14 tuổi đã được giới mộ điệu cải lương biết đến, nhiều người nghĩ mọi thứ đến với NSƯT Thanh Kim Huệ quá dễ dàng. Thế nhưng, ít ai biết phía sau tấm màn sân khấu, cuộc đời và con đường nghệ thuật của chị là những câu chuyện buồn. Có thời điểm, nữ nghệ sĩ muốn bỏ nghiệp diễn để đi đâu đó thật xa, trốn khỏi những khó khăn của công việc, của thị phi.
Cha mẹ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ cho các đoàn nghệ thuật thuê dụng cụ âm thanh nên bà sớm có điều kiện tiếp xúc với loại hình nghệ thuật cải lương. Nhưng, không may mắn như nhiều đồng nghiệp, nghiệp diễn của bà gặp vô số khó khăn, biến cố. Nữ nghệ sĩ cho biết, ngay từ những ngày đầu đi diễn, bà đã bàng hoàng chứng kiến cái chết bi thảm của đồng nghiệp.
Người đời vẫn nghĩ, làm nghệ sĩ phải sầu bi trong tình yêu, trăn trở trong cuộc sống mới hát hay, viết giỏi. Quan điểm ấy dường như không phù hợp với Thanh Kim Huệ. Trong giai đoạn nghệ thuật cải lương có dấu hiệu xuống dốc, NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ đã quyết tâm, bằng mọi giá phải giữ bằng được đoàn cải lương Sài Gòn 1. Cả hai phải bán nhà cửa, xe cộ cùng nhiều tài sản quý giá để duy trì hoạt động của đoàn hát.
Ngay sau đó, để có thể yên tâm đứng vững trên sân khấu, vợ chồng Thanh Điền - Thanh Kim Huệ còn quyết định mở một studio chụp ảnh ngay tại nhà riêng. Trong studio ấy, phó nháy là Thanh Điền, thợ trang điểm là Thanh Kim Huệ.
NSƯT Thanh Kim Huệ chia sẻ: “Cuộc sống gia đình và đời sống nghệ thuật đã nhiều lần đưa chúng tôi vào những thời điểm sóng gió. Nhưng chính tình yêu, tình cảm gia đình, tấm lòng dành cho sân khấu, dành cho khán giả đã giúp cho mái ấm của chúng tôi luôn vững bền.
Bí kíp để tôi giữ hạnh phúc gia đình bền lâu là nhường nhịn và biết kiềm chế cái tôi của bản thân. Người nghệ sĩ, cái tôi vô cùng lớn nhưng quan trọng là biết dừng lại, biết suy nghĩ và vun đắp. Hơn thế, mình phải biết lựa lời nói và nhường nhịn lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng, nhường nhịn là chìa khóa thành công của hạnh phúc”.
NSƯT Thanh Kim Huệ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với 3 vai diễn để đời mà không ai có thể thay thế là Lan trong Lan và Điệp, Thị Hến trong Ngao sò ốc hến, Thủy Cúc trong Đường gươm Nguyên Bá. Sau khi bà nổi tiếng với vai Lan trong vở Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo, bà hát cặp với nhiều nam nghệ sĩ và thu hơn 300 bài vọng cổ. Ngoài hát cải lương, vọng cổ, bà còn viết kịch bản và cùng chồng chèo lái đoàn Cải lương Sài Gòn 1 thành công vang dội ở thập niên 1980 – 1990. |
Hoàng Dung Nhi