Người ta biết đến Thanh Điền khi ông diễn xuất thành công trong vai thầy giáo Bảy trong phim Đất Phương Nam hay vai quan huyện trong nghêu, sò, ốc, hến. Khán giả biết đến Thanh Kim Huệ trong vai Lan trong vở Lan và Điệp hay nàng Hến đỏng đảnh, lả lướt gợi tình viên quan huyện háo danh (đóng cùng Thanh Điền trong vở nghêu, sò, ốc, hến). Nhưng ít ai biết rằng, ngoài đời, cặp đôi NSƯT ấy lại là cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp nhất mà giới nghệ sĩ đã gạn lọc suốt nửa thế kỷ qua. Gần 40 năm chung sống cùng nhau, đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của nghiệp diễn, đi qua biết bao sóng gió dập vùi mà họ vẫn đứng vững, vẫn tràn trề tình yêu cho nghệ thuật và cuộc sống.
NSƯT Thanh Điền vẫn giữ được nét tươi trẻ mặc dù đã bước vào tuổi liên lão
Từng muốn đi chăn vịt vì bất mãn với nghệ thuật
Sinh ra tại một làng quê nghèo của vùng Long Xuyên (An Giang), thuở thiếu thời, Thanh Điền từng ôm mộng được đi hát, được đưa làn điệu dân ca da diết, trầm bổng và sâu lắng của loại hình nghệ thuật cải lương đi vào lòng người. Cha ông là một tay đờn nức tiếng thời bấy giờ, còn mẹ lại là một võ sư. Sự trái ngược ở cả hai môn phái thuộc hạng bần hàn khi ấy của cha mẹ đã không cho phép Thanh Điền theo nghiệp của đấng sinh thành. Tuy nhiên, cái âm thanh da diết, trầm lắng lại não nề của tiếng đờn người cha cùng những đường quyền uyển chuyển, mạnh mẽ, điêu luyện của mẹ đã được Thanh Điền tiếp thu trọn vẹn. Trong số 9 anh chị em của ông thì có 3 người đi theo con đường nghệ thuật. Theo đoàn hát được vài năm, cuộc sống lênh đênh vạn kiếp trên những con thuyền chòng chành mà vẫn thiếu ăn thiếu mặc, quá bất mãn với cuộc sống thực tại, Thanh Điền bỏ đoàn hát về nhà.
Để quyết tâm dứt nghiệp cầm ca, Thanh Điền đã cạo trọc đầu và sống ẩn mình trong căn nhà lá. Ngày ngày ngắm nhìn ra khoảng sông nước trắng xóa bao la trước mặt, ông nghĩ đến nghề… chăn vịt. Suy nghĩ chưa kịp thực hiện thì con tim Thanh Điền lại thổn thức, nao núng vì mỗi ngày tiếng nhạc vọng cổ vang lên, già trẻ, trai gái trong ấp nô nức đi xem hát. Ông xin trở lại đoàn hát khi cái đầu cạo trọc chưa đủ thời gian mọc tóc. Lần này, Thanh Điền tự hứa với lòng mình là sẽ không bao giờ từ bỏ đoàn hát nữa bởi ông ngẫm ra, đời mình sinh ra chỉ dành cho nghiệp cầm ca.
Nụ cười hạnh phúc của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ
Vừa tham gia đoàn một thời gian, một sự cố thoát chết hy hữu của cả đoàn hát khiến Thanh Điền nhớ mãi. Ông trở thành người hùng khi một mình giải cứu cho mấy chục con người trong gánh hát thoát chết trong gang tấc bởi thủy thần.
Với đặc thù sông nước mênh mông ở vùng Tứ giác Long Xuyên lúc bấy giờ, đi lại của người dân chủ yếu bằng xuồng, đò nên đoàn hát của Thanh Điền mỗi khi đi lưu diễn thì phương tiện duy nhất là chiếc đò. Một sớm tinh mơ, gánh hát của Thanh Điền đã chuẩn bị tư trang sẵn sàng để xuống đò. Mái chèo khua được một đoạn khá dài thì bất lình con đò bỗng từ từ chìm xuống. Nước lập tức tràn vào khoang thuyền, mọi người hoảng loạn la hét cầu cứu náo động cả bến sông. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Thanh Điền, ông nhảy xuống khoang đò, đập cửa ra cho thoáng rồi người khỏe dìu người yếu, có sự trợ giúp của nhân dân xung quanh đưa toàn bộ đoàn hát lên bờ an toàn. Vào đến bờ rồi, mọi người vẫn không tin mình còn sống, họ ôm nhau khóc vì hạnh phúc.
