Lần đầu tiên, tôi tình cờ gặp ông tại trường quay phim "Mắc cạn" của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, lúc này ông đang vào vai chồng của NSƯT Chiều Xuân. Tới lần thứ hai, tôi có cuộc trò chuyện với ông trong ngôi nhà ở số 8, phố Hàng Dầu - ngôi nhà cũng là cửa hàng may danh tiếng ở Hà Nội về comple và ông chủ nổi tiếng ấy chẳng phải ai khác chính là NSƯT Tiến Đạt.
Hai tay, hai nghề
Lần đầu gặp Tiến Đạt, tôi đã nghĩ ông hẳn là người khó tính vì cái dáng bệ vệ và cái mặt tôi hình dung ông lúc trên phim, có chút gì đó vừa lạnh lùng, vừa từng trải phong trần. Thế cho nên khi gọi điện hẹn phỏng vấn tôi vẫn không khỏi hồi hộp dù đây là một công việc thường ngày vẫn làm. Không ngờ, sau một lời ngỏ ngắn gọn của tôi ông đồng ý. Lần thứ hai, tôi và ông có buổi nói chuyện dài hơi tại chính ngôi nhà của ông tại số 8, Hàng Dầu. Tôi đến muộn 30 phút so với lịch hẹn vì loay hoay tìm chỗ gửi xe. Phố Hàng Dầu nằm sát cạnh Hồ Gươm, sầm uất về bán giày dép. Trước cái lối đi vào nhà trong, gia đình ông cho người thuê chỗ bán hàng. Vào trong nhà, Tiến Đạt đang cắm cúi lướt iPad đọc tin tức. Khi thấy tôi phân bua chuyện tới muộn, ông khoát tay bỏ qua và hồ hởi pha trà, hồ hởi nói chuyện. Tiến Đạt cười cười: "Nhiều người vẫn cứ tưởng cái dáng mình là khó tính lắm. Thế mới chết chứ!".
Thành công trên sân khấu với hàng loạt vai diễn từng "rinh" 5 huy chương vàng, bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Tiến Đạt cũng chẳng phủ nhận sự nổi tiếng của mình nhờ truyền hình đã giúp ông trở nên gần gũi với mọi nhà, mọi người. Nếu nhắc đến ông, hay những ai chỉ nhớ mặt mà quên tên cũng sẽ nhớ ra tên những vai diễn hầu hết không "tử tế". Ông chỉ thành công trong các vai chính kịch mà còn những vai hài kịch. Tiến Đạt là gương mặt nghệ sĩ đáng chú ý ở những vai phản diện trên sân khấu và truyền hình. Vài năm gần đây ông lại góp mặt trong một vài đĩa hài kịch cuối năm của nhiều hãng phim tư nhân. Với cái tướng bệ vệ, ông luôn được làm những ông "tham quan". Thế nhưng ở ngoài đời, người đàn ông ấy vẫn được xem là một gã đàn ông tử tế, nghiêm túc. Và tất nhiên, Tiến Đạt là một trong số ít những nghệ sĩ có cuộc sống viên mãn về sự nghiệp và trong hôn nhân.
Tiến Đạt là một nghệ sĩ đa năng, không chỉ thành công trên con đường nghệ thuật, mà ông còn là một người đàn ông giỏi với nghề may. Tiến Đạt vốn là con trai thứ của nghệ nhân may Tiến Thành, người may comple đẹp nức tiếng ở Hà thành những năm thập niên cuối thế kỉ trước. Hiệu may Tiến Thành phục vụ cho nhiều quan chức cấp cao, các chính khách Việt Nam và quốc tế. Từ nhỏ Tiến Đạt là một đứa trẻ nghịch ngợm, trong số những anh em trong gia đình, ông lại là đứa con bộc lộ năng khiếu nghề may. Tuy nhiên, Tiến Đạt lại mê sân khấu. Mười lăm tuổi, ông thi vào trường trung cấp sân khấu điện ảnh Việt Nam bấy giờ và trúng tuyển trong sự ngạc nhiên của nhiều người vì từ trước tới nay gia đình ông chưa ai theo nghệ thuật cả.
Sau ba năm học ở trường, tốt nghiệp Tiến Đạt được phân công về đoàn nghệ thuật Quảng Ninh. So với các anh em trong gia đình gần như yên phận với cuộc sống của "cậu ấm cô chiêu" thì Tiến Đạt đã phải thoát ly, đi khắp đó đây, trải qua những khổ sở đói rét, va chạm với cuộc sống và trưởng thành với nghề diễn. Tuy nhiên, đời nghệ sĩ không thể giàu, thậm chí là bấp bênh. Nghệ nhân Tiến Thành đã khuyên con trai theo nghề may để đề phòng một ngày nào đó "thánh không cho ăn lộc nữa, giữa đường đứt gánh thì lấy cái gì mà sống". May mắn rằng, Tiến Đạt cũng là người có năng khiếu, nên việc học hành cũng trôi chảy. Nhiều năm qua, cái nghề may comple vốn từng là nổi tiếng của gia đình được nghệ sĩ Tiến Đạt duy trì, giúp ông ổn định một phần kinh tế gia đình và có thể yên tâm theo đuổi được cái đam mê nghiệp diễn.
NSƯT Tiến Đạt trong cảnh phim "Mắc cạn" của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng
Biết điểm dừng, để được hạnh phúc viên mãn
Giỏi nghề may và thành công trong nghề diễn, Tiến Đạt còn may mắn khi có được một cuộc hôn nhân tròn đầy. Tiến Đạt và vợ - nghệ sĩ Hồng Loan vốn là bạn học cùng trường Trung cấp nghệ thuật sân khấu điện ảnh Việt Nam. Sau khi ra trường, cả hai cùng được phân công về công tác xây dựng đoàn kịch Quảng Ninh. Vì cùng là bạn bè, cùng là dân Hà Nội xa nhà nên cả hai trở nên gắn bó và thân thiết để động viên nhau sống nơi đất khách quê người. Tình yêu theo đó chớm nở nhưng gần một năm sau đó, Hồng Loan chuyển về Hà Nội, tình yêu của hai người lại thêm phần được thử thách tới 6 năm trời. Tới năm 1978, hai người kết hôn nhưng cuộc sống vẫn như "ông Ngâu bà Ngâu". Mãi tới năm 1980, Tiến Đạt được trở về Nhà hát kịch Hà Nội, vợ chồng mới sum họp sinh được một cậu con trai và sống hạnh phúc tới bây giờ. Vốn là bạn "thanh mai trúc mã" nên cuộc sống vợ chồng "tâm đầu ý hợp". Trong mắt bạn bè, người thân và với chồng, nghệ sĩ Hồng Loan luôn được sự nể trọng đặc biệt bởi tính cách nghiêm túc, đoan trang của bà.
Chia sẻ chuyện con cái, Tiến Đạt kể: Vợ chồng ông chỉ sinh được một người con trai. Tuy nhiên cũng chẳng vì chỉ có một con độc nhất mà ông nuông chiều. Gia phong nền nếp của gia đình luôn được hai vợ chồng người nghệ sĩ ấy gìn giữ trong việc nuôi dạy con cái. Ông bảo: "Trước kia các anh em tôi đều chủ yếu do mẹ chăm sóc, còn bố tôi lại rất nghiêm khắc. Cha mẹ tôi đều dạy con cái cách hành xử thế nào cho tốt, từ chuyện ăn uống, đi lại, ăn nói, cho tới ra ngoài xã hội. Thế nên mọi cư xử hành động của các con đều không vượt quá cái ngưỡng cần thiết". Đó là quy tắc của gia đình Tiến Đạt, tới lượt con trai mình, ông linh hoạt hơn với những nguyên tắc ấy bởi sự thay đổi của thời cuộc.
Câu chuyện với Tiến Đạt bị đứt quãng, khi ông giật mình chỉ vào đồng hồ chỉ bốn rưỡi chiều: "Đến giờ đón cháu rồi, mình ra muộn, sợ con bé chờ", rồi cáo lui hẹn khách một dịp khác. Trước kia dù công việc bận rộn, dù có đông khách cỡ nào, thì giờ này không ai có thể giữ ông ở lại bàn cắt, bàn may. Bởi cái thú của ông là được làm cốc bia cỏ ngoài vỉa hè cùng với bạn bè, các nghệ sĩ. Còn bây giờ để đảm bảo cho sức khỏe nên ông cũng đã bỏ cái thú ấy rồi. Thay vào đó ông đảm thêm nhiệm vụ mới là đưa đón hai cô cháu yêu đi học. Những ngày rảnh, ngẫu hứng Tiến Đạt lại mua đồ về nấu ăn cho cả nhà: "Ăn ở nhà vừa đảm bảo sức khỏe, lại vừa ý mình", Tiến Đạt dí dỏm chia sẻ.
Hai nghề hai tay, Tiến Đạt rất vui vì cả hai nghề đều đem tới niềm vui trong cuộc sống của mọi người. Ông nói: "Nghề thì làm vui cho đời, nghề thì làm đẹp cho đời. Với Tiến Đạt, chẳng có nghề nào là tay trái cả". Ông cũng cho biết: "Khi bước vào nghề may mắn là người thầy cũng là người cha của tôi nên mọi kĩ năng về nghề nghiệp, cụ truyền đạt cho tôi bằng cả kinh nghiệm mà hàng chục năm trong nghề mới có được. Đó chính là con đường tắt giúp cho tôi làm tốt với công việc tới bây giờ. Cái nghề này không vội được, vội là hỏng”. Mặc dù quần áo bán sẵn ngày càng có ưu thế nhưng đã hơn nửa thế kỉ qua hiệu may Tiến Thành rồi sau đó là hiệu may Tiến Đạt vẫn là địa chỉ quen thuộc của nhiều người ở Hà Nội. Người ta đến với ông không đơn giản chỉ là cái uy tín mà quan trọng vì ông chủ hiệu may ấy là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng rất xởi lởi, nhiệt tình và chu đáo với khách. Trên phim, NSƯT Tiến Đạt luôn bị "ấn" vào những vai phản diện, tham tiền, tham quyền và háo sắc. Đóng đinh với những vai diễn không mấy khi "tử tế" ấy nên nhiều người sợ ông vô tình bị thấm những tính cách của các nhân vật. Thực tế, ở ngoài đời ông lại được bạn bè nể phục về sự nghiêm túc trong công việc và cả đời tư. Cuộc sống của người nghệ sĩ có nhiều cám dỗ nhưng Tiến Đạt luôn là kẻ biết điểm dừng. Có người khuyên ông: "Già đời diễn viên rồi thì chuyển sang làm đạo diễn đi" nhưng Tiến Đạt cho rằng: "Ông trời chẳng cho ai quá nhiều thứ. Những người làm diễn viên giỏi không hẳn sẽ là đạo diễn xuất sắc. Bản thân tôi thì thà làm thằng diễn viên tốt còn hơn làm anh đạo diễn tồi". |
Gia Lê