số 36-38 Cao Bá Quát, anh đã xin phép tôi: “Được đưa chị về nhà”. Cứ như thế tình yêu giữa chúng tôi phát triển một cách trong sáng vào lúc nào không rõ. Anh ấy lại ở ký túc xá của trường đại học Tổng hợp ở phố Lò Đúc, có những tối thứ bảy, Chủ nhật anh ấy tiễn tôi về Cao Bá Quát, tôi lại tiễn anh ấy trở về Lò Đúc, tiễn đi tiễn lại vài ba lần trong một tối... Và chẳng biết đã nói những chuyện gì mà sao quãng đường đi nhanh đến thế... Phải chăng là tình yêu...?".
"Một năm sau chúng tôi làm đám cưới đúng ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11. Vì sinh viên trường Điện ảnh phải ký cam kết học xong ba năm mới được sinh con nên năm 1965, con trai lớn của chúng tôi ra đời. Cùng năm đó, Mỹ bắt đầu đánh chiếm miền Bắc. Cuộc sống của gia đình hòa trong bầu không khí chung của đất nước, mỗi người một nơi theo cơ quan đi sơ tán. Chồng tôi làm việc, giảng dạy còn tôi học tập, nuôi con, biểu diễn phục vụ đi khắp các nẻo đường chiến trường đồng bằng, miền núi, hải đảo. Cuộc sống gia đình cứ như thế trôi đi tròn 10 năm cho đến khi giải phóng Sài Gòn. Tôi được đứng trong hàng ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội vào tiếp quản Sài Gòn, khi ấy, tôi đã gặp gỡ các nghệ sĩ tên tuổi như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Phùng Há, Năm Châu... Vài năm sau, gia đình tôi lại chào đón một cậu con trai ra đời. Đây chính là người con mà sau này khán giả cứ tìm đến để xem mặt con Thị Nở như thế nào".
24 năm sau khi Thị Nở của Đức Lưu ra đời, như một cơn sét giáng xuống gia đình người nghệ sĩ, chồng bà đã bị đột quỵ, mất ngay tiếng nói và liệt bán thân. Gần 5 năm chăm sóc, bà đã trở thành ôsin, y tá, bác sĩ của riêng ông. Cùng với các con, bà hết lòng cứu chữa, hy vọng ông sẽ bình phục. Nhưng như ngọn đèn đã hết dầu, ông ra đi trong sự trợ niệm của các đệ tử nhà Phật. "Ông đã được siêu thoát về nơi cực lạc", bà mỉm cười nhìn tôi và khoe các con bà đã xây cho bà một ngôi mộ nằm ngay cạnh ông tại cánh đồng Tế Thánh, Ba Vì, Hà Nội.
"Tôi đang chuẩn bị cho sự “ra đi” của mình"
Một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết với màu xanh áo lính, một đời diễn đầy vinh quang với một vai đóng đinh, một sự nghiệp ngoại giao thành công và một gia đình êm ấm, với một người phụ nữ có thể như thế đã là viên mãn nhưng với NSƯT Đức Lưu dường như chưa đủ... Bà còn muốn làm thật nhiều, gieo yêu thương thật nhiều tới những phận đời thiếu may mắn.
Ít ai biết rằng, người phụ nữ tuổi thất thập ấy từng một mình xách túi lên đường làm từ thiện. Bà chia sẻ: "Thấy sức mình khỏe đi được là đi. Có người gọi đi làm việc phúc đức là đi. Tôi giúp đỡ những người nghèo khó bằng hiểu biết hoặc bằng vật chất, góp phần nhỏ bé của mình cho công bằng xã hội, nhất là những người nghèo. Dù là vật chất hay tinh thần, điều gì có thể làm giúp người ta được thì tôi làm đến cùng. Đây là một điều rất khó vì phải đấu tranh với sân si của bản thân mình".
Nhìn lại đời mình, NSƯT Đức Lưu nhận ra cuộc sống chỉ như một gang tấc. Bà coi cái chết như một quy luật của sự sống. "Nếu cứ sợ chết thì chẳng dám làm gì cả. Theo đạo Phật cuộc sống mỗi người là một báo thân, cái chết là sự thay đổi một kiếp người. Tôi đang chuẩn bị cho cái chết của mình. Nào ai biết trước giờ nào mình chết, chỉ một tích tắc tim ngừng đập, hơi thở không còn là kết thúc cuộc đời. Vì vậy, điều gì có thể làm được trong tầm tay là tôi làm ngay, miễn điều đó mang lại lợi ích cho ai đó", bà nói.
Bà đã quy y cửa Phật từ năm 2004 tại chùa Yên Tử và được nhận pháp danh Tâm Tịnh Năng. Rèn mình theo những điều Phật dạy, bà quyết ăn chay, thường xuyên tụng kinh niệm Phật, tâm niệm không bao giờ sát sinh và luôn mong muốn được phóng sinh. Vui vẻ, thảnh thơi với cuộc sống, bà chia sẻ: "Để làm được như thế rất khó. Hết đời mới có những giây phút như thế này, tôi được làm chủ bản thân mình, chủ động làm theo những gì trái tim mách bảo và không bị phụ thuộc vào ai".
Gạn hỏi về cảm nhận của bà, không biết bà thích thời Thị Nở hay thích cuộc sống hiện tại hơn, bà trả lời đơn giản: "Thời Thị Nở là khi tôi còn trẻ. Còn tuổi trẻ là còn phải làm việc cống hiến. Đó là thời khắc mỗi người cần phải viết lên trang sử của đời mình, lúc đó phải phấn đấu để có những thành quả, hoàn thành lịch sử cho cuộc đời. Có Thị Nở thì mới có tôi tự do tự tại ngày hôm nay. Hiện tại tôi có thể bằng lòng với những gì mình đã có và chỉ ngày đêm cầu nguyện được vãng sinh về nơi đất Phật cực lạc".
"Để tìm diễn viên đóng thế pha "lật yếm", đạo diễn phải tìm một cô người mẫu ở trường Mỹ thuật Yết Kiêu Hà Nội. Diễn đến đoạn lật yếm thì bà phải đứng dậy để lấy quần áo cho cô ấy mặc vào. Khi cô ấy nằm xuống, thấy Chí Phèo đưa tay lật yếm thì cô ấy sợ đến dúm người lại. Đương nhiên đạo diễn không chấp nhận và phải gặp riêng cô ấy để nói chuyện. Nhưng đến lúc diễn lại thì cô ấy lại nằm đuỗn ra, Chí Phèo đưa tay vào mà như không có cảm giác gì. Cả hai trạng thái đó đều không đạt. Cứ thế riêng cảnh quay ấy phải tập cả tuần, váy áo cứ cởi ra lại mặc vào, nát hết cả chuối cả rau của dân. Lúc ấy, anh Bùi Cường mới cưới vợ, người vợ của anh cũng theo đoàn ra xem anh diễn làm cho Bùi Cường càng thêm khó diễn. Nói thế để thấy rằng chỉ một phút trên phim nhưng đòi hỏi rất nhiều tài năng và công sức", NSƯT Đức Lưu chia sẻ. Năm 2012, Thị Nở Đức Lưu mới được phong NSƯT. Ở độ tuổi 74, bà gần như là người cuối cùng được phong danh hiệu so với các nghệ sĩ cùng thời. Nói về chuyện này, bà cười: "Thật ra người ta cứ tưởng NSND từ lâu rồi. Khi người nghệ sĩ không được ghi nhận thì cũng cảm thấy đau khổ, thiệt thòi, nhưng vinh hoa mỗi người một khác, ghi nhận đáng giá nhất đến từ phía người dân. Tôi không xin, không cúi đầu vì cả một đời vinh hiển nhân dân đã ban cho tôi". Khuôn mặt bà luôn rạng ngời khi nói về Thị Nở, ngay cả khi được hỏi về những phiền toái mà Thị Nở đem lại. Bà chấp nhận nó như là hai mặt của một vấn đề, không có vinh quang nào mà không phải đánh đổi, mà phiền toái cũng chứng tỏ sự thành công trong diễn xuất. Bà nói, người ngoài thì khen hết lời nhưng gia đình bà lại đau khổ, con bà khi đó nhỏ tuổi, chưa hiểu biết, đi học bị bạn bè trêu ghẹo là thằng bé sinh ra ở lò gạch. Còn chồng thì thông cảm hơn nhưng chẳng đức ông chồng nào thích vợ mình xấu, càng không muốn người ta bình luận về vợ mình. "Ông nhà tôi vốn là trí thức hiền lành, nhưng có một hôm đi làm về ông nói: "Em ơi hôm nay em bị làm nhục, anh đi đường người ta gọi: "Này! Chí Phèo! Chí Phèo!". Có lẽ người ta chỉ gọi cho vui nhưng vì ít hiểu biết nên đã vô tình xúc phạm. Bạn ông ấy thì hỏi : "Vợ mày đóng phim đó được bao nhiêu tiền?". Đó là những nỗi khổ không ai hiểu được", NSƯT Đức Lưu chia sẻ. |
Thanh Xuân