Video: Thành Lộc nói về vai diễn gái làng chơi đầu tiên tại Việt Nam.
Vai diễn gây sốc cả nước
Thành Lộc kể, sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, anh đã “nhuốm” mình trong những vở tuồng cổ.
Đó cũng chính là lý do, hiện nay, dù hoạt động thoại kịch nhưng trong cách dựng vở, cách diễn, anh ảnh hưởng rất nhiều từ cải lương.
Anh cảm thấy mình may mắn khi sinh ra, lớn lên trong giai đoạn cải lương thịnh hành. Trước đây, cải lương là những tuồng cổ, diễn viên mặc cổ trang, lối diễn có sự cường điệu.
Đến thời soạn giả Năm Châu, cải lương đã có cuộc cách mạng hóa. Ông là người đầu tiên đưa vở xã hội, chọn những vấn đề trong cuộc sống, diễn viên ăn mặc như thường nhật lên sân khấu.
Ngôn ngữ cải lương cũng được trau chuốt giống như tiểu thuyết Pháp. Do đó, đến nay, có những vở diễn, lời thoại của nhân vật thấm sâu vào khán giả. Trong trường hợp, diễn viên ca sai lời, khán giả ngồi dưới có thể nhận ra.
Thành Lộc nhớ, cải lương cổ, diễn viên phải ăn mặc chỉn chu, lời thoại chuẩn mực, không được dùng từ thô tục. Thế nhưng, đoàn cải lương tân tiến Hương Mùa Thu đã đưa một cô gái giang hồ, mặc mini jeep lên sân khấu.
“Ngày ấy, phụ nữ mặc mini juyp được xem là không đứng đắn. Ngay tôi nghe đến mini jeep cũng sợ lắm”, anh nói.
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng vào vai diễn này rất thành công. Bà không chỉ mặc mini juyp, dùng lời thoại bình dân, thừa nhận mình là “con đĩ”. Mỗi khi bà bước ra, những tràng pháo tay rền vang.
Thành Lộc nhớ, đó là lần đầu tiên ở Việt Nam, báo chí lại khen một nữ diễn viên khác biệt như thế. Và, chính vai diễn này, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng nhận cúp Vàng giải Thanh Tâm. Đây là giải thưởng cao quý nhất của diễn viên cải lương.
Trăn trở về số phận cải lương
Thành Lộc lo lắng, khoảng 50 năm nữa, các đào kép rồi sẽ nhạt nhòa, từa tựa nhau, không có nét riêng.
Anh có sân khấu chuyên về thoại kịch, nhưng lại ấp ủ muốn làm lại những vở cải lương xưa có giá trị, muốn khôi phục những giá trị, nét đẹp thật sự của nó.
Theo Thành Lộc, trước đây, có nhiều vở cải lương hay, khán giả đông nghịt mỗi khi diễn. Đó là những vở diễn hiện đại, mượn chuyện xưa nói chuyện nay, thậm chí có những vở lật ngược vấn đề đương đại.
Về sau, nhiều vở diễn không còn thể hiện được các vấn đề đương đại. Không có tuồng hay sẽ không có vai diễn hay, các nghệ sĩ cứ lặp lại những vai cũ, không có vai mới để bộc lộ cá tính nghệ sĩ.
Ngoài ra, nhiều diễn viên trẻ cũng chỉ biết sao chép cách diễn của các ngôi sao trước.
Khán giả trẻ tìm đến cải lương với những vấn đề hiện tại mà họ trăn trở thì không còn nữa nên họ chán, không đến xem nữa. Nhưng, cũng có những khán giả chỉ thích đến sân khấu đơn thuần là giải trí thì họ cũng không thích việc dạy đời.
“Chúng ta muốn truyền được một thông điệp nào đó thì phải có một lớp áo giải trí làm cầu nối mới có thể dẫn dụ để đưa họ đến những vấn đề của đời sống một cách ngọt ngào”, Thành Lộc nói.
HUY CƯỜNG