Vừa qua, vở cải lương Vì sao lạc xứ của đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên ra mắt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Anh cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn về nghề cho PV báo Người Đưa Tin.
Chào đạo diễn Triệu Trung Kiên, điều gì khiến anh bắt tay vào dàn dựng vở cải lương Vì sao lạc xứ?
Cách đây khoảng 5,6 năm, tôi và NSƯT Vương Hải – hiện là Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa có ghé thăm di tích lịch sử Thành Nhà Hồ. Tôi đã muốn thắp cho các vị vua triều Hồ một nén hương, nhưng tìm mãi mà không thấy một ban thờ hay bát hương nào cả. Tôi chợt thấy chạnh lòng thay cho cha con họ. Bởi tôi nghĩ, cha con của ông Hồ Quý Ly cũng là những bậc anh hùng tài trí, với khát vọng xây dựng một Đại Ngu lớn mạnh. Nhưng thế thời không thuận và cũng bởi có đôi chút sai lầm trong trị quốc, nên triều Hồ đã sụp đổ trước sự xâm lăng của Đế quốc Đại Minh.
Từ đó tôi ấp ủ dự định xây dựng một tác phẩm Sân khấu về cha con ông. Rồi cái duyên nghề đã đến khi tôi và Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng có những ý tưởng đồng điệu. Và thế là Vì sao lạc xứ đã ra đời.
Theo anh, vở cải lương này có điểm gì mới so với các vở trước đó của anh?
Đổi mới không chỉ dùng những thủ pháp của sân khấu, làm cho tác phẩm gần gũi với người xem. Vở diễn được cởi bỏ tất cả, những xử lý của đạo diễn nghĩ ra và tìm cách thực hiện, không bị trói buộc bởi không gian sân khấu. Cái mới được cảm nhận trong dàn dựng vở diễn, xử lý âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, đặc biệt là của nhân vật.
Mới ở đây là tính đương đại. Tính đương đại của nghệ thuật là những đổi mới làm mất đi những cái cũ mà người ta đã thấy kì thị, định kiến. Có giai đoạn cải lương cần lấy sự bi lụy sượt mướt đánh vào cảm xúc sầu tủi của khán giả, giai đoạn đó đã qua lâu rồi. Bây giờ người ta không còn hào hứng với những màu sắc bi cảm ấy, thế cho nên sử dụng giai đoạn đó ta đã bị mòn mỏi.
Nhưng dẫu thế nào thì thế giới tâm tư tình cảm vẫn nguyên vẹn như vậy. Con người không thể không rung cảm trước cái đẹp, trước những xúc động của con người, cần được khóc. Việc đánh vào rung cảm, vào lòng trắc ẩn để khán giả rung lên cung bậc cảm xúc, họ phải cảm động trước thân phận của Hồ Nguyên Trừng, có sự sẻ chia, đồng cảm, xót xa cho nhân vật tài ba, vào giai đoạn triều đại không thiên thời địa lợi nhân hòa, dẫn tới sự bế tắc của ông. Tất cả nằm trong quan điểm tổng thể của đạo diễn khi xây dựng tác phẩm.
Các vở diễn về đề tài lịch sử thường được xem là rất "khô cứng", anh làm thế nào để mang một cái nhìn mới mẻ tới khán giả?
Tôi không cho rằng tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử là khô cứng, mà trái lại đó là một thế giới đầy bí ẩn với muôn vàn sắc mầu và cung bậc cảm xúc cứ mời gọi sáng tạo của người nghệ sỹ. Hơn nữa, dân Việt chưa có nhiều hiểu biết về lịch sử của chính dân tộc mình, nên tôi luôn hứng thú với việc khai thác đề tài lịch sử. Nhìn ra các nước láng giềng, họ khai thác đề tài lịch sử trong văn chương, sân khấu, điện ảnh hết sức thú vị. Tại sao ta không làm được như họ?
Và theo tôi nếu khai thác đề tài lịch sử với các góc nhìn khác lạ, cách lý giải sự kiện và nhân vật lịch sử mang tính bất ngờ, kỳ thú trong sự thuyết phục, chắc chắn sẽ hấp dẫn và thu hút người xem.
Có một thực tế là cải lương hiện nay không được nhiều người trẻ mê mẩn như một số các loại hình nghệ thuật khác. Là một đại diễn, lại là phó GD nhà hát Cải lương, anh có lo ngại các nghệ sĩ trẻ sẽ... bỏ nghề?
Đó là thực trạng không mấy vui đối với nghệ thuật truyền thống. Nhưng theo tôi, cái gì đang diễn ra là hệ quả tất yếu của quá khứ, cái sắp diễn ra cũng không phải không có duyên cớ từ trước. Làm xoay chiều quy luật vận động của xã hội hầu như không thể. Nên có lẽ lo lắng cũng bằng thừa. Chi bằng hãy hành động và hành động khi tin vào bản thân.
Có một định nghĩa về Văn hóa là: “Những gì còn lại sau khi tất cả những thứ khác đã mất đi, đó chính là văn hóa”, vậy cái còn lại là giá trị vĩnh cửu, cái mất đi là thứ vô ích trong chuỗi sinh tồn, đừng nên tiếc nuối. Còn vấn đề các nghệ sĩ trẻ, thậm chí là “ngôi sao” có ý định bỏ nghề, tôi không lo ngại và luôn khuyên họ: “Nếu thấy bỏ nghề là tốt cho bạn, thì bạn hãy bỏ ngay tức khắc, tôi đồng tình”. Vì nếu giữ họ ở lại, chắc chắn họ sẽ không còn là một người nghệ sỹ đích thực với khát vọng “Sinh nghệ, tử nghệ” nữa.
Còn nếu “tre” chưa tuyệt chủng thì “măng” chắc chắn sẽ mọc. Thực tế, “măng” ở Nhà hát Cải lương Việt Nam chúng tôi đã mọc, quý vị xem Vì sao lạc xứ sẽ thấy, “măng” khá là vâm váp, chắc khỏe.
Trên một số game show trên truyền hình gần đây, một số thí sinh đã đưa loại hình cải lương vào để thi. Anh có lo ngại nếu đi theo hướng này, dần dà cải lương sẽ đánh mất tính nghệ thuật để phục vụ cho bài toán lợi nhuận?
Đúng như bạn nói mục đích tối cao của game show là lợi nhuận chứ không phải bảo tồn và phát huy Nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật truyền thống lúc này chỉ là phương tiện để nhà tổ chức đạt mục đích của mình. Việc Nghệ thuật truyền thống lên game show có lợi hay hại còn tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể.
Theo tôi nó có cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng tôi không hy vọng môi trường game show là cứu cánh cho Nghệ thuật truyền thống. Vì nghệ thuật Sân khấu chỉ có thể phát huy nội lực khi nó được nuôi dưỡng trong môi trường của nó – đó là thánh đường Sân khấu, cũng giống như cá biển thì không thể sống trong nước ngọt vậy. Hạt giống gieo vào môi trường không phù hợp, hoặc nó sẽ biến dị, hoặc nó sẽ bị thời gian đào thải. Tôi nghĩ cứ để vậy đi, vấn đề là ta cần một chút kiên nhẫn. Giống như không ai có thể hối dục quá trình tiến hóa được.
Tôi là người ủng hộ lối sống thuận theo tự nhiên và tin vào luật Nhân – Quả dưới góc độ khoa học. Còn cái chủ quan trong tôi thì nói rằng. Nghệ thuật truyền thống chưa thể mất đi trong một sớm, một chiều, khi mà các dân tộc còn chưa bị hòa tan trong một thế giới đồng đại.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!