Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959. Ông từng là diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội trước khi nghỉ hưu. Nhắc đến NSƯT Tiến Hợi, khán giả nghĩ ngay đến những tác phẩm nổi tiếng mà ông đã tham gia như: Đêm trắng, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 1946...
NSƯT Tiến Hợi được công chúng trân quý và biết đến là nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ gây ấn tượng, xúc động sâu đậm với người xem. Ông có quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội, với giọng nói, phong thái của người dân xứ Nghệ vốn thấm đẫm trong con người đã giúp ông có nhiều thuận lợi khi vào vai Bác Hồ.
Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất".
Bà xã của NSƯT Tiến Hợi là nghệ sĩ hóa trang Vương Đạm Thủy. Từ năm 1987 đến nay, bà chuyên hóa trang cho các diễn viên đóng vai Bác Hồ, đặc biệt là chồng mình.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về sự ra đi của chồng mình, nghệ sĩ Đạm Thuỷ cho hay: "Cả nhà đau buồn trước sự ra đi của anh ấy. Cả đời anh ấy sống vì vợ con gia đình. Đây là khoảng trống mà không ai có thể bù đắp được". Rồi bà nghẹn ngào khóc trước sự ra đi đột ngột của người chồng của mình.
Trong giới nghệ sĩ, nhiều người ngưỡng mộ tình yêu của NSƯT Tiến Hợi - Vương Đạm Thủy. Khi công tác ở đoàn nghệ thuật Trường Sơn, nghệ sĩ Đạm Thủy được cử đi học hóa trang hình tượng Bác Hồ, người thầy của bà là NSƯT Nhữ Đình Nguyên. Cũng chính điều này đã trở thành mối lương duyên để sau này vợ chồng bà có cơ hội gặp gỡ.
Cơ duyên đã đến khi đoàn tìm người để hóa trang cho nghệ sĩ Tiến Hợi, có cử 3 họa sĩ của đoàn, còn Đạm Thủy lúc đó mới là học sinh. Sau đó, bà được nhận trang điểm cho đoàn.
Không ít lần, khi hóa trang cho chồng, ngắm nghệ sĩ Tiến Hợi diễn trên sân khấu, bà đã bật khóc vì xúc động. Bà từng chia sẻ, mỗi lần hóa trang cho nghệ sĩ Tiến Hợi, bà mất hẳn cảm giác đó là chồng mình, thấy trân trọng, tôn kính vô cùng. Chỉ khi nghệ sĩ tẩy trang xong, mọi hình dung mới trở về đời thường và khi ấy, bà mới dám đùa với chồng.
Lúc sinh thời, trong một lần nói chuyện với Người Đưa Tin, NSƯT Tiến Hợi cũng tâm sự về bà xã của mình: "Tôi may mắn có bà xã luôn đứng sau để ủng hộ, người nghệ sĩ thì không phải là người làm kinh tế, nhưng trong những lúc khó khăn nhất, hai vợ chồng vẫn ở bên nhau, động viên nhau làm nghệ thuật. Sau khi đi diễn, tôi vẫn giúp vợ việc nhà, chăm các con... Chúng tôi sống với nhau giản dị, thấu hiểu nhau chứ không hề có những lời hoa mỹ".
Rồi ông kể về năm 1988, khi ông về công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội, vợ ông cũng đi theo. Cuộc sống khó khăn, nghệ sĩ trang điểm Vương Đạm Thủy chấp nhận thôi làm nghề diễn viên để ở nhà mở cửa hàng may có thêm thu nhập cho chồng yên tâm công tác. Ông bao giờ cũng là gương mặt đạo diễn lựa chọn đầu tiên khi giao đóng vai Bác Hồ. Và bao giờ người hóa trang cho ông không ai khác chính là vợ. Ở Nhà hát, ông tiếp tục đảm nhận vai Bác Hồ - Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.
Đặc biệt, trong bộ phim Hà Nội mùa đông năm 1946, lấy bổi cảnh Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, sự thể hiện thành công của Tiến Hợi đã góp phần mang về cho bộ phim giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam sau đó.
Vợ chồng NSƯT Tiến Hợi - Vương Đạm Thủy có 2 người con trai. Năm 1989 khi đang đóng phim Hẹn gặp lại Sài Gòn thì vợ ông mang bầu cậu con trai đầu. Năm 1990 - kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, cũng là năm vợ Tiến Hợi sinh con đầu lòng nên ông đặt tên con là Nguyễn Vương Thành. Tiến Hợi bảo đóng vai Nguyễn Tất Thành nên lấy họ của vợ và chồng ghép vào làm tên đệm cho con.
"Tôi luôn coi các vai diễn mình được làm là một cơ duyên. Đời tôi may mắn khi vào vai Bác Hồ - một hình tượng vĩ đại mà lần nào hoá trang, diễn xuất tôi cũng hồi hộp. Tôi đã diễn vai diễn này được mấy chục năm rồi, hàng trăm vở diễn lớn nhỏ trên sân khấu rồi đến phim truyền hình, phim điện ảnh. Vì thế mà phong cách sống của Bác cứ tự nhiên ngấm dần vào tôi, hình thành một phần tính cách con người tôi. Tôi học được ở Bác đức tính dung dị, mộc mạc và sự chính xác trong công việc.
Nhiều khi tôi đi ra ngoài đường, gặp mọi người, họ cứ hay nói hình như tôi bị “nhiễm” vai diễn của Bác Hồ hay sao mà từ dáng đi, dáng tay, tác phong giống Bác như thế. Bản thân tôi thì không nghĩ đến chuyện đấy nhưng người ngoài họ quan sát thấy, đôi khi đi tập, ngồi nói chuyện với các anh chị em trong đoàn, tự nhiên giọng nói lại nảy lên chất giọng cũng rất giống Bác. Đến bây giờ tôi vẫn luôn thấy, không chỉ sự nghiệp mà ngay cả với cuộc đời tôi, vai diễn Bác Hồ chính là một cái duyên" - NSƯT Tiến Hợi tâm sự.