Tôi có dịp gặp NSƯT Tiến Mộc trong cái chớm lạnh của chiều thu Hà Nội ở một quán cà phê ngay cạnh cổng công viên Hòa Bình. Vẫn dáng vẻ trầm ngâm quen thuộc, ánh mắt nhìn xa xăm như phảng phất một nỗi buồn man mác, NSƯT Tiến Mộc chia sẻ hết sức chân tình, cởi mở về nghề diễn, về cuộc đời của người nghệ sĩ.
Xin chào NSƯT Tiến Mộc, mặc dù về hưu đã gần 10 năm nhưng người xem kịch vẫn thường xuyên thấy ông xuất hiện dưới ghế khán giả trong các buổi ra mắt vở diễn mới. Phải chăng ông vẫn còn lưu luyến với nghề diễn?
Cầm sổ hưu trong tay đã gần 10 năm, nghĩa là ngần ấy năm tôi dừng chân sau cuộc đời làm nghệ thuật không mệt mỏi. Mặc dù đã được nghỉ ngơi đúng tuổi của mình nhưng tôi đã cống hiến cho sân khấu nghệ thuật từ năm 17 tuổi, hơn 40 năm dưới ánh đèn sân khấu, bảo quên làm sao tôi quên được.
Người ta thường nói “sinh nghề tử nghiệp”, hơn 40 năm hóa thân thành biết bao nhân vật từ tay ăn chơi đến ông Đại tá, ông Giám đốc hoặc chàng kỹ sư, công nhân,... đến mức cái nghề này nó cứ vận vào tôi như một định mệnh. Thế nên nỗi nhớ nghề diễn nó trở về thường xuyên đến mức như bữa ăn giấc ngủ. Vì vậy, mỗi khi nhà hát có vở mới là tôi gác bỏ hết công việc để đến xem đồng nghiệp biểu diễn.
Thưa NSƯT Tiến Mộc, được biết ông là một trong 6 nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam vinh dự được đóng vai Bác Hồ, và ở Nhà hát Kịch Quân đội cho đến nay vẫn chưa nghệ sĩ nào có được vinh dự này. Phải chăng hình tượng vị lãnh tụ đã nâng bước cho ông trưởng thành hơn?
Cả đời diễn viên tôi từng nhập tâm diễn xuất nhiều vai từ phản diện đến chính diện, từ nông dân đến cán bộ. Đóng vai nào xong thì cố “quên” đi để vào vai khác. Nhưng được vào vai lãnh tụ Hồ Chí Minh thì cả đời chẳng thể nào quên, với tôi đây là vai diễn duy nhất diễn xong rồi mà vẫn còn nguyên cảm giác linh thiêng và tự hào.
Thập niên 90, cả hai vợ chồng ông đều thuộc biên chế trong Nhà hát Kịch Quân đội và đều được phong danh hiệu NSƯT. Vợ ông- một nghệ sĩ xinh đẹp, bỗng nhiên xin thôi không làm trong nhà hát mà xin ra ngoài để vật lộn mưu sinh, tình yêu nghệ thuật sân khấu dồn cả cho chồng. Vậy cho đến giờ ông có luyến tiếc khi để vợ chia tay với sân khấu quá sớm?
Tiếc chứ, tiếc lắm! Vợ tôi (NSƯT Thu Phòng) - cô ấy cũng rất tiếc nuối. Hai vợ chồng cùng công tác tại nhà hát, lương chỉ đủ ăn, không đủ nuôi con, nhà ở thì bé, có hơn 10m2, mỗi lần lấy lương xong về đóng tiền học cho con, tiền gạo, tiền điện, tiền gas là hết nhẵn. Tích cóp mãi mà kinh tế chẳng dư dả gì.
Sau bao đêm trăn trở, bàn bạc mãi thế rồi vợ tôi quyết định chia tay với sân khấu. Nghĩ vẫn thương mà thật sự không biêt phải làm sao cho tốt hơn nữa. Cô ấy cũng có trái tim mong manh đa cảm, phụ nữ sinh ra ai cũng được yêu chiều nâng niu, vậy mà cô ấy phải gồng mình vật lộn với cuộc sống mưu sinh, cật lực kiếm tiền lo cho chồng con, cũng vì lẽ đó mà khi cháu đầu được 15 tuổi, vợ chồng tôi mới dám sinh tiếp cháu thứ 2, chỉ sợ không lo được đầy đủ cho các con. Điều đó đã làm tôi trăn trở rất nhiều.