Nghiệp diễn và những ngã rẽ định mệnh
Theo nghiệp cải lương một thời gian, điện ảnh tình cờ đến với Thanh Điền. Các đạo diễn ngắm tới ông ở vóc dáng điển hình với các vai diễn giàu sang cũng như nghèo khó. Điều đặc biệt ở người nghệ sĩ này là chuyên đóng các vai phản diện trong cải lương còn vào điện ảnh, ông lại chỉ đóng vai chính diện. "Nghệ thuật sân khấu cải lương bao trùm tất thảy các khía cạnh, các mặt tốt xấu của đời sống xã hội. Người diễn là người phải lột tả được cái phản diện chân thực nhất để công chúng dù là tầng lớp nào cũng có thể hiểu và cảm nhận được. Còn trong điện ảnh, khán giả theo dõi quá trình sống, làm việc, những mưu toan, suy nghĩ là có thể biết được ai tốt ai xấu", ông chia sẻ.
Thanh Điền và Thanh Kim Huệ (ngồi phía trước)
Dư âm của bộ phim Đất Phương Nam cách đây gần 20 năm hẳn khán giả chưa quên hình ảnh thầy giáo Bảy, người cưu mang, dìu dắt cậu bé An chạy trốn khắp nơi. Trên đường chạy trốn, gánh hát của thầy Bảy đã mưu sinh bằng việc hàng đêm hát cho bà con nghèo nghe. Đoàn hát vượt qua vô vàn khó khăn, trong đêm phải đốt đuốc, băng rừng rồi dựng rạp ngay trên cánh đồng vừa gặt biểu diễn nhưng nào có được yên phận vì bọn ác bá cường hào tìm đủ mọi cách ngăn cản, đánh đuổi. Đó là vai diễn vất vả, khó khăn nhưng đầy ý nghĩa với Thanh Điền khi ông vừa bén duyên với điện ảnh.
Sau những lần bước chân vào điện ảnh, thành công ở những vai diễn nhất định, một thời gian, khán giả truyền hình thấy Thanh Điền xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ của các bộ phim như: Cái bóng bên chồng, Nhịp đập trái tim, Một ngày không có em…
Nhiều nghệ sĩ ngày nay lên sân khấu thủ vai phản diện nhưng lại sợ diễn thật quá, diễn ác quá sẽ mất đi thần tượng trong mắt khán giả còn Thanh Điền, lại coi đó là liều thuốc độc tự chôn chính bản thân người nghệ sĩ. Trong một vở diễn, chỉ vì ông mạnh tay đưa ra những cú đấm cú đá thật quá, dã man quá đến nỗi một vị khán giả quá khích đã đứng lên chỉ thẳng tay vào mặt ông hét lên: "Thằng khốn nạn", khiến mọi người trong khán phòng được một phen cười nứt bụng.
Thanh Điền rất sợ cái ác và căm ghét cái ác nên ông muốn lột tả được bản chất của cái ác càng trần trụi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Người ta ghét Thanh Điền trên sân khấu là một thành công rực rỡ, còn người ta ghét Thanh Điền ở ngoài đời mới là sự hổ thẹn. Minh chứng là lần đoàn phim đi quay ở Đà Lạt, xe đang chạy thì bất ngờ có một đám người đứng chặn đầu xe lại. Họ hò reo đòi gặp mặt bằng được hai vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền, Thanh Kim Huệ. Các fan cuồng mộ tới xem mặt vợ chồng nghệ sĩ rồi cho khoai tây, cà rốt, rau… Kỷ niệm ấy, vợ chồng ông không bao giờ quên trong đời nghệ sĩ của mình.
Bao nhiêu năm cống hiến không biết mỏi mệt cho sự nghiệp nghệ thuật, đến lúc cuộc đời đã ở phía bên kia dốc, vợ chồng ôngå vẫn trắng tay. Vốn dĩ cái kiếp cầm ca là thế, mà lại là cải lương đang trong thời kỳ thoái trào thì đời người nghệ sĩ rất nghèo. Vì không thể sống nổi với những khoản cát xê ít ỏi nên Thanh Điền buộc phải quyết định giải thể đoàn cải lương Sài Gòn I do ông sáng lập khiến khán giả chao đảo, nuối tiếc. Hai vợ chồng nghệ sĩ nức tiếng ngày nào giờ “gác kiếm” chuyển sang lĩnh vực kinh doanh. Ông mở tiệm chụp ảnh nho nhỏ và ngày ngày với tài trang điểm khéo léo và nghệ thuật phó nháy không chuyên, Thanh Điền - Thanh Kim Huệ đủ điều kiện vực dậy cuộc sống để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ phục dựng lại niềm đam mê cải lương đã bị hiện thực phũ phàng dập tắt. Khách hàng tìm đến tiệm chụp ảnh Thanh Điền không phải vì những tấm hình mà vì muốn được tận mắt chứng kiến tài lao động của người nghệ sĩ.
Hoa Nguyên