Thưa anh, khi trở thành cố vấn cho chương trình truyền hình thực tế Sếp nhí khởi nghiệp – Kiddie Shark, một sân chơi thực tế đầu tiên về gọi vốn khởi nghiệp dành cho trẻ em từ 7 đến 14 tuổi, vai trò của anh là gì?
Tôi cùng với một vài nghệ sĩ khác có vai trò cố vấn, dẫn dắt để giúp các con thoải mái hơn, giúp ước mơ của con bay xa hơn, gửi những mong muốn của mình đến các bậc phụ huynh. Chúng tôi cũng sẽ dùng kinh nghiệm của người làm cha, làm mẹ để nghe dự án của các con, giúp các con hiểu rõ hơn về dự án của mình trước khi gặp nhà đầu tư.
Nhưng có nghi ngại rằng, liệu các nghệ sĩ có đủ kiến thức tài chính để cố vấn cho các em nhỏ hay không?
Những câu hỏi chúng tôi đưa ra chủ yếu để các bé thể hiện bản thân đã tìm hiểu kỹ như thế nào về dự án của mình hơn là đưa ra những lời tư vấn các con phải thế này, thế kia. Chúng tôi không chỉ quan tâm đến việc học tập của các con mà còn quan tâm đến sự an toàn của các cháu khi khởi nghiệp.
Có những dự án rất tốt nhưng không an toàn khi thực hiện, dù có thuyết phục thế nào chúng tôi cũng không cho gặp nhà đầu tư. Vì hơn ai hết chúng tôi là những người có trách nhiệm, không chỉ ngồi đó làm “bình hoa” cho đẹp.
Tuy nhiên, trong chương trình Kiddie Shark này, nhiều người băn khoăn khi các con trình bày dự án khởi nghiệp của mình và kêu gọi đầu tư với số vốn lên đến hàng tỷ đồng. Liệu cách tiếp cận về tiền như thế có quá sớm với các em nhỏ hay không?
Tôi không hề nghĩ điều này là sớm vì, các cụ xưa có câu "tiền có đồng, cá có con". Trong thực tế, các con cũng phải biết học phí năm nay là 1 triệu/tháng hay một phần gà rán là bao nhiêu, đó là những con số cụ thể. Điều quan trọng, chúng ta đừng nhìn các con số 5 tỷ, 10 tỷ dưới con mắt nặng nề của người lớn mà hãy nhìn qua tư duy của các con.
Với những đứa trẻ tham gia chương trình, chúng tôi cố gắng trân trọng và đưa ước mơ của các em thành hiện thực. Hơn nữa, chúng tôi muốn khích lệ và giáo dục, giúp các con tự tin hơn, dám ước mơ và thực hiện điều mình mong muốn.
Giáo dục cách sử dụng tiền cho trẻ con có thể thực hiện bất kỳ lúc nào. Nhưng điều này khá tế nhị, phải phụ thuộc vào khả năng của mỗi cháu. Những bài học tài chính đầu tiên là những khái niệm như nguồn gốc của tiền, nhiệm vụ của tiền,...
Tuy nhiên, trước khi đưa những khái niệm đó cho trẻ em thì người lớn phải nắm chắc nhất. Việc đầu tiên để giáo dục trẻ em là phải “giáo dục” chính mình, giúp các con hiểu rằng, làm ra tiền không có gì xấu, có những việc làm ra tiền không được cho phép thì được cho là xấu. Nhưng việc định hướng tài chính, muốn làm ông chủ, làm giám đốc hoàn toàn tốt đẹp.
Cũng là một người bố, anh có quan điểm như thế nào về việc giáo dục cách sử dụng tiền cho con cái?
Từ thời trước, thế hệ của chúng ta khi còn nhỏ không được bố mẹ cho tiếp cận và sử dụng tiền. Điều này là do tư duy của giai đoạn lịch sử thời đấy và cũng do bố mẹ chúng ta tiền để nghĩ đến việc đấy.
Nhưng khi tiếp cận với những nền giáo dục hiện đại, muốn đưa con cháu chúng ta trở thành thế hệ công dân toàn cầu, trở thành những đứa trẻ tự tin, năng động và tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình thì một trong những vấn đề quan trọng đến tài chính.
Trước giờ, nhiều bậc cha mẹ cho rằng tài chính với con trẻ là tế nhị. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu nó là một vấn đề khoa học, thách thức và mang tính trí tuệ thì rất cần hướng đến.
Không chỉ trẻ em, mà đối với nhiều người lớn, khái niệm về tiền vẫn còn mù mờ, chỉ hiểu là 1 đồng, 2 đồng. Nhưng khái niệm về tài chính lại khác hẳn, tiền chỉ là một phần của tài chính. Nhiều người không biết, bản thân tôi cũng không biết nếu không tham gia những chương trình như thế này, đó là cách kiếm tiền. Từ đó, chúng ta phải biết cách tiêu tiền, tiết kiệm tiền và cuối cùng là chia sẻ. Đây chính là 4 kỹ năng cực kỳ quan trọng mà trẻ em cần nắm bắt, kể cả người lớn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!