NSƯT Thành Lộc nói về trách nhiệm của nghệ sĩ đối với lịch sử.
Mới đây, tại một sự kiện cộng đồng tại trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, NSƯT Thành Lộc đã có nhiều chia sẻ về cách làm nghệ thuật để phản ánh lịch sử truyền thống.
Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết: “Người nghệ sĩ phải nhận thức được rằng họ có vai trò truyền bá và giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Vì thế, người nghệ sĩ cần hiểu rõ mình phải làm điều gì cho đúng nhất. Khi chúng ta đang làm một câu chuyện của người Việt Nam mà lại mượn hình ảnh của những bộ phim, những nét thẩm mỹ đang là xu hướng để xem đó là cái của mình thì đó là người nghệ sĩ thiếu trách nhiệm”.
“Ví dụ, người xưa có để móng tay dài. Nhưng đó là móng tay thật. Bây giờ lại dùng một móng tay bằng vàng rồi gắn vào thì không phải là người Việt. Bởi hình ảnh đó quá “thời thượng” nên mình mượn điều đó để làm cái thuần Việt thì mình đang vả vào mặt mình. Công chúng không có tội, đẹp thì người ta khen thôi. Nhưng mình là nghệ sĩ mà định hướng sai cho công chúng thì mình có tội, thậm chí là tội đồ”, nam nghệ sĩ thẳng thắn.
Nổi tiếng qua nhiều vở kịch về lịch sử, NSƯT Thành Lộc nhận định, sân khấu có ngôn ngữ mỹ thuật riêng, có quyền được ước lệ và sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo của sân khấu vẫn phải có giới hạn ở một mức độ được cho phép, để khán giả vẫn nhận ra văn hóa Việt.
Từ đó, nam diễn viên cho rằng người làm nghệ thuật không chỉ cần tài năng mà phải có lương tri, bao gồm lương tâm và tri thức.
Ý kiến của NSƯT Thành Lộc đã làm sôi nổi buổi thảo luận về tương lai của nghệ thuật sân khấu cổ trang Việt Nam do nhóm dự án Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi tổ chức.
Bên cạnh đó, tiết mục trình diễn 11 bộ trang phục hoàng cung triều Nguyễn đã tạo sự thích thú cho khán giả. Với các màu sắc và hoa văn khác nhau, tương ứng với cấp bậc trong cung, nhóm các bạn trẻ mong muốn tái hiện lại diện mạo trang phục cung đình thời phong kiến.
Cuối cùng, nhóm đang làm việc và hợp tác chặt chẽ với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, hứa hẹn sẽ mang đến một bộ phim về hậu cung Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Bộ phim mang tên Phượng Khấu được sản xuất theo hình thức web-drama (phim chiếu mạng) được đầu tư kĩ lưỡng về kịch bản, tư liệu lịch sử cũng như phần phục trang.