Ông có 2 cô con gái rất xinh và giỏi. Tuy nhiên không ai đi theo con đường nghệ thuật. Phải chăng nghiệp diễn quá vất vả đã khiến ông không muốn hai cô con gái của mình đi theo con đường này?
Hai đứa nhỏ nhà tôi tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, chứng kiến biết bao nỗi tủi hờn và cảm nhận rõ sự được mất của nghề diễn nên chúng hiểu cả đấy. Tôi vẫn nhớ cô con gái lớn khi chuẩn bị thi Đại học đã tâm sự với tôi: “Làm nghệ sĩ cực khổ, vất vả lắm ba à, con không muốn theo nghề này. Vì không phải ai cũng may mắn thành công mà thời gian làm việc thất thường, đi sớm về khuya, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người, con thấy cực quá ba à”. Đấy, tất cả là do sự cảm nhận và quyết định của con, tôi có muốn cũng chả được.
Thời xưa thu nhập thấp là thế nên rất nhiều nghệ sĩ đã bỏ ngang, nhưng đến nay với nghệ sĩ lão thành như ông thì thù lao có cao hơn trước không ạ?
(Cười xót xa) Nghệ sĩ lão thành cả người còn và người đã khuất núi, họ sống một cuộc đời nghèo khó nhưng luôn cống hiến vì nghệ thuật. Có người không dám đi viện vì sợ tốn tiền dù mắc trọng bệnh, có người hiện vẫn sống trong căn nhà chưa nổi 10m2, dựa vào lương hưu 2,5 triệu/ tháng. Giờ cũng già hết rồi, ai còn mời đi diễn nữa đâu mà đòi cao hay thấp.
Mấy năm trở lại đây thời kỳ phim truyền hình bùng nổ, tiền cát-xê của ông chắc đã tăng lên và đủ để cuộc sống của ông thoải mái hơn trước chứ ạ?
Tăng hơn chút đỉnh thôi chứ cũng chẳng đáng bao nhiêu so với thời nay. Mà thế hệ của tôi là thế hệ của người già, người đi trước nên vào phim chỉ đóng vai phụ, vai thứ, vai chính thì nhường lại cho lớp trẻ. Cả năm có đắt sô đến mấy giỏi lắm là 40 ngày đi quay, có hôm đi từ mờ sáng, có hôm đến giữa khuya mới về đến nhà. Cả năm tiền công mang về là 40 triệu thì coi như bội thu, chẳng biết đến bao giờ nghệ sĩ mới hết nghèo hết khổ.
Có một sự thật là ngày nay giới trẻ không còn thiết tha với sân khấu kịch, vậy tại sao những nghệ sĩ lão thành như ông hay một số nghệ sĩ trẻ vẫn quyết bám trụ với nghề và yêu nghề như vậy?
Nói thật sân khấu có sức hút đặc biệt hơn các loại hình nghệ thuật khác. Cảm xúc của khán giả khi xem một vở kịch trên truyền hình so với một vở kịch diễn trực tiếp trên sân khấu là rất khác nhau. Khi xem trực tiếp tại sân khấu, những vở kịch luôn hấp dẫn hơn. Kịch hiện không ăn khách là do có quá nhiều sự lựa chọn giải trí.
Với tôi, mỗi một đêm diễn, được đứng trên sân khấu thể hiện hóa thân thành những nhân vật khác nhau, được đóng vai làm người khác là tôi thấy sướng lắm, nó làm ta thêm trải nghiệm về cuộc đời, về con người hơn.
Vậy theo ông, làm gì để khán giả biết đến sân khấu kịch hơn, mở lòng với loại hình nghệ thuật này hơn?
Tôi cũng đã nghĩ đến việc này lâu lắm rồi nhưng thực sự mình không đủ lực để hô hào được. Cái quan trọng là Nhà nước cùng hỗ trợ để vực dậy sân khấu. Mong muốn của tôi là đưa kịch vào trường học để thế hệ trẻ tương lai biết đến loại hình nghệ thuật này hơn, từ đó trau dồi, phát triển và đưa nghệ thuật sân khấu kịch ngày càng phát triển đi lên chứ không phải cứ lèo tèo như thế này.
Anh em nghệ sĩ trông chờ cát-xê vào giá vé từng đêm để chia nhau, như thế cuộc sống làm sao đủ mưu sinh. Sân khấu kịch giờ èo uột quá, một năm chỉ có vài vở diễn, khó bán vé, thậm chí vài nơi còn trả tiền cát-xê cho diễn viên bằng vé xem kịch để diễn viên tự bán vé lấy tiền. Buồn lắm!
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!