Ngày 21/11, Nhà hát kịch Việt Nam đã thông tin về kế hoạch tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát kịch Việt Nam (12/1952-12/2022).
Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà hát Kịch Việt Nam nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển và cống hiến cũng như khẳng định sức vóc của "Anh cả đỏ", "Cánh chim đầu đàn" của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Theo đó lễ kỷ niệm sẽ kéo dài từ ngày 8-17/12, dịp này, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có nhiều chương trình đặc biệt như sẽ có 10 buổi biểu diễn liên tục với các vở như: Kiều, Người yêu hoa hậu, Bão tố Trường Sơn, Người tốt nhà số 5, Bệnh sĩ, Người trong cõi nhớ, Đêm trắng, Điều còn lại...
Nhà hát cũng sẽ dành tặng 50 vé/buổi diễn dành cho những khán giả yêu mến các chương trình nghệ thuật của đơn vị này.
Dịp này, Nhà hát sẽ đón Huân chương lao động, đây là niềm tự hào, động viên to lớn với Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhà hát sẽ mời các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Nam Bộ ra để tham gia sự kiện.
Theo NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thì bên cạnh các nghệ sĩ hiện đang làm việc, Nhà hát sẽ huy động các nghệ sĩ gạo cội nổi tiếng đã nghỉ hưu nhưng vẫn yêu nghề như: NSND Trung Anh, NSND Lan Hương, NSND Việt Thắng, nghệ sĩ Phú Đôn, Đỗ Kỷ Quế Hằng, Thuý Phương... để diễn những vở kinh điển, được nhiều khán giả yêu thích.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, "Nam Tào" Xuân Bắc cho hay: "Tốt nghiệp Đại học năm 1998 là tôi về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, 24 năm qua, mặc dù có nhiều cơ hội để tôi chuyển nghề nhưng tôi vẫn ở đây. Tôi tự hào mà nói, tôi là một viên gạch nhỏ của Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi cũng góp 1 phần nhỏ xây dựng Nhà hát.
Với bất kỳ nghệ sĩ nào, dù là một phần của Nhà hát thì cũng rất hạnh phúc để tạo nên môt "toà lâu đài" của Nhà hát ngày hôm nay. Chúng tôi là thế hệ kế tiếp, nhưng nhiều năm nữa, chúng tôi lại già, và "tre già măng mọc" là quy luật của cuộc sống. Các thế hệ sẽ tiếp nối nhau tạo nên truyền thống nơi đây".
NSƯT Xuân Bắc cho biết, hiện tại có 500 nghệ sĩ, diễn viên từng làm việc tại Nhà hát, mọi người đều ủng hộ các hoạt động của Nhà hát, động viên tinh thần người trẻ làm việc tốt hơn.
NSƯT Trịnh Mai Nguyên - Trưởng đoàn kịch Đương đại, Nhà hát Kịch Việt Nam cho hay, để có được ngày hôm nay, các thế hệ diễn viên nhà hát Kịch Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, các nghệ sĩ đã có sự kế tục truyền thống từ các nghệ sĩ đi trước. Để giữ được bản sắc riêng cho Nhà hát, các diễn viên đã cố gắng rất nhiều.
"Chúng tôi không ngừng học hỏi, từ đời sống đương đại đến đời sống sân khấu thế giới. Đối với từng vai diễn, các diễn viên đều sáng tạo để có "màu sắc" riêng cho mình. Ở Nhà hát, các đạo diễn trẻ được khuyến khích, phát huy được khả năng của mình. Chúng tôi không giấu nghề, luôn học hỏi thế hệ trước và sẵn sàng truyền dạy cho lớp đàn em", NSƯT Trịnh Mai Nguyên cho biết.
Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ ít có cơ hội làm nghề. Tuy nhiên, sau khi trở lại cuộc sống bình thường, bằng sự nỗ lực, nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ sĩ đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, với nhiều chủ đề, đề tài nóng hổi của cuộc sống đương đại.
Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức gần 150 buổi diễn phục vụ khán giả Hà Nội và các tỉnh, thành phố; đón nhận 50.000 lượt khán giả.
Bên cạnh hoạt động biểu diễn, sáng đèn sân khấu trở lại, nhà hát đã dàn dựng chuỗi chương trình, như: Công diễn chùm kịch ngắn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh Sáng mãi tên Người; dựng và diễn vở Nhân thế, Người trong cõi nhớ, Người yêu hoa hậu; thực hiện 2 dự án hợp tác với nước ngoài, dựng vở nhạc kịch Alice Wonderland, vở kịch Bến không chồng